Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM tổ chức khám bệnh miễn phí trong hội chợ. Ảnh: N.H. |
Thông tin trên được PGS.TS Nguyễn Thị Bay, Chủ tịch Liên chi hội Đông - Tây y kết hợp TP.HCM trao đổi với Tri Thức - Znews bên lề hội chợ Dược liệu, y dược cổ truyền và các sản phẩm dược liệu toàn quốc lần thứ 2 do Bộ Y tế tổ chức ngày 21/1.
Theo PGS Bay, dược liệu Việt Nam rất phong phú, Chính phủ và Bộ Y tế đã phân vùng các khu vực thổ nhưỡng phù hợp với các loại cây cỏ làm dược liệu. Ví dụ, phía Nam có nhiều vùng sản xuất dược liệu như An Giang, Cà Mau, và Đồng bằng sông Cửu Long. Mỗi vùng đều có các khu vực chuyên canh dược liệu, nên dược liệu ở Việt Nam không thiếu.
Đơn cử, Ngưu tất ở Quảng Bình là một trong những loại dược liệu tốt nhất thế giới hiện nay.
Theo thông tin của Bộ Y tế, với ngưu tất, hay hoài ngưu tất, bộ phận dùng làm thuốc là rễ ngưu tất phơi khô. Nhiều chế phẩm từ ngưu tất đã được nghiên cứu có tác dụng chống viêm, giảm cholesterol trong máu, hạ huyết áp, giảm đau. Cao ngưu tất có tác dụng cải thiện tốt với bệnh nhân xơ vỡ động mạch... Theo Đông y, ngưu tất tính bình, vị chua, đắng, vào 2 kinh can và thận.
Tuy nhiên, thực tế, một số trường hợp các dược phẩm này vẫn bị coi là "hàng nhập khẩu", dù chúng được thu mua trực tiếp từ Quảng Bình. Việc mua bán dược liệu và thuốc vẫn gặp khó khăn do cơ chế đấu thầu. Nếu không thể đấu thầu thành công, bệnh nhân bảo hiểm y tế sẽ không thể tiếp cận thuốc, phải tự mua.
Việc mua theo dịch vụ dễ dàng hơn, nhưng giá thuốc y học cổ truyền vẫn còn nhiều khó khăn. Từ dược liệu đến thành phẩm rất khó, nhưng việc sản xuất thành phẩm lại dễ dàng hơn, dù thành phẩm này không hoàn toàn phù hợp với đặc điểm của Đông y.
Bên cạnh đó, việc kết hợp điều trị Tây y và Đông y đang là xu hướng, nhưng ở Việt Nam còn khó khăn do nghiên cứu chứng minh sự kết hợp giữa 2 phương pháp này vẫn chưa đủ.
Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên trao đổi thông tin y dược cổ truyền với đơn vị nước ngoài. Ảnh: T.D. |
Trong khi đó, Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết phát triển dược liệu, thuốc cổ truyền và các sản phẩm từ dược liệu trong nước luôn được nhà nước quan tâm, với nhiều chính sách ưu đãi thu hút đầu tư.
Chính phủ đã thúc đẩy nuôi trồng, sản xuất và chế biến dược liệu theo hướng công nghiệp và chuyên canh. Bộ Y tế tiếp tục tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, trong đó có Hội chợ Dược liệu, Y học cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu toàn quốc lần thứ hai tại TP.HCM.
Cũng trong hội chợ, bác sĩ Đỗ Tân Khoa, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM, cho biết TP.HCM đang phát triển y dược học cổ truyền theo hướng chuyên sâu là định hướng đúng đắn. Việc này góp phần đưa TP.HCM trở thành Trung tâm chăm sóc sức khỏe chuyên sâu của khu vực ASEAN.
Cuốn sách Ăn gì cho khỏi thần kinh của tác giả Uma Naidoo là cẩm nang về cách lựa chọn, sử dụng và chế biến thực phẩm để hỗ trợ sức khỏe tâm thần. Tác giả là một chuyên gia trong lĩnh vực dinh dưỡng tâm thần học, mang tới kiến thức dinh dưỡng để tăng cường hệ miễn dịch và đối phó với các bệnh trạng về tâm lý.