Buổi can thiệp đã được truyền hình trực tiếp đến đồng nghiệp trên thế giới. Theo GS.TS Phạm Minh Thông, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Giám đốc Trung tâm Điện quang, Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia trên thế giới tham gia truyền hình trực tiếp tại Hội nghị Điện quang can thiệp - phẫu thuật thần kinh lần này.
Trường hợp thứ nhất là một cháu bé 14 tuổi, ở Vĩnh Phúc. Ban đầu, cháu bé chỉ có biểu hiện mờ mắt nên gia đình đã đưa con đi khám. Sau khi được các bác sĩ thăm khám kỹ lưỡng bằng hình ảnh trên phim cộng hưởng từ thì phát hiện bệnh nhân phình mạch khá phức tạp.
"Trường hợp phình mạch của cháu bé này có dạng hình thoi của động mạch cảnh trong bên trái. Với tình trạng phình mạch như vậy, nếu bệnh nhân không được điều trị kịp thời thì sẽ dần dần gây mất thị lực, nguy cơ vỡ chảy máu, thậm chí tử vong", PGS.TS Vũ Đăng Lưu, Phó giám đốc Trung tâm Điện quang, Bệnh viện Bạch Mai cho biết.
Ê-kíp can thiệp của BV Bạch Mai trước giờ lên sóng. Ảnh: Thế Anh. |
Ca can thiệp thứ 2 cũng là ca hết sức phức tạp. Cháu bé 11 tuổi, bị bệnh lý dị dạng mạch bẩm sinh, vị trí dị dạng thông với màng cứng. Tuy nhiên khác với các ca bệnh thông thường là chỉ dị dạng ở một vị trí, cháu bé này có dị dạng đến 2 vị trí nên việc điều trị rất khó khăn. Các bác sĩ đã tiến hành điều trị nút mạch tắc luồng thông, bơm vật liệu giúp bít tắc vị trí luồng thông và vẫn bảo tồn mạch máu, giảm bớt các nguy cơ khác cho cháu.
“Trước khi can thiệp, tình trạng cháu bé này bị lồi, đỏ mắt bên trái, dòng chảy lưu thông rất lớn, toàn bộ hệ thống dẫn lưu máu từ nhu mô não chảy ngược ra phía trước làm mắt lồi đỏ. Nếu cứ để như vậy thì cháu sẽ hỏng một mắt, áp lực bên trong sọ sẽ tăng, ảnh hưởng đến sự phát triển của não. Việc điều trị bít tắc luồng thông qua can thiệp nội mạch nhằm giảm lưu lượng và hết hoàn toàn ổ dị dạng, từ đó giảm dần áp lực trào ngược giúp phục hồi chức năng mắt chức năng não sau này", PGS Lưu cho biết thêm.
Cũng theo PGS Lưu, trước đây khi chưa có kỹ thuật đặt stent đổi dòng chảy, việc điều trị các ca bệnh phình mạch não tương tự khá khó khăn. Hiện nay, kỹ thuật này có thể bảo tồn được động mạch, sau khi đặt stent vào trong lòng mạch khối phình sẽ được thu gọn lại và dòng chảy đi qua stent vẫn được bảo tồn cấp máu lên não.
Thông thường sau đặt stent khoảng 3 tháng đến 6 tháng, chỗ phình sẽ hết, bệnh nhân hoàn toàn trở lại bình thường, túi phình không tái phát.
Các kỹ thuật Điện quang can thiệp Thần kinh với đường chọc rất nhỏ qua đường mạch máu, giúp bệnh nhân hồi phục rất nhanh ngày càng được phát triển mạnh mẽ giúp điều trị các bệnh lý dị dạng mạch não phức tạp.
GS.TS Thông nhấn mạnh đây là kỹ thuật rất mới trên thế giới được ứng dụng tại Việt Nam. Từ năm 2010 đến nay Bệnh viện Bạch Mai đã tiến hành can thiệp được hơn 200 ca, việc truyền hình trực tiếp 2 ca bệnh lần này tại một hội nghị điện quang can thiệp lớn nhất thế giới là cơ hội để giới thiệu các thành tựu của ngành điện quang can thiệp Việt Nam ra thế giới. Riêng trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam hiện là nước đã điều trị được nhiều ca bệnh dị dạng mạch thần kinh nhất trong khu vực.