Cuộc đua "năng lượng xanh" tại Đông Nam Á manh nha từ những năm 2010. Dựa vào thế mạnh riêng, từng thị trường có chính sách và hướng phát triển phù hợp. Dù chỉ ở giai đoạn khởi đầu, ngành công nghiệp xe điện của các nước ASEAN vẫn cho thấy tiềm năng và đầy tham vọng.
Thái Lan muốn trở thành thủ phủ xe điện của ASEAN
Từ năm ngoái đến đầu năm nay, Thái Lan và Indonesia là hai nước tiên phong ở Đông Nam Á thể hiện rõ quyết tâm làm ôtô điện. Tham vọng của “xứ sở chùa vàng” càng thể hiện rõ hơn khi đặt mục tiêu chỉ bán các phương tiện không khí thải từ năm 2035. Đây là thời điểm phù hợp để chuyển sang dùng các phương tiện chạy điện hoàn toàn.
Thái Lan muốn 50% xe điện ở thị trường nội địa vào năm 2030 sẽ được lắp ráp trong nước. Ảnh: Bloomberg. |
Chính phủ Thái Lan đã đưa ra kế hoạch 3 giai đoạn, kéo dài đến năm 2035, bao gồm khuyến khích ngành xe điện, tiêu chuẩn, cơ sở hạ tầng và thuế phí, cùng nhiều lĩnh vực khác liên quan. Nước này muốn trở thành trung tâm xe điện của khu vực vào năm 2025 và đã giảm thuế cho các nhà sản xuất xe điện, sản xuất pin để thúc đẩy tham vọng của mình.
Cụ thể, từ nay đến năm 2025, Thái Lan đặt mục tiêu sử dụng 1,055 triệu phương tiện chạy điện, bao gồm 402.000 ôtô con và bán tải, 622.000 môtô cùng 31.000 xe buýt, xe tải.
Xa hơn, Thái Lan muốn 50% xe điện ở thị trường nội địa vào năm 2030 sẽ được lắp ráp trong nước. Đến năm 2035, chính phủ nước này kỳ vọng có 6,4 triệu ôtô điện được sử dụng, trong khi tổng lượng phương tiện chạy điện được sản xuất đạt hơn 18,4 triệu chiếc.
Nhiều mẫu xe điện được giới thiệu tại Triển lãm Ôtô Bangkok 2021. Ảnh: Motortrivia. |
Trong khu vực ASEAN, phần lớn hãng xe điện đang chọn đầu tư vào Thái Lan. Từ năm 2018-2019, Hội đồng Đầu tư (BOI) của nước này đã phê duyệt 26 đơn đăng ký sản xuất xe điện và xe hybrid, với tổng giá trị 2,6 tỷ USD, bao gồm BMW, Mercedes-Benz và 3 hãng xe lớn của Nhật Bản là Toyota, Honda và Nissan.
Tháng 6/2020, BOI cũng đồng ý cho tập đoàn Sammitr rót 5,5 tỷ baht xây dựng nhà máy sản xuất xe điện ở tỉnh Phetchaburi. Cuối năm ngoái, BOI đã thông báo việc chấp thuận bổ sung một số công ty, bao gồm Mitsubishi và SAIC.
Thái Lan có tham vọng trong việc muốn trở thành "ông lớn" của ngành xe điện tại Đông Nam Á. Quốc gia này tập trung hỗ trợ chính sách cho các hãng và mở rộng chuỗi cung ứng, đồng thời tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, trạm sạc cho xe điện.
Indonesia đẩy mạnh sản xuất pin, Malaysia thờ ơ với xe điện
Trong khi đó, Indonesia đang thực hiện kế hoạch điện hóa phương tiện giao thông, chiếm ít nhất 20% tổng số phương tiện vào năm 2025, bao gồm 2.200 xe EV, 711.000 xe hybrid và 2,1 triệu xe máy điện.
