Ba chàng trai đi bộ xuyên Việt
Dưới nắng hè chói chang và nóng lên đến 38 độ C ở vùng “đất lửa” Quảng Bình, bỗng xuất hiện một nhóm ba chàng trai đồng phục áo xanh đi bộ hướng từ Bắc vào Nam.
Ba chàng trai đến trung tâm TP Đồng Hới trưa 8/7.
Đó là các bạn Trần Thắng (sinh viên năm 4), Nguyễn Hồng Thái (sinh viên năm 1) Trường đại học Hàng hải và Trần Sơn Tùng (sinh viên năm 3) Trường cao đẳng Trung ương 2 (Hải Phòng). Các bạn đang thực hiện chuyến đi bộ từ TP Hải Phòng đến bến Nhà Rồng (TP.HCM). Với chuyến đi này, các bạn mong muốn truyền đến mọi người: kêu gọi mỗi cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức hãy khai thác và sử dụng các nguồn tài nguyên một cách hiệu quả để bảo vệ môi trường sống.
Chuyến đi nhiều ý nghĩa
50.000 tờ rơi - 20.000 chữ ký Mục tiêu của nhóm là đến khi kết thúc cuộc hành trình phải phát được 50.000 tờ rơi hướng dẫn bảo vệ môi trường, có 20.000 chữ ký đồng hành, thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường. Trên chặng đường đi, ở các nơi dừng chân hay nhà nghỉ, điểm viếng thăm... nhóm đều phát tờ rơi cho mọi người và thắp hương viếng các liệt sĩ ở các nghĩa trang mà nhóm đi qua. Đến TP Đồng Hới, nhóm đã phát được hơn 3.000 tờ rơi, thu thập trên 500 chữ ký bảo vệ môi trường. Trên đường đi, nhóm luôn được người dân hỏi han, chia sẻ và giúp đỡ... |
Cuộc hành trình của ba bạn trẻ dự kiến dài 1.800km, điểm cuối của chuyến đi là tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (bến cảng Nhà Rồng), thành phố nơi Bác ra đi tìm đường cứu nước. Dù hết sức mệt mỏi, nhưng Trần Thắng và các bạn không giấu được niềm vui khi tất cả vẫn bảo đảm tốt sức khỏe cho chặng đường dài tiếp theo và nghĩ đến việc mình đang làm những điều có ý nghĩa vì cuộc sống.
Về thông điệp bảo vệ môi trường, theo hai bạn Thái và Tùng, “đất nước không thể giàu mạnh, dân tộc không thể hùng cường nếu hôm nay hay ngày mai môi trường bị hủy hoại, tài nguyên bị cạn kiệt”.
Nhóm đã tự thiết kế và chuẩn bị tờ rơi với các thông điệp trên, kèm theo nội dung hướng dẫn cụ thể gồm chín điều cần thiết về bảo vệ môi trường, như giữ gìn cây xanh, sử dụng các chất liệu từ thiên nhiên, tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng sạch, nguyên tắc 3R (giảm sử dụng, tái sử dụng và sử dụng sản phẩm tái chế), “ta tắm ao ta” (ưu tiên dùng các sản phẩm do địa phương sản xuất nhằm giảm tiêu hao năng lượng vận chuyển), sử dụng phương tiện thân thiện môi trường... để phát trong chuyến đi.
Bước về phía trước
“Có khi vừa nói chuyện với người dân xong đã thấy họ thay đổi. Như ở tỉnh Thanh Hóa, khi nói về chuyện tiết kiệm điện với một phụ nữ, vừa xong thấy chị chạy ngay vào nhà rút hết các phích điện đang cắm trong ổ điện ra, rồi bấm nút tắt tivi khỏi chế độ chờ... cho khỏi tốn điện!”, Thắng kể. Hay ở tỉnh Ninh Bình, khi vào xin nghỉ trưa ở doanh trại một đơn vị bộ đội, nhóm đã được giao lưu với bộ đội, các anh ấy nói rất vui khi biết bên mình luôn có sự hậu thuẫn của thanh niên hậu phương.
Cũng có lúc cả nhóm thấy tủi thân. Đó là ngày ở tỉnh Hà Tĩnh, khi phát tờ rơi cho một bác ở cạnh một khu di tích lịch sử, vừa xem đến mục thông điệp bảo vệ môi trường, bác ném ngay tờ rơi xuống đất, bảo: “Môi trường với chẳng môi trường”. Đến giờ, cả nhóm vẫn không hiểu vì sao.
Trước cuộc hành trình, thành viên nào của nhóm cũng bị gia đình “hạch” đôi điều vì lo sức khỏe không đủ để đi. Nhưng rồi cả ba đã luyện tập đi bộ nhiều tuần ròng rã và được gia đình ủng hộ, thậm chí gia đình còn động viên cả nhóm "đã đi thì quyết đi cho đến nơi đến chốn, đừng buông xuôi giữa đường". Thắng cho biết: “Khi tập đi bộ chỉ đi người không, quên mất là phải mang theo hành lý, nên bây giờ mỗi ngày mang balô nặng 10kg trên vai đi bộ thì quả thật là... nặng”.
Cả ba đều có chung cảm nhận: nhóm học hỏi thêm được bao nhiêu điều trong cuộc sống, về những làng quê và con người VN. Và chuyến đi của ba chàng trai trẻ vẫn còn dài phía trước.
Theo Tuổi Trẻ