Ngày 5/6, tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương (Hà Nội) đã diễn ra ngày hội hiến máu nhân đạo với chủ đề “Dân văn phòng hiến máu vì bệnh nhân Thalassemia”.
Hiện nay, khoảng 70% người hiến máu là đối tượng sinh viên, trong khi dân văn phòng - những người có thể đáp ứng đầy đủ điều kiện hiến máu - lại chưa hưởng ứng mạnh mẽ hành động nhân đạo này.
Với chương trình năm nay, tính đến hết ngày 5/6, có 300 người đăng ký hiến máu là công nhân viên của 12 đơn vị doanh nghiệp ở Hà Nội. Ban tổ chức đã thu được 200 đơn vị máu để phục vụ công tác chữa bệnh cho bệnh nhân Thalassemia.
Chương trình thu hút nhiều dân văn phòng. Ảnh: HQ. |
Theo Giáo sư, Tiến sĩ, Viện Trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương Nguyễn Anh Trí, bệnh Thalassemia hay còn gọi là bệnh tan máu bẩm sinh, hay bệnh huyết tán bẩm sinh, là bệnh thiếu máu do tan máu. Bệnh kéo dài suốt đời, thuộc nhóm bệnh bẩm sinh, di truyền. Với những bệnh nhân ở thể nhẹ không cần điều trị, tuy nhiên ở thể nặng, bệnh nhân cần được truyền máu thường xuyên để duy trì sự sống.
Hiện Việt Nam có khoảng 10 triệu người đang mang gen bệnh này trong người, tức là cứ 9 người thì có 1 người mang gen bệnh tan máu bẩm sinh, trong đó có 20.000 người ở thể nặng và rất nặng. Tuy nhiên, mỗi năm chỉ thu được khoảng hơn 1,1 triệu đơn vị máu, trong khi đó, để 20.000 người bị tan máu bẩm sinh có được cuộc sống bình thường (cung cấp đủ máu) cần đến 450.000 đơn vị (khoảng 40% kho máu).
Nhu cầu máu hiện nay đang rất lớn, tuy nhiên vẫn chưa được đáp ứng một cách đầy đủ. Chỉ tính riêng năm 2015, cả nước nhận được hơn một triệu đơn vị máu, mới chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu máu của một quốc gia theo quy định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).