Ngoài ra, Indonesia hiện là quốc gia có trữ lượng quặng niken lớn nhất thế giới, một nguyên liệu quan trọng trong sản xuất pin xe điện. Từ đầu năm 2020, quốc gia này cấm xuất khẩu quặng niken thô ra thị trường ngoài nước với mục đích gia tăng doanh thu xuất khẩu với các sản phẩm quặng đã xử lý hoặc tinh chế. Điều này cũng được xem là sự chuẩn bị cho mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất pin xe điện trong khu vực.
Indonesia là quốc gia giàu sản lượng niken, nguyên liệu quan trọng để sản xuất pin EV. Ảnh: Paultan. |
Trong khi Thái Lan khuyến khích các hãng xe điện gia nhập và mở rộng nhà máy, Indonesia lại ưu tiên cho các công ty chuyên sản xuất pin.
Quốc gia này cũng đã thu hút nhiều tên tuổi lớn như Toyota và nhà sản xuất pin CATL - chuyên cung cấp pin cho Tesla. Hãng pin này sẽ xây nhà máy trị giá 5,1 tỷ USD tại Indonesia và dự kiến hoạt động từ năm 2024.
Chính phủ Indonesia cũng đang xem xét đề xuất đầu tư từ Tesla, bên cạnh hãng LG Chem cũng đang tìm cách xây dựng nhà máy pin tại đất nước này.
Đối với Singapore, quốc đảo này dự định loại bỏ dần xe động cơ đốt trong vào năm 2040, đồng thời đưa ra một số ưu đãi đối với người mua xe điện, cam kết xây dựng thêm các trạm sạc. Singapore không phải quốc gia mạnh về sản xuất ôtô, nhưng Hyundai đang xây dựng một cơ sở sản xuất xe điện quy mô nhỏ ở đây.
Malaysia cũng không nằm ngoài cuộc chơi, quốc gia này cũng đề ra một số chính sách liên quan đến việc thúc đẩy xe điện. Tuy nhiên trong một báo cáo phân tích của Maybank Investment Bank Research, đây là quốc gia tụt hậu so với phần còn lại của Đông Nam Á, dù từng dẫn đầu cuộc đua "xe năng lượng xanh" vào đầu những năm 2010.
Trong Chính sách Ôtô Quốc gia (NAP) 2020 của Malaysia đã vạch ra lộ trình của ngành công nghiệp ôtô. Tuy nhiên kế hoạch bị trì hoãn trong vài tháng và được thông qua vào những ngày cuối cùng của chính quyền Pakatan Harapan.
Kế hoạch này không đưa ra thông tin cụ thể về bất kỳ ưu đãi nào dành cho doanh nghiệp sản xuất xe điện, đồng thời cũng không có chi tiết nào liên quan đến xe điện được đề cập trong Dự án Ôtô Quốc gia mới (NNCP). Khác với Thái Lan và Indonesia, Malaysia không đưa ra lộ trình cụ thể cho kế hoạch phát triển xe điện.
Cách tiếp cận của Malaysia và các nước ASEAN khác cho ra kết quả hoàn toàn khác biệt. Hoạt động sản xuất xe tại Malaysia vẫn tập trung chủ yếu vào xe động cơ đốt trong.
Malaysia dường như đang ở thế kìm hãm, một số hãng ôtô đầu tư vào nước này than phiền về sự thiếu tiến bộ. Không như phần còn lại của ASEAN, Chính phủ Malaysia dường như vẫn khá thờ ơ với xe điện.
Việt Nam ra mắt xe điện sản xuất trong nước
Việt Nam được xem là quốc gia "đi trễ về nhanh" trong việc thúc đẩy xe điện. Trước năm 2020, không ai từng nghĩ Việt Nam sẽ trở thành cái tên đáng chú ý trong lĩnh vực xe điện tại Đông Nam Á.
Nhưng đến đầu năm 2021, trang Paultan của Malaysia đánh giá ngành công nghiệp xe điện tại Việt Nam còn nổi bật hơn nước này. Hiện tại, Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực tự sản xuất xe điện thương mại.
