Ngày 8/4, tại phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án chặt 12 cây keo lai xảy ra ở Trung tâm lâm nghiệp TP Biên Hòa (TTLNBH), Viện KSND tỉnh Đồng Nai đề nghị HĐXX tuyên hủy bản án sơ thẩm của TAND TP Biên Hòa đối với tám bị cáo về tội Hủy hoại tài sản để điều tra lại.
Trong khi đó, các bị cáo đều kêu oan, đề nghị tòa phúc thẩm phải tuyên vô tội.
“Vật chứng đã bán”
Theo cáo trạng của Viện KSND TP Biên Hòa, ngày 26/10/1992, TTLNBH ký hợp đồng với ông Ngô Văn Yến trồng và chăm sóc bảo vệ rừng với diện tích 1ha tại KP 8, phường Long Bình (TP Biên Hòa).
Năm 2001, TTLNBH khai thác và trồng lại keo lai trên diện tích khai thác. Năm 2001, ông Yến nhượng lại hợp đồng cho ông Nguyễn Đức Hiền để tiếp tục chăm sóc và hưởng lợi sản phẩm.
Sau đó, ông Hiền sang nhượng cho vợ chồng bà Vũ Thị Mộng Thu và ông Nguyễn Tồn Chí 4.800 m2 với giá 260 triệu đồng. Ông Hiền cũng viết giấy tờ sang nhượng cho vợ chồng ông Đinh Trọng Thúc và bà Nguyễn Thị Anh 243 m2 với giá 100 triệu đồng.
Đến năm 2006, vợ chồng ông bà Thu và Chí sang nhượng (cũng bằng giấy tờ viết tay) cho Đỗ Thị Le, Ngô Quang Tuyên, Vũ Thị Mộng Huyền.
Ngày 13/10/2013, những người nhận chuyển nhượng đất này đến chặt cây, dọn cỏ trên lô đất để sử dụng và cùng nhau góp 700.000 đồng thuê máy cưa cây keo lai của TTLNBH đã trồng trên lô đất từ năm 2001 thì bị trung tâm phát hiện, lập biên bản sự việc và chuyển hồ sơ cho Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Biên Hòa điều tra xử lý.
Tháng 5/2014, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Biên Hòa đã khởi tố tám bị can gồm Đinh Trọng Thúc, Nguyễn Thị Anh, Vũ Thị Mộng Thu, Nguyễn Tồn Chí, Ngô Quang Tuyên, Vũ Thị Mộng Huyền (em ruột Thu), Đỗ Thị Le (64 tuổi) và Nguyễn Thị Thu Hường.
Trong đó công an đã bắt tạm giam năm người. Công an xác định số cây keo lai bị chặt này có thâm niên 12 năm, đây là giai đoạn cây đang ở độ tuổi rừng gần thành thục.
12 cây keo lai đã bị chặt hạ có tổng trị giá trên 10,6 triệu đồng. Sau đó Viện KSND TP Biên Hòa đã truy tố tám bị can về hành vi Hủy hoại tài sản.
Sau khi TAND TP Biên Hòa tuyên án, ngoại trừ bị cáo Chí, cả bảy bị cáo còn lại đều có đơn kháng cáo kêu oan, không chặt cây của lâm trường và có những chứng cứ giả mạo để đẩy các bị cáo vào vòng lao lý.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Đinh Trọng Thúc nói: “Hai vợ chồng bị cáo không chặt cây. Đất của bị cáo sang nhượng lại đã có hai cây keo lai nhỏ tái sinh trên đất. Bị cáo bỏ công chăm sóc mới ra chặt thì lâm trường ra lập biên bản mang về. Bị cáo đề nghị Viện KSND đưa ra bằng chứng”.
Bị cáo Thúc cũng cung cấp hình ảnh chụp từ vệ tinh khu đất ở khu phố 8, phường Long Bình để khẳng định khu vực này nhà xưởng đã mọc đầy, không phải là rừng như TTLNBH nói với công an.
Hầu hết bị cáo kháng cáo đều cho rằng đất mua sang tay lại chỉ có vài cây keo lai, đề nghị hội đồng xét xử phải chứng minh 12 cây keo lai là giá trị tài sản bị thiệt hại của TTLNBH.
