Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Việt Nam sắp thoát vùng trũng âm nhạc?

Từ một vùng trũng về thị trường biểu diễn, Việt Nam đang hứa hẹn sẽ trở thành điểm đến được các ngôi sao hàng đầu thế giới lựa chọn khi những điều kiện tổ chức được hoàn thiện.

Nhân chuyến thăm của ông Barak Obama vừa qua, bà Theresa Taylor, Chủ tịch Hiệp Hội Thu âm chuyên nghiệp Hoa Kỳ (National Association of Record Industry Professionals – NARIP) cũng đã có mặt tại Việt Nam và tiếp xúc với một số đơn vị tổ chức biểu diễn trong nước.

NARIP là tổ chức lớn nhất tại Mỹ trên lĩnh vực công nghiệp âm nhạc, kết nối các nhà tổ chức biểu diễn với giới truyền thông, giới sản xuất, nhạc sĩ, ca sĩ và nghệ sĩ. Ngoài ra NARIP còn tham gia vào lĩnh vực đào tạo tài năng và phát triển nghề nghiệp thông qua các chương trình và dự án âm nhạc do chính đơn vị này thực hiện. Với hệ thống hiện diện tại tất cả các trung tâm giải trí của Mỹ và Châu Âu, NARIP hiện được coi là tổ chức kết nối lớn không chỉ của Mỹ mà của cả giới sản xuất âm nhạc toàn cầu.

Việt Nam - Vùng trũng của thị trường biểu diễn quốc tế

So với thế giới và khu vực, Việt Nam cho đến nay vẫn hoàn toàn là vùng trũng của âm nhạc và biểu diễn quốc tế. Điều này được minh chứng bởi chưa một lần Việt Nam được đón các ngôi sao đương đại của thế giới đến biểu diễn. Các show trình diễn với các gương mặt quốc tế đình đám tại Việt Nam gần đây mới chỉ trên lĩnh vực nhạc EDM hoặc DJ. Các ngôi sao ca nhạc thực sự thì hoàn toàn chưa một lần hiện diện. Hoặc nếu có cũng là những nghệ sĩ đã qua thời kỳ đỉnh cao như Richard Clayderman, Kenny G hay nhóm Michael Learns To Rock.

Hiện có nhiều lý giải cho điều này. Những nguyên nhân lớn nhất vẫn được cho là các nhà tổ chức biểu diễn tại Việt Nam chưa đủ bản lĩnh để đầu tư mời các ngôi sao quốc tế do chi phí quá cao, kinh nghiệm tổ chức còn chưa đạt tới tầm vóc quốc tế, sức mua của công chúng vẫn chưa đủ để chịu được giá vé, hay uy tín cũng như niềm tin của các nhà tổ chức Việt Nam chưa đủ để mời được những ngôi sao này về. Ngoài ra, một yếu tố vốn vẫn được coi là sống còn cho sự thành công của những show biểu diễn quốc tế đó là tài trợ thì không phải nhà tổ chức nào cũng đủ kinh nghiệm và năng lực tiếp cận.

Chưa nói đến lịch lưu diễn của những ngôi sao quốc tế có đến được Châu Á và Việt Nam hay không. Một yếu tố nữa không kém phần nan giải là ở Việt Nam chưa hình thành đời sống âm nhạc thực sự, nơi các nghệ sỹ sống được bằng show và bằng nghề, nơi công chúng sẵn sàng đón nhận và bỏ tiền xem show và nơi thường xuyên có sự sôi động của âm nhạc trình diễn quốc tế ở mọi cấp độ từ bình dân đến siêu sao, điều mà các nước xung quanh như Singapore, Thiasio Lan, Malaysia hay Philippines đã quá quen thuộc.

Viet Nam thoat vung trung am nhac anh 1
Nghệ sĩ saxophone nổi tiếng Kenny G đã có buổi diễn ở Việt Nam năm 2015. Ảnh: BTC

Tuy nhiên có sự mâu thuẫn khi nhìn vào các con số liên quan đến ngành biểu diễn âm nhạc tại Việt Nam. Trong năm 2015, ước tính chi phí cho tất cả các hoạt động tổ chức âm nhạc biểu diễn tại Việt Nam là khoảng 1.200 tỷ đồng. Đây là con số tổng, bao gồm cho tất cả các hoạt động liên quan đến tổ chức biểu diễn của các nghệ sĩ trong và ngoài nước như chi phí cát xê, truyền thông, marketing, quảng cáo, phát sóng, sản xuất, bản quyền, hậu cần, và các chi phí khác liên quan. Hầu hết số tiền này được các doanh nghiệp chi ra để làm thương hiệu hoặc marketing thông qua âm nhạc. Đây là con số không hề nhỏ nếu như nhìn vào thực tiễn đời sống âm nhạc tại Việt Nam hiện nay.

