Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Việt Nam đang kiểm soát được dịch do virus corona gây ra’

Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo người dân không nên quá hoang mang khi virus corona vào Việt Nam.

Trước tình hình dịch bệnh do chủng mới của virus corona đang gia tăng ở Trung Quốc cũng như nguy cơ bùng phát ở nước ta khi đã có 5 ca dương tính, nhiều người đang rất hoang mang. Zing.vn đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế.

Đây là chuyên gia được Phó thủ tướng Vũ Đức Đam điều động về làm cố vấn tại Trung tâm đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế cộng đồng Việt Nam của Bộ Y tế, ngăn chặn virus corona lây nhiễm.

Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch

Cảnh chống dịch virus corona ở biên giới Việt Nam - Trung Quốc Tại cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) và Hà Nội, người dân chuẩn bị khẩu trang và nhiều biện pháp phòng bệnh. Trong khi đó tại TP.HCM, số lượng người đeo khẩu trang ra đường còn ít.

Việc tiếp tục ghi nhận số người mắc virus corona, lại là người Việt Nam, có nằm ngoài dự đoán của ngành Y tế hay không?

- Ngay từ đầu, khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát ở Trung Quốc, nước ta đã xác định nguy cơ dịch bệnh xâm nhập là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Bởi nước ta sát biên giới Trung Quốc với lượng đi lại, giao lưu lớn nên có thể lây lan dịch bệnh này. Việc có ca xâm nhập không nằm ngoài dự đoán, đây là điều dễ hiểu.

Ông nhận định về tình hình hiện tại như thế nào? Liệu có nguy cơ bùng phát dịch lớn hay không?

- Nguy cơ bùng phát dịch là lớn. Hiện tại, khi đã có những ca xâm nhập từ Vũ Hán vào nước ta, nguy cơ không chỉ đến từ những ca này mà còn từ những trường hợp khác từ Trung Quốc sang hoặc các nguy cơ khác. Chúng ta phải tính trước điều này và sẵn sàng đối phó với các tình huống.

Việt Nam từng khống chế thành công dịch SARS và các dịch lớn khác. Hiện nay, việc đối phó với dịch hô hấp cấp do biến chủng virus corona, chúng ta có những thuận lợi và khó khăn gì?

- Điểm lợi là Việt Nam có kinh nghiệm trong các dịch lớn như SARS, cúm gia cầm, cúm H1N1, MERS- CoV và hiện tại, việc chống dịch do chủng mới của virus corona gây ra đang được thực hiện rất quyết liệt với chỉ đạo sát sao từ Chính phủ. Tuy nhiên, đặc trưng của mỗi dịch là khác nhau. Bên cạnh đó, tình hình hiện nay cũng khác thời điểm trước khi toàn cầu hóa, việc giao lưu, đi lại lớn, kèm theo đó là khả năng lây lan rất cao. Nguy cơ này lớn hơn rất nhiều thời điểm trước. Trước đây, người dân không đi lại nhiều như hiện tại.

Người dân đang rất hoang mang, nhất là khi có 5 ca đã dương tính với virus corona. Ông đánh giá thế nào về số lượng bệnh nhân ở Việt Nam?

- Tôi nghĩ người dân không nên quá hoang mang. Thứ nhất, dịch bệnh do virus corona ở nước ta vẫn ở mức kiểm soát được. Thứ hai, mặc dù đã ghi nhận 5 ca dương tính, song, cả 5 trường hợp đều là từ Vũ Hán, Trung Quốc trở về chứ không phải lây lan trong cộng đồng Việt Nam. Kể cả trường hợp người con ở Long An dương tính với virus corona được phát hiện ngày 18/1, dù không phải từ Trung Quốc nhưng là trường hợp lây trực tiếp từ người cha (từ Vũ Hán vào và dương tính với virus corona). Điều đó có nghĩa dịch bệnh vẫn chưa lây nhiễm tràn lan ở nước ta.

Một điều đáng mừng khác là nước ta có kinh nghiệm trong chống dịch. Trong 17 năm qua, kể từ khi ghi nhận SARS là dịch bệnh lây mạnh mẽ từ người sang người, Việt Nam đã đối phó với SARS, cúm gia cầm, cúm H1N1 đại dịch, MERS- CoV... và đều đạt kết quả rất tốt. Hơn nữa, tiềm lực của nước ta cũng lớn hơn trước.

