Việt kiều xuyên Việt với ví rỗng đã về đích
Vượt qua quãng đường gần 2.000 km đi từ Hà Nội vào TP.HCM mà không một xu dính túi, chàng Việt kiều 23 tuổi Trần Hùng vừa kết thúc chuyến hành trình của mình sau 77 ngày vất vả.
Từ giữa tháng 6/2012, Hùng rời Hà Nội và thẳng tiến TP.HCM.
Sau hơn 2 tháng “lặn lội”, Hùng xuất hiện tại TP.HCM với nước da ngăm đen, bộ quần áo vẫn còn rất “nông dân”.
Hùng dễ dàng chiếm được thiện cảm khi trò chuyện vì vẻ tự nhiên và khuôn mặt thật thà, hiền lành. Đó có lẽ cũng là lý do khiến Hùng hoàn thành chuyến xuyên Việt nhanh hơn dự định dù không mang theo tiền trong người.
Trần Hùng thân thiện chia sẻ thông tin về những người đã giúp anh trong chuyến đi với các bạn trẻ tại TP.HCM. |
Chưa bị ai từ chối giúp
Ngày đi, hành lý mang theo của Hùng rất đơn giản, chỉ có quần áo, thuốc men, hai đôi giày, lều, bật lửa, nón lá và máy ảnh. Với từng ấy thứ, Hùng lên đường.
Chuyến đi của Hùng có lúc phải đi bộ, có lúc lại quá giang đi nhờ xe tải... Lần đi bộ dài nhất mà Hùng thực hiện là từ Quảng Trị tới Huế với đoạn đường hơn 50 km và mất hơn 12 tiếng.
“Trước khi đi tôi chỉ nghĩ đi để khám phá nhưng những gì tôi thu về nhiều hơn tôi nghĩ. Tôi nhận được những món quà nhỏ trong chuyến đi, tôi nhận được rất nhiều sự trợ giúp và tình cảm của mọi người, những người trước đó tôi chưa từng gặp mặt” - Hùng tiếp tục kể.
Trong chuyến đi, Hùng bị sốt đến hai lần. Và cả hai lần ấy, Hùng đều được gia đình mà anh xin ở trọ chăm sóc như con cái trong gia đình.
Lần bệnh nặng nhất là ở Quy Nhơn (Bình Định), khi đang tá túc trong một gia đình thì bị sốt gần 40 độ. Hùng được gia đình này chăm sóc từ ăn, uống, thuốc men…
“Chưa có ai tôi nhờ giúp mà họ từ chối. Nếu họ không thể giúp thì họ lại giới thiệu người khác giúp tôi” - Hùng nói về những người đã gặp trong chuyến đi của mình.
Trong chuyến hành trình, Hùng dừng chân ở từng địa phương, từ thành phố đến nông thôn, nhưng anh vẫn "ưu ái" sống nhiều ngày hơn ở những vùng làng quê hoặc khu vực của người dân tộc thiểu số.
Hùng trải nghiệm làm nông dân tại Nga Sơn, Thanh Hóa |
Hùng cho biết: “Nếu như tới thành phố nào đó tôi phải liên hệ bạn bè trên mạng xã hội để ở nhờ thì tại các vùng quê, càng hẻo lánh, tôi lại càng được chào đón nồng nhiệt. Cuộc sống của người nông dân ở làng quê dù còn nghèo và vất vả nhưng họ rất tình cảm”.
Nếu ai đó hỏi Hùng về gia đình hay người nào anh ấn tượng nhất trong chuyến đi, Hùng sẽ cười vì anh ấn tượng với quá nhiều người, nhiều gia đình. “Tôi được nhiều người cho ở nhờ, cho ăn uống và coi tôi như con cái trong gia đình” - Hùng nói thêm.
Hùng đã không ít lần quên mất cuộc hành trình khi quay về tuổi thơ với trẻ em vùng quê như đi câu cá, bắn chim, hay khi lao mình vào gặt lúa từ sáng sớm tới tối mịt… Hùng cũng không thể quên hình ảnh nhiều em bé, nhiều cô, bác đã ôm lấy anh khóc khi chia tay để tiếp tục cuộc hành trình.
