Thanh Tùng - chàng sinh viên năm thứ ba khoa báo chí và truyền thông cầm tờ báo đọc diễn cảm bài thơ Mẹ kể con nghe của tác giả Dương Phạm: “Mẹ kể con nghe câu chuyện biển Đông/Xa tít ngoài khơi, vẫy vùng sóng dữ/Nơi những trái tim chẳng màng sinh tử/Nơi máu đỏ, da vàng vì nước quên thân...”. Đến đoạn cuối Tùng ngân giọng: “VN ơi, hãy cùng nắm chặt tay/Ừ nước bé, nhưng hùng gan, bền chí/Quyết không để bọn ngoại bang khinh thị/Bốn ngàn năm phải giữ trọn đất này”.
Bài thơ vừa dứt, những tiếng vỗ tay từ dưới lớp ngân vang...
Sôi sục khí thế
Trò chuyện với Trương Thanh Tùng sáng 11/5. Bạn kể: “Đọc từng câu thơ tôi thấy lòng mình phấn khởi, sôi sục khí thế và hưng phấn lắm. Bài thơ cũng tạo cho tôi cảm giác nhẹ nhàng đằm thắm. Có một điều gì đó rất cao cả, nhẹ nhàng, thiêng liêng, bình dị dễ đi vào lòng người. Do đó tôi muốn đọc bài thơ cho các bạn cùng lớp nghe”.
- Bạn nhắn gửi điều gì khi quyết định đọc bài thơ đầy cảm xúc về tình yêu biển đảo đến các bạn cùng lớp mình?
- Tôi muốn truyền tải thông điệp biển đảo quê hương. Tôi mong sẽ khơi gợi tình yêu biển đảo quê hương trong các bạn cùng lớp với mình. Tôi nghĩ không chỉ những chiến sĩ chiến đấu ngoài biển đảo mới bảo vệ Tổ quốc mà mỗi người đều có một cách yêu nước khác nhau. Tất cả đều là tinh thần yêu nước, hướng về biển đảo. Tôi thích nhất đoạn cuối cùng của bài thơ: “VN ơi, hãy cùng nắm chặt tay/Ừ nước bé, nhưng hùng gan, bền chí/Quyết không để bọn ngoại bang khinh thị/Bốn ngàn năm phải giữ trọn đất này”. Những dòng ấy như một lời hiệu triệu cả dân tộc trước ngoại xâm.
Trương Thanh Tùng đọc bài thơ Mẹ kể con nghe sáng 10/5 tại lớp học của mình - Ảnh cắt từ clip do một người bạn của Tùng quay lại. |
- Theo dõi thông tin thời sự về biển Đông trong những ngày qua, là một người trẻ bạn có suy nghĩ gì?
- Tôi thấy người dân đồng lòng thể hiện tình yêu nước theo những cách riêng của mình. Có điều tôi nghĩ tốt hơn là nên dẹp bỏ những tiểu tiết, quan điểm nhỏ khác nhau như tranh cãi về kiến thức trên mạng... Những vấn đề nhỏ đó là không đáng và không nên. Tôi thấy nên gộp chung lại để hướng về những vấn đề cao cả hơn, lớn hơn, thiêng liêng hơn đó là hướng về Tổ quốc, hướng về biển đông, về Hoàng Sa, Trường Sa của mình.
Kiên quyết đấu tranh
- Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển nước ta và hung hăng tấn công tàu của ta. Bạn nhận định thế nào về hành vi này?
- Tôi thấy hành động Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của nước ta là xâm lược trắng trợn chủ quyền của nước ta. Đó là việc làm ngang ngược, xâm hại lợi ích nước ta nên chúng ta phải kiên quyết đấu tranh chống lại. Ngoài ra, không chỉ đấu tranh trong nước mà còn kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ.
- Chúng ta yêu chuộng giải quyết các xung đột trên nguyên tắc hòa bình. Tuy nhiên, nếu có những xung đột về vũ trang thì bạn sẽ làm gì trong tình huống ấy?
- Không mong muốn, nhưng nếu trường hợp chiến tranh xảy ra tôi nghĩ mỗi người dân sẽ tham gia chiến đấu, góp sức theo cách của mình. Riêng tôi, nếu tổng động viên tôi sẽ lên đường. Nếu được phân công cầm súng tôi sẽ cầm súng. Nhưng là một sinh viên báo chí, tôi sẽ làm nhiệm vụ viết bài, đưa tin, chụp ảnh và tham gia chiến đấu bằng ngòi bút của mình. Tôi nghĩ người dân ở những ngành nghề khác trong xã hội cũng vậy.
- Để xây dựng đất nước vững mạnh và chống lại những mối nguy cơ từ bên ngoài, theo bạn, những bạn trẻ cùng cần phải làm gì?
- Tôi nghĩ việc đầu tiên của tôi là học tập, nâng cao kiến thức của mình. Tôi thấy cần hiểu, nắm chắc thông tin về những vấn đề của đất nước sẽ nhận định rõ hơn và thể hiện lòng yêu nước tốt hơn. Tôi nghĩ trau dồi bằng cách đọc nhiều thông tin hơn về biển đảo. Tìm hiểu tại sao Trung Quốc lại ngang ngược như vậy. Trước khi nghĩ đến những việc to tát, tôi sẽ làm những gì phù hợp khả năng của mình.
- Bạn nhắn gửi gì với những chiến sĩ đang làm việc ở Trường Sa?
- Tôi chỉ nhắn ngắn gọn là các anh hãy giữ vững niềm tin. Đất liền đều dõi theo và tin tưởng vào khả năng của các anh.
Lần đầu tiên cầm micro đứng trước lớp
Trương Thanh Tùng kể buổi học sáng 10/5 lớp bạn tổ chức liên hoan nhỏ, văn nghệ để kết thúc một môn học. Khác những lần trước, buổi văn nghệ đó chủ yếu các bạn hát những ca khúc về biển đảo.
Tùng kể: “Trước giờ tôi chỉ đọc thơ ở những nhóm nhỏ cùng bạn bè, còn đứng trước lớp thì chưa. Tôi chưa cầm micro đứng trước lớp phát biểu bao giờ. Nhưng không hiểu sao bữa đó tôi không thấy ngại, chắc không khí tràn đầy khí thế của các bạn làm mình bớt run. Đọc xong thấy các bạn hồ hởi, vỗ tay hoan nghênh nhiệt liệt tôi cũng vui”.