So với SARS từng khiến ngành y tế Việt Nam vất vả vào năm 2003 cũng do virus corona gây ra, dịch mới có nguy hiểm bằng?

- Ở thời điểm hiện tại, tỷ lệ tử vong do chủng mới của virus này thấp hơn dịch SARS. Tuy vậy, đây mới là giai đoạn đầu của dịch, chúng ta không loại trừ trường hợp bệnh diễn biến phức tạp hơn.

kiem soat duoc dich virus corona anh 1

PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế. Ảnh: HQ.

Cần sự hợp tác của người dân

Trong bối cảnh này, người dân cần làm gì để bảo vệ sức khỏe và khống chế dịch?

- Để chống dịch thành công, cần sự hợp tác của người dân. Người dân cần nghiêm túc thực hiện các khuyến cáo từ Bộ Y tế để có thể khống chế dịch thành công. Đó là hạn chế đến những vùng có dịch, tiếp xúc với những người đến từ vùng có dịch. Nếu người dân phải tiếp xúc, làm việc với những người đến từ vùng có dịch phải đeo khẩu trang, đứng xa trên 2 m.

Khi có những biểu hiện như sốt, ho, khó thở, người dân phải đến ngay các cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và hướng dẫn điều trị. Cùng với đó, người dân cần phải rửa tay bằng xà phòng, súc miệng nước muối, nhỏ mắt, mũi bằng nước muối sinh lý, đặc biệt phải ăn những đồ ăn chín. Khi bị bắt buộc phải tiếp xúc với vùng có dịch, hoặc đến tiếp xúc với những người từ vùng có dịch về, người dân phải đeo khẩu trang. Khẩu trang thông thường cũng có thể ngăn chặn sự lây lan của virus corona.

Chúng ta đang kiểm soát được dịch nhưng người dân phải hợp tác thì mới có thể đạt kết quả. Nếu không tuân thủ khuyến cáo, như không chịu đeo khẩu trang, che mặt khi ho, hắt hơi, không rửa tay thường xuyên, đi lễ hội tiếp xúc nhiều người, việc chống dịch sẽ rất khó dù chúng ta có kinh nghiệm hay tiềm lực như thế nào.

Thực tế, việc vô tình tiếp xúc với những bệnh nhân đã dương tính với virus corona sẽ khiến nhiều người có nguy cơ lây. Cần kiểm soát điều này như thế nào?

- Việc cần làm ngay sau khi phát hiện các ca có virus corona xâm nhập là khai thác, điều tra, tiến hành theo dõi xem họ đã tiếp xúc với những người nào trong suốt hành trình của mình từ chuyến bay, xe khách, người tiếp xúc...

Những người thuộc diện phơi nhiễm này được theo dõi tại địa phương trong vòng 14 ngày tính từ khi có tiếp xúc với các bệnh nhân trên để kiểm tra xem có bị bệnh hay không. Các đối tượng này cần chủ động tự cách ly tại nhà, hạn chế tiếp xúc với người xung quanh, đeo khẩu trang, che miệng hắt hơi, rửa tay xà phòng. Sau 14 ngày, nếu không có bệnh, họ có thể yên tâm. Tuy nhiên, trong 14 ngày theo dõi này, kể cả đang khỏe mạnh, họ cũng nên hạn chế tiếp xúc với người khác vì có thể đang trong thời gian ủ bệnh.

kiem soat duoc dich virus corona anh 2

Đồ họa: Minh Hồng

Thứ trưởng Y tế thông tin về tình hình 2 cha con nhiễm virus corona Chiều muộn 30 Tết, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn đến khoa cấp cứu (BV Chợ Rẫy) kiểm tra khu vực cách ly và thông tin về sức khỏe của 2 ca nhiễm virus corona.

Rửa tay - cách phòng virus corona hiệu quả

Đa số chuyên gia cho rằng ngoài việc đeo khẩu trang, rửa tay là biện pháp quan trọng và hiệu quả trong việc phòng ngừa lây nhiễm virus corona.

41 bệnh nhân nhiễm corona trên thế giới được điều trị như thế nào?

Nhóm nghiên cứu chỉ ra còn tồn tại khoảng trống lớn những hiểu biết về nguồn gốc, dịch tễ học, khoảng thời gian lây bệnh để tìm ra phương pháp điều trị tối ưu.

Hà Quyên

Bạn có thể quan tâm