VinFast VF e34 sẽ được ra mắt vào ngày 15/10. Ảnh: VinFast. |
Trước năm 2020, xe điện Tesla, Nissan được nhập khẩu theo diện tư nhân về Việt Nam chỉ với số lượng ít ỏi và không được chú ý nhiều. Tháng 10/2020, chiếc Porsche Taycan trở thành mẫu xe điện đầu tiên được bán chính hãng.
Đầu năm 2021, VinFast đã công bố 3 mẫu xe điện là VF e34, VF e35 và VF e36. Trong đó, VF e35 và VF e36 là sản phẩm chiến lược tại thị trường Mỹ và châu Âu. Còn tại Việt Nam, hãng đã mở bán VF e34. Mẫu xe này nằm ở nhóm SUV hạng C, có giá bán hợp lý dưới 700 triệu đồng.
Sau nhiều lần được bắt gặp chạy thử nghiệm, mẫu VF e34 sẽ chính thức ra mắt vào ngày 15/10. VinFast cho biết hãng đã nhận được hơn 25.000 đơn đặt hàng cho VF e34, trong đó có gần 10.000 đơn đặt cọc trực tuyến thông qua website của hãng.
Hãng cũng áp dụng các chính sách giảm chi phí sử dụng như cho thuê pin. Mức giá của bộ pin trên xe VinFast VF e34 là khoảng 8.500 USD. Do đó, nếu VinFast pin kèm theo xe, khách hàng sẽ phải chi ra ít nhất 890 triệu đồng để sở hữu mẫu xe SUV điện này, thay vì mức giá 690 triệu đồng như đã công bố.
Việc VinFast triển khai chính sách cho thuê pin nhằm giúp người dùng tránh khỏi những rủi ro, lo ngại liên quan đến pin. Bất cứ khi nào pin gặp vấn đề không phải do lỗi người dùng, hoặc thậm chí là chỉ giảm khả năng tiếp nhận sạc xuống dưới 70% sẽ được VinFast đổi cho pin mới.
Theo hãng xe Việt Nam công bố, VF e34 có động cơ điện mạnh 148 mã lực và trang bị cụm pin dung lượng 42 kWh, khi sạc đầy cho phạm vi di chuyển khoảng 285 đến gần 300 km. Bên cạnh đó, xe cũng có thể sạc nhanh với khoảng 18 phút cho quãng đường 180 km. Mẫu xe này còn có mức bảo hành 10 năm, cao nhất trong ngành công nghiệp ôtô.
Cơ sở hạ tầng cho xe điện cũng được đầu tư phát triển tại Việt Nam. Ảnh: Bối Hạ. |
Ngoài ra vấn đề cơ sở hạ tầng cho xe điện tại Việt Nam cũng đang được đẩy mạnh đầu tư. VinFast đã triển khai hơn 40.000 cổng sạc trên toàn quốc. Đối với ôtô điện, VinFast đưa ra 4 loại trạm sạc, gồm sạc thường 11 kW, sạc nhanh 30 kW và 60 kW, sạc siêu nhanh 250 kW. Vị trí lắp đặt các trạm sạc này là các trung tâm thương mại, chung cư, trạm xăng, trên các tuyến đường cao tốc... Ngoài ra còn có các giải pháp sạc di động để người dùng có thể tự sạc tại nhà.
Tính đến nay, hãng xe Việt triển khai thi công, lắp đặt gần 500 trạm sạc trên toàn quốc, đồng thời ký hợp đồng hợp tác với gần 700 địa điểm. Dự kiến cuối năm nay, hơn 2.000 trạm sạc thuộc giai đoạn một của dự án sẽ hoàn tất. Hệ thống trạm sạc VinFast sẽ cung cấp khoảng 40.000 cổng sạc ôtô, xe máy điện cho người dùng trên cả nước.