Tại tòa, đại diện TTLNBH cho biết ban đầu lập biên bản xác định có 24 cây keo lai bị chặt nhưng sau đó xác minh thiệt hại còn 12 cây.
“12 cây này hiện đang ở đâu?” - vị đại diện Viện KSND tỉnh Đồng Nai hỏi. “Đã bán!” - đại diện TTLNBH trả lời. Viện KSND tỉnh cho rằng 12 cây keo lai là vật chứng của vụ án nhưng trung tâm đem đi bán là sai quy trình về bảo quản vật chứng vụ án.
Để làm rõ vụ án, luật sư Trần Vũ Hải (bào chữa cho các bị cáo) đã dẫn chứng TTLNBH lập biên bản có 24 cây bị chặt nhưng trong hồ sơ hoàn toàn không thể hiện hình ảnh các gốc cây bị chặt.
Bị cáo lớn tuổi nhất là bà Đỗ Thị Le tươi cười ra về sau khi nghe Viện KSND tỉnh Đồng Nai đề nghị hủy án vì không có chứng cứ xác định tài sản thiệt hại. |
Những cây bị chặt được cho là tài sản bị thiệt hại đã được nhân chứng có mặt ở tòa khai đã bán trước khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án...
Luật sư Hải cũng yêu cầu cung cấp các biên bản nghiệm thu, biên bản thể hiện việc giao đất trồng rừng của các chủ đất trước đây để chứng minh các bị cáo đã chặt cây của trung tâm nhưng đại diện TTLNBH cho hay “đã thất lạc” và “không có”...
Đề nghị khởi tố vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp
Không bằng lòng với đề nghị của Viện KSND, luật sư Trần Vũ Hải tranh luận: “Vật chứng đã bán hết thì không bao giờ xác định thiệt hại được nữa. Không điều tra được nữa. Với hồ sơ vụ án và các lời khai tại tòa đã đủ cơ sở tuyên các bị cáo vô tội để chấm dứt đau khổ cho họ”.
Trong phần tự bào chữa, tất cả bị cáo kháng cáo đều kêu oan và đề nghị hội đồng xét xử tuyên vô tội.
Bị cáo Thúc nói: “Ngay từ lúc bị bắt giam đến giờ này tôi luôn khẳng định mình không có tội. Hai cây tái sinh nằm trên đất của tôi, tôi chặt mà bắt tôi là sao”.
Luật sư Hải còn đề nghị tòa khởi tố ngay vụ án hình sự xâm phạm hoạt động tư pháp.
Cụ thể, theo ông, vụ án này đã gia hạn một lần, sau đó ra quyết định đình chỉ vụ án do không xác định được tội phạm thì chỉ trong vòng 24 giờ phục hồi điều tra bắt các bị can. Viện KSND TP Biên Hòa cũng không đặt vấn đề vì sao phải bắt họ và chưa xác định được thiệt hại thì căn cứ vào đâu để khởi tố vụ án hình sự.
Tranh luận trở lại, đại diện Viện KSND tỉnh Đồng Nai nói: “Chúng tôi chia sẻ với bức xúc của các bị cáo. Chúng tôi đã công tâm nghiên cứu hồ sơ kháng cáo. Bị truy tố hủy hoại tài sản phải có thiệt hại nhưng tài sản không còn nữa. Hậu quả thiệt hại xảy ra là không có.
Vì vậy quan điểm trả hồ sơ để xem có thiệt hại nào khác nữa không. Riêng vấn đề luật sư đề nghị khởi tố vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp nằm ngoài phạm vi của chúng tôi”.
Sáng 13/4, tòa phúc thẩm sẽ tuyên án.
Tòa sơ thẩm đã tuyên án tù giam 5 bị cáo
Ngày 15/12/2014, TAND TP Biên Hòa đã đưa vụ án này ra xét xử sơ thẩm và tuyên phạt tù cả tám người. Cụ thể, các bị cáo Đinh Trọng Thúc, Vũ Thị Mộng Thu, Ngô Quang Tuyên, Vũ Thị Mộng Huyền và Nguyễn Thị Thu Hường bị tòa tuyên phạt mỗi bị cáo 5 tháng 4 ngày tù (bằng với thời gian tạm giam), thả tự do ngay tại tòa. Riêng bị cáo Nguyễn Tồn Chí, Nguyễn Thị Anh, Đỗ Thị Le bị phạt 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.