Bài kiểm tra PISA 2018 được thực hiện đối với học sinh 15 tuổi từ 79 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc nhóm có mức thu nhập trung bình và cao.
Đây là năm thứ ba Việt Nam tham gia bài đánh giá. Tuy nhiên, nước ta không có tên trên bảng xếp hạng chung, dù xuất hiện trong bản báo cáo cuối cùng.
Bảng xếp hạng toàn cầu PISA năm 2018 của các nước và vùng lãnh thổ, không có tên Việt Nam. |
Năm nay, Trung Quốc (với học sinh tại 4 tỉnh, thành gồm Bắc Kinh, Thượng Hải, Giang Tô, Chiết Giang tham gia) đứng thứ nhất ở cả 3 kỹ năng Đọc, Toán, Khoa học.
3 vùng lãnh thổ khác của Trung Quốc cũng xếp thứ hạng cao, gồm Ma Cao (thứ 3), Hong Kong (thứ 4), Đài Loan (thứ 17). Trừ Đài Loan tụt hạng so với PISA 2015 (thứ 4), các vùng lãnh thổ khác và tổng chung từ 4 thành phố của Trung Quốc đại lục đều tăng hạng.
Trong khi đó, Singapore - nền giáo dục hàng đầu châu Á - rơi từ vị trí số 1 năm 2015 xuống thứ 2 năm 2018. Nhật Bản cũng giảm từ thứ 2 xuống thứ 15. Hàn Quốc tăng từ thứ 11 lên thứ 9.
Các quốc gia châu Âu như Estonia, Phần Lan, Ireland, Hà Lan, Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy cũng ở trong nhóm có thứ hạng cao.
Theo Quartz, OECD đang cố gắng thay đổi để bài kiểm tra không chỉ đánh giá năng lực học thuật. Trong lần đánh giá thứ 6, bài kiểm tra đánh giá năng lực toàn cầu hóa, yêu cầu học sinh trình bày được mối liên hệ giữa bản thân và người khác, suy nghĩ về cuộc sống, tương lai.
Ngoài ra, PISA cũng tìm hiểu mức độ hài lòng của học sinh. Kết quả, chỉ 2/3 cảm thấy hài lòng với cuộc sống của mình.
Trước kết quả khảo sát năm 2018, ông Angel Gurria, Tổng thư ký OECD, cho biết ông thấy thất vọng khi học sinh từ hầu hết nước phát triển không cải thiện thành tích kể từ khi tham gia bài kiểm tra đầu tiên năm 2000.
Trong khi đó, 10 năm qua, chi tiêu cho giáo dục tại các nước thuộc OECD tăng 15%.