Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Việt kiều, người nước ngoài về Việt Nam trị hiếm muộn tăng đột biến

Người đàn ông 83 tuổi, từ Mỹ đến Việt Nam làm phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, mang theo hy vọng có thêm con với người vợ Việt.

Em bé chào đời khỏe mạnh trong vòng tay của tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Trung. Ảnh: BSCC.

Ở tuổi 83, hy vọng có con bằng phương pháp mang thai tự nhiên gần như mò kim đáy bể đối với ông ông James (luật sư, quốc tịch Mỹ). Tái hôn với người vợ trẻ Việt Nam, người đàn ông tha thiết có con nhỏ để gia đình thêm ấm ấp.

Ông James có nhu cầu trữ đông tinh trùng để thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm với trứng của người vợ Việt nhưng đặc thù công việc không thể ở lại Việt Nam quá lâu.

"Trường hợp của ông James khá khó, bởi tinh trùng không đạt chất lượng để trữ đông, giải pháp tốt nhất là thụ tinh trong ống nghiệm”, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Trung, giảng viên Bộ môn Phụ sản, Đại học Y dược TP.HCM, chia sẻ.

Cùng mang hy vọng như vợ chồng ông James, ngày càng nhiều người nước ngoài, Việt kiều tìm đến Việt Nam để điều trị hiếm muộn, tha thiết tìm con.

Giấu gia đình về Việt Nam chữa vô sinh

Anh Q.N. (41 tuổi) và chị T.H. (43 tuổi), sống tại Mỹ, bị hiếm muộn hơn 4 năm qua. Cả hai vợ chồng đều mong mỏi tiếng nói cười trẻ nhỏ trong nhà.

Theo chia sẻ của anh N., việc đặt lịch điều trị hiếm muộn ở Mỹ không đơn giản và trải qua nhiều lượt khám, nhiều cuộc hẹn, thậm chí kéo dài hàng tháng trời. Do đó, sau khi dịch Covid-19 ổn định, đôi vợ chồng quyết định về Việt Nam chữa hiếm muộn dù họ hàng đều đã chuyển qua Mỹ từ lâu.

“Hai vợ chồng nói dối gia đình về Việt Nam du lịch và đã ở lại hơn 4 tháng để điều trị”, TS Trung kể.

viet kieu chua hiem muon anh 1

TS.BS Nguyễn Hữu Trung, giảng viên Bộ môn Phụ sản, Đại học Y dược TP.HCM. Ảnh: BSCC.

Theo TS Trung, trường hợp chị T.H. khá lớn tuổi nên đã suy giảm dự trữ buồng trứng nặng. Để có thể đảm bảo đủ trứng làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), TS Trung đưa ra phương án kích trứng, gom dần dần, đến khi đủ số lượng.

“Mỗi tháng, người vợ được kích trứng một lần, mỗi lần chỉ gom được 3-4 trứng. Liên tiếp đến tháng thứ 3, chúng tôi gom được 10 trứng, đủ để tạo phôi. Sau 5 ngày nuôi cấy, 4 phôi khỏe mạnh được trữ lại, sẵn sàng cấy cho người vợ”, TS Nguyễn Hữu Trung kể lại quá trình.

IVF là kỹ thuật điều trị vô sinh, hiếm muộn, trong đó, bác sĩ sẽ lấy tinh trùng của người chồng, kết hợp với trứng của vợ để thụ tinh trong phòng labo và tạo phôi.

Sau khi phôi được tạo thành công trong môi trường nuôi cấy (thường 3-5 ngày), phôi sẽ được đưa vào buồng tử cung của người vợ để phát triển thành thai nhi.

Không có chất lượng tinh trùng tốt như anh Q.N., ông Daniel (quốc tịch Thụy Sỹ) và người vợ Việt Nam trải qua giai đoạn khó khăn khi gõ cửa nhiều bệnh viện và những cuộc hẹn dang dở ở Thụy Sỹ.

Vấn đề khó khăn là ông Daniel từng triệt sản trong hôn nhân lần đầu. Sau khi kết hôn lần 2, việc lấy tinh trùng theo phương pháp thông thường để làm IVF cũng là điều không dễ dàng.

“May mắn là việc chọc hút tinh trùng từ mào tinh hoàn diễn ra thuận lợi dù số lượng không còn nhiều. Vợ chồng họ có thể đạt được nguyện vọng mang thai và sinh con như ý nguyện”, TS Trung chia sẻ.