Con số này nói lên hai điều: thứ nhất đó là nhu cầu truyền thông và tiếp thị thông qua âm nhạc của các doanh nghiệp tại Việt Nam hiện đang bùng nổ; thứ hai qua đó nó phản ánh nhu cầu rất lớn của công chúng về 1 đời sống âm nhạc trình diễn vốn đang vừa thừa vừa thiếu vừa mất cân đối ở Việt Namđể qua đó các doanh nghiệp hướng đến tiếp thị cảm xúc.

Sự thật này cho thấy năng lực tài chính dành cho thị trường âm nhạc biểu diễn tại Việt Nam là không nhỏ và đủ sức đáp ứng các show trình diễn của các ngôi sao đương đại quốc tế. Nhưng tại sao Việt Nam vẫn vắng bóng những nhân vật này?

Tìm kiếm những cơ hội mở cửa thị trường

Điều này đã được đưa ra trao đổi và phân tích trong các cuộc thảo luận giữa bà Theresa Taylor đại diện của NARIP và các chuyên gia trong lĩnh vực tổ chức biểu diễn tại Việt Nam. 

Các ngôi sao quốc tế thường có thói quen chọn thị trường quen thuộc để lưu diễn theo tour hoặc theo lịch đặt diễn. Ngoài ra, quản lý của các ngôi sao này cũng có xu hướng lựa chọn điểm diễn và đối tác quen thuộc để tránh rủi ro, bởi nếu xảy ra sự cố thì người mất việc đầu tiên chính là họ. Một điểm đến quen thuộc là điểm đến mà người quản lý yên tâm về năng lực đối tác tại địa phương, về tài chính chi trả, về uy tín tổ chức và về sự hâm mộ của khán giả. Thiếu các yếu tố trên, sẽ rất khó (nếu như là không thể) mời được các ngôi sao này.

Sau khi quan sát và phân tích dựa trên những gì đã thấy bước đầu, bà Theresa cho rằng Việt Nam là một trong những miền đất vàng cuối cùng chưa được khai phá của thế giới và không sớm thì muộn, các nhà tổ chức biểu diễn quốc tế cũng sẽ nhòm ngó thị trường biểu diễn tại đây.

Viet Nam thoat vung trung am nhac anh 2
Bà 

Theresa Taylor, Chủ tịch Hiệp Hội Thu âm chuyên nghiệp Hoa Kỳ (ngoài cùng bên phải) trong chuyến tìm hiểm thị trường Việt Nam. Ảnh: Lê Trung

Điều đáng khích lệ là ở chỗ bà cho rằng với năng lực hiện tại, xét về mặt tài chính, mô hình kết hợp tài trợ và bán vé, Việt Nam hoàn toàn có thể chào đón được những ngôi sao quốc tế đến lưu diễn. Điều mà các nhà tổ chức Việt Nam thiếu, đó là sự kết nối với môi trường bên ngoài và năng lực đàm phán để mời được những ngôi sao này về.

NARIP rất lạc quan về triển vọng mở ra một thị trường âm nhạc biểu diễn thật sự tại Việt Nam với sự hiện diện của các ngôi sao quốc tế lớn. Đại diện của tổ chức này và đối tác Việt Nam đã ký bản thỏa thuận hợp tác qua đó NARIP sẽ hỗ trợ kết nối và đàm phán với các ngôi sao quốc tế để từng bước giới thiệu vào thị trường Việt Nam theo những điều kiện “dễ thở” nhất dành cho đối tác tại đây.

Ngoài ra, NARIP cũng bắt đầu cùng đối tác Việt Nam khảo sát để tiến tới triển khai tại Việt Nam các khóa đào tạo chuyên nghành tổ chức biểu diễn, truyền thông và marketing trong showbiz, quản lý nghệ sĩ, và phát triển tài năng âm nhạc..v..v.. do các chuyên gia từ Los Angeles và Holywood trực tiếp huấn luyện.

Những bước tiếp theo của NARIP là bước vào thị trường Việt Nam để giúp kết nối ngành âm nhạc biểu diễn ra khu vực và thế giới, hướng đến xây dựng các khu tập trung về giải trí và âm nhạc tại Việt Nam như những gì mà hiệp hội này đã và đang giúp các thành phố Châu Âu như Berlin và Copenhagen hiện nay.

Với những hoạt động này, công chúng có thể hy vọng vào tương lai gần Việt Nam sẽ thoát ra khỏi vùng trũng âm nhạc biểu diễn quốc tế. 


Phan Khôi

Bạn có thể quan tâm