Cảm phục các bạn trẻ
Ở mỗi vùng đất Hùng đi qua là anh được sống, trò chuyện và chứng kiến những con người khiến anh phải khâm phục.
Trong nhật ký hành trình, anh đã dành nhiều trang giấy để viết về những người trẻ ấy. Thịnh, một sinh viên từ bỏ giấc mơ đại học ở thành phố để có thể chăm sóc mẹ và làm công việc đồng áng. “Cuộc sống khó khăn tạo nên những con người cứng cỏi” là những gì mà Hùng viết về Thịnh.
Anh kể về Hùng, một thầy giáo trẻ ở Thanh Hóa với lớp học tự tạo gồm ghế nhỏ thay cho bàn, máy tính nối với tivi… Ở đó, dù là lớp học tiếng Anh nhưng điều quan trọng trẻ được dạy là sự tự tin, tính trung thực và nói những điều các em suy nghĩ. Khi nghe tin Hùng đến, hơn 200 đứa trẻ ở đây hồ hởi chờ đón để được nghe anh nói tiếng Anh, được nghe anh kể về thế giới bên ngoài rộng lớn.
Hùng trò chuyện với trẻ em ở một lớp học tiếng Anh tại Hà Tĩnh |
Trên chuyến đi, Hùng cũng gặp một cô bé 10 tuổi nhưng phải chăm sóc, trông nom đến ba đứa em vì ba mẹ đi làm ăn xa.
“Có những điều chỉ khi đi tôi mới nhìn thấy và thật sự khâm phục con người Việt Nam ở những làng quê” - Hùng tâm sự.
Hùng cho biết, anh sẽ về lại Hà Nội và cố gắng một ngày nào đó, được quay lại những nơi anh đã đi qua, không phải để ăn nhờ, ở nhờ mà sẽ giúp cuộc sống của người dân nơi đó đỡ khó khăn hơn trong khả năng của mình.
“Điều trước tiên là tôi quyên góp sách vở, áo quần để gửi đến cho trẻ em ở vùng quê” - Hùng nói về dự định sắp tới của mình.
Mặc dù sinh ra và lớn lên ở Mỹ, gia đình vẫn đang sống ở Mỹ nhưng Hùng cho biết sẽ sống và làm việc ở Việt Nam.
“Tôi rất yêu văn hóa, con người Việt Nam và muốn những người nước ngoài biết nhiều hơn nữa về Việt Nam” - Hùng chia sẻ.
Những ngày làm nông dân “Tôi dành ba ngày để làm việc ở đây và thực sự công việc rất nặng và mệt mỏi. Mỗi ngày tôi phải thức dậy từ 5 giờ sáng và làm đến 6 giờ tối: bẻ ngô, gặt lúa, làm đất, và nhiều việc khác nữa. Khi về nhà, tất cả những gì bạn muốn làm là lau rửa mồ hôi và những chỗ ngứa trên người rồi nằm ngủ. Nhưng bạn sẽ không thể ngủ dễ dàng như thế bởi thường xuyên mất điện, và mất điện ở những vùng quê thế này xảy ra rất thường xuyên, có khi cả tuần ngày nào cũng mất điện. Chiếc quạt nhỏ thì không đủ khả năng làm mát, khiến mồ hôi ra khắp người. Bữa cơm đạm bạc chỉ có cơm, canh, một ít rau, vài miếng thịt, và tôi không hiểu làm sao để có thể làm việc cả ngày với chỉ một ít thức ăn như vậy. Tôi hiểu rằng tôi là khách, nhưng cũng là thêm một miệng ăn cho cả nhà. Tôi đã cố gắng bù đắp bằng việc làm việc thật chăm chỉ việc đồng áng, nhưng vẫn cảm thấy tội lỗi, và bởi vậy, tôi ăn ít đi, nói với họ rằng trời nóng khiến tôi không ăn được nhiều”. (Trích nhật ký Teach Tôi của Trần Hùng về Cuộc sống khó khăn tạo nên những con người cứng cỏi) |
Theo Thanh Niên