Trung bình 100 triệu đồng cho ca IVF tại Việt Nam

Chia sẻ với Zing, thạc sĩ, bác sĩ Hồ Mạnh Tường, Tổng thư ký Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TP.HCM (HOSREM), cũng cho biết khoảng 10 năm gần đầy, số lượng Việt kiều và người nước ngoài đến Việt Nam điều trị hiếm muộn, chủ yếu làm IVF bắt đầu nhiều và tăng dần.

Trong hơn 2 năm ảnh hưởng bởi dịch bệnh, Việt kiều và người nước ngoài không có cơ hội về điều trị. Năm nay, dịch được kiểm soát, việc đi lại và du lịch trở về bình thường, Việt kiều về nước điều trị vô sinh cũng tăng đột biến.

viet kieu chua hiem muon anh 2

Một bệnh nhân đang được làm pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Ảnh: BSCC.

Trong 2-3 tháng trở gần đây, bệnh viện nơi bác sĩ Tường đang công tác có đến 50-60 trường hợp Việt kiều và người nước ngoài đến đến điều trị IVF/tháng.

TS Nguyễn Hữu Trung tiếp nhận tư vấn, điều trị cho khoảng 2-3 cặp vợ chồng là người nước ngoài, Việt kiều mỗi tháng. Trong dịp cuối năm nay, mỗi tuần, chuyên gia này tiếp nhận 5-7 ca.

Ngoài ra, theo TS Trung, năm nay được xem là may mắn, rất nhiều người chọn làm IVF sau Tết với mong muốn có thai và sinh con tuổi Quý Mão trọn vẹn.

Theo TS Nguyễn Hữu Trung, hiện nay, tại Việt Nam, chi phí cho một ca làm IVF trong khoảng 90-120 triệu đồng, trung bình 100 triệu đồng/chu kỳ.

Mức chi phí này còn dao động tùy từng trường hợp cụ thể, nhất là phụ thuộc lớn vào chất lượng và số lượng của trứng, tinh trùng ở người chồng và người vợ.

Chi phí này tại Việt Nam cũng được xem là rẻ hơn nhiều so với nước khác trong khu vực, chẳng hạn, bằng một nửa hoặc 1/3 so với Thái Lan.

Trong khi đó, tại Mỹ, mức giá thực hiện IVF 15.000-20.000 USD cho một chu kỳ. Tại một số trung tâm, chi phí đến 30.000 USD cho một chu kỳ.

Theo TS Nguyễn Hữu Trung, trong vòng vài năm trở lại đây, ngày càng nhiều báo cáo của bác sĩ đầu ngành về hiếm muộn tại Việt Nam như thạc sĩ, bác sĩ Hồ Mạnh Tường, PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan, báo cáo của các bệnh viện sản phụ khoa, trung tâm hỗ trợ sinh sản lớn…

Những báo cáo này được đăng tải trên những diễn đàn y khoa uy tín. Cũng từ đây, số lượng người nước ngoài đến Việt Nam điều trị hiếm muộn, vô sinh, làm IVF ngày càng đông.

Ngoài ra, Việt Nam cũng là nơi có điều kiện tiếp cận dịch vụ y tế rất nhanh chóng, thủ tục đơn giản, không rườm rà, nhất là đối với chuyên ngành hiếm muộn, hỗ trợ sinh sản.

“Ngành hỗ trợ sinh sản tại Việt Nam cũng trên đà phát triển mạnh, phương tiện kỹ thuật và yếu tố con người cũng không thua kém so với thế giới. Thậm chí, nhiều người nước ngoài khi làm IVF đã chia sẻ rằng họ không ngờ Việt Nam lại có những bệnh viện, phòng lab xịn xò đến như vậy”, chuyên gia này nói thêm.

Mục Sức khỏe của Zing giới thiệu đến độc giả cuốn sách Smoothie: Giải pháp từ thiên nhiên giúp giảm cân, thải độc, phòng bệnh, sống lâu.

Cuốn sách sẽ cung cấp cho bạn đọc kiến thức về sinh tố, lời khuyên trong việc làm và sử dụng sinh tố sao cho có ích với sức khỏe. Ngoài ra, tác giả Farnoosh Brock còn bật mí về những công dụng bất ngờ của sinh tố trong việc giúp phái đẹp giảm cân tự nhiên, cải thiện tâm trạng hiệu quả.

Gia tăng trẻ vị thành niên Việt Nam bị vô sinh sau nạo phá thai

Các thống kê cho thấy hiện nay, tỷ lệ vô sinh thứ phát sau nạo hút thai ngày càng gia tăng, đặc biệt ở đối tượng phụ nữ trẻ tuổi.

Bích Huệ

Bạn có thể quan tâm