Chiều 16/5, nêu quan điểm luận tội, đại diện VKSND Cấp cao tại Hà Nội cho rằng bản án sơ thẩm TAND TP Hà Nội tuyên 33 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á đã được xem xét đầy đủ các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ.
Đề nghị y án 18 năm tù với cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long
Sau phiên sơ thẩm, Phan Quốc Việt (Tổng giám đốc Công ty Việt Á); Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế) cùng 10 bị cáo có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt hoặc xem xét lại tội danh.
Tuy nhiên, khi xem xét đơn kháng cáo của Phan Quốc Việt, đại diện Viện kiểm sát Cấp cao đánh giá trong vụ án bị cáo là người lãnh đạo, chỉ đạo mọi hoạt động của Công ty Việt Á; khi phạm tội giữ vai trò cao nhất; hậu quả vụ án lớn, gây bức xúc cho dư luận, do đó không có căn cứ chấp nhận giảm thêm hình phạt.
Đối với ông Nguyễn Thanh Long, Viện kiểm sát đánh giá ông nhiều lần nhận hối lộ, có nhiều tình tiết tăng nặng.
Tại tòa, dù ông Long nộp khắc phục thêm 1 tỷ đồng, luật sư bào chữa cung cấp thêm một số tình tiết mới như anh chị em của bị cáo được tặng thưởng nhiều huân, huy chương; bản thân bị cáo có thành tích tốt khi còn công tác.
Các bị cáo trong vụ án. |
“Tuy nhiên, hành vi phạm tội của bị cáo là nghiêm trọng, gây ảnh hướng xấu dư luận… tòa cấp sơ thẩm tuyên án đã áp dụng các tình tiết giảm nhẹ để mức án của bị cáo dưới khung hình phạt”, đại diện Viện kiểm sát nêu và cho rằng không còn căn cứ giảm nhẹ thêm cho ông Long.
Xét kháng cáo của ông Phạm Duy Tuyến (cựu Giám đốc CDC Hải Dương); Trịnh Thanh Hùng (cựu Phó vụ trưởng thuộc Bộ KH&CN), với 8 bị cáo còn lại, Viện kiểm sát cho hay dù gia đình các bị cáo có công với cách mạng, người thân được tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen, bản thân bị nhiều bệnh nền, song ở cấp sơ thẩm đã tuyên bị cáo bản án nhẹ, phù hợp hành vi nên đề nghị giữ nguyên mức án.
Đề nghị bác kháng cáo của mẹ và vợ Phan Quốc Việt
Đối với kháng cáo phần dân sự của bà Đàm Thị Trinh (mẹ ruột của bị cáo Phan Quốc Việt) đề nghị giải tỏa kê biên hàng chục số tiền tiết kiệm 412 tỷ đồng, VKSND cấp cao nhận thấy, khoản tiền này Việt gửi cho bà Trinh trong thời gian phạm tội (năm 2021) và có nguồn gốc từ thu lời bán kit test. Do đó, đề nghị cần tiếp tục phong tỏa nhằm đảm bảo công tác thi hành án.
Tương tự, Viện kiểm sát cũng bác kháng cáo của bà Hồ Thị Thanh Thủy (vợ Phan Quốc Việt) yêu cầu giải tỏa 2 sổ tiết kiệm trị giá 20 tỷ đồng đứng tên 2 con gái.
Theo cơ quan công tố, số tiền trong 2 sổ tiết kiệm này được Việt gửi năm 2021, trong khi hành vi phạm tội của bị cáo diễn ra xuyên suốt năm 2020-2022. Nguồn gốc tiền này có được từ bán kit test.
Về kháng cáo của Công ty Việt Á đề nghị tòa không tịch thu sung quỹ Nhà nước số tiền hơn 600 tỷ đồng, cơ quan công tố cũng đề nghị tòa bác bỏ.
Bản án sơ thẩm xác định năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới, tại Việt Nam, nhiều ca bệnh lây lan phức tạp trong cộng đồng gây hoang mang dư luận.
Trước tình hình trên, Chính phủ đã triển khai nhiều chủ trương, biện pháp để ứng phó, trong đó có giao cho Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan chủ động, tích cực triển khai việc nghiên cứu, chế tạo sinh phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Phan Quốc Việt bị cáo buộc đã đặt vấn đề, thống nhất với Trịnh Thanh Hùng (cựu Vụ phó Vụ KH&CN các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ KH&CN) về việc giúp Công ty Việt Á được tham gia nghiên cứu với mục đích sử dụng kết quả Đề tài để sản xuất, bán thương mại kit xét nghiệm.
Theo cơ quan tố tụng, trong 2020 và 2021, Công ty Việt Á sản xuất tổng cộng hơn 8,7 triệu kit xét nghiệm và bán cho các đơn vị, cơ sở y tế trên khắp cả nước hơn 8,3 triệu kit. Doanh nghiệp này được thanh toán hơn 4,5 triệu kit xét nghiệm với tổng số tiền 2.250 tỷ đồng.
Kết quả điều tra xác định Công ty Việt Á bỏ ra gần 365 tỷ đồng để mua nguyên vật liệu, cộng với các loại chi phí khác, thuế và lợi nhuận 5%, giá thành sản xuất 1 kit xét nghiệm là hơn 143.000 đồng. Tuy nhiên Công ty Việt Á đã nâng giá khống lên gấp nhiều lần và được phía Bộ Y tế chấp thuận khi hiệp thương giá, để bán ra thị trường mức 470.000 đồng/1 kit xét nghiệm.
Cơ quan truy tố kết luận Công ty Việt Á thu lời bất chính 1.235 tỷ đồng, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 432 tỷ đồng.
Để được cấp phép sản xuất thương mại, Phan Quốc Việt cùng đồng phạm đã đưa hối lộ các cựu quan chức số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng. Số này có việc đưa hối lộ cho cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long 2,25 triệu USD; Chu Ngọc Anh được biếu 200.000 USD; Phạm Xuân Thăng được biếu 100.000 USD...
“Sai phạm của các bị cáo đã xâm phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, làm mất niềm tin trong nhân dân, gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngân sách Nhà nước… Hành vi của một số bị cáo là suy thoái tư tưởng, băng hoại đạo đức”, HĐXX sơ thẩm đánh giá và cho hay đã cân nhắc đến các tình tiết giảm nhẹ và có chính sách khoan hồng đặc biệt cho các bị cáo phạm tội khi tham gia chống dịch nhưng không hưởng lợi hoặc hưởng lợi ít.
Tủ sách pháp luật sẽ giúp độc giả của Znews tìm hiểu sâu hơn về các luật, bộ luật, cũng như dễ dàng tiếp cận các quy định về đăng ký tạm trú, xử phạt hành chính…