Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các đối tác như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO) vừa cam kết phối hợp, chấm dứt việc sử dụng sai, lạm dụng kháng sinh từ các bệnh viện, khu chăn nuôi cũng như tại các hộ gia đình.
Mục đích của sự hợp tác này nhằm kêu gọi các ngành, lĩnh vực và mọi người dân cùng hành động để duy trì hiệu quả của kháng sinh.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn khẳng định việc sử dụng kháng sinh không hợp lý và cần thiết, lạm dụng..., làm gia tăng tình trạng kháng thuốc kháng sinh của vi khuẩn gây bệnh.
Theo báo cáo toàn cầu về kháng thuốc năm 2014 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) được tổng hợp từ 114 quốc gia trên khắp các khu vực, người bệnh phải nằm viện lâu hơn và tỷ lệ tử vong tăng lên ở tất cả nhóm tuổi.
WHO xếp Việt Nam vào nhóm các nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao trên thế giới. Trong khi nhiều quốc gia phát triển sử dụng kháng sinh thế hệ một vẫn hiệu quả, Việt Nam phải dùng tới kháng sinh thế hệ 3 và 4.
Nhiều loại vi khuẩn đã kháng kháng sinh. Trong đó, tỷ lệ kháng kháng sinh của vi khuẩn E.coli gây bệnh đường ruột và tiêu chảy tăng 40% trong 10 năm qua.
Giáo sư, tiến sĩ Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y Tế. Ảnh: Lê Hảo. |
Với nhiệm vụ tiếp tục giải quyết tình trạng kháng thuốc, Bộ Y tế đưa ra bộ hướng dẫn mới nhằm giúp các bệnh viện biết phải làm gì để quản lý việc sử dụng kháng sinh. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng rà soát Hướng dẫn Chẩn đoán và Điều trị bệnh nhiễm trùng, quản lý việc kê đơn thuốc, qua đó ngăn chặn tình trạng kháng thuốc.
Những năm tới, WHO, FAO và các đối tác cũng cam kết sẽ sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực này.
Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng Đại Diện Văn Phòng WHO tại Việt Nam, cho biết một trong những ưu tiên của WHO là tiếp tục hỗ trợ xây dựng năng lực quốc gia cho hệ thống giám sát và tiêu thụ kháng sinh.
“Trong 10 năm tới, lượng kháng sinh dùng trong chăn nuôi dự kiến sẽ tăng gần gấp đôi, đáp ứng nhu cầu thực phẩm từ dân số ngày càng gia tăng. Do đó, ngành lương thực và nông nghiệp có vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu nguy cơ kháng thuốc lây lan", bà Rana Flower, Trưởng Đại diện lâm thời văn phòng FAO, nhận định.
Ông Cao Hưng Thái, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, cho biết từ năm 2013, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch Hành động Quốc gia về kháng thuốc giai đoạn 2013-2020. Việt Nam đã đồng bộ các giải pháp và có nhiều hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng.Đặc biệt, Bộ Y tế đã ban hành đề án tăng cường và kiểm soát kê đơn, đồng thời kết nối liên thông các nhà thuốc, nhà cung ứng thuốc ở cộng đồng và bệnh viện. Tất cả vi phạm về bán thuốc kháng sinh không có đơn ở các nhà thuốc đang được xử lý theo quy định về xử phạt hành chính.
Tuy nhiên, Kế hoạch Hành động Quốc gia về kháng thuốc của Việt Nam sẽ kết thúc vào cuối năm nay. Đây sẽ là định hướng tiếp theo cho Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuẩn bị xây dựng Chiến Lược Quốc Gia về Phòng chống kháng thuốc giai đoạn 2021 - 2030.