“Best Managed Companies - Doanh nghiệp được quản trị tốt nhất Việt Nam” do Deloitte Private (thuộc Deloitte Việt Nam) tổ chức với mục đích ghi nhận các doanh nghiệp tư nhân hàng đầu cả nước, thông qua việc đánh giá những thành công, thành tựu trên phương diện vận hành tổ chức, đóng góp cho ngành nghề hoạt động và nền kinh tế. Đây là danh hiệu uy tín với bề dày gần 30 năm và được triển khai tại 48 quốc gia trên thế giới.
Buổi lễ trao giải được tổ chức vào chiều 26/8, sau thời gian đánh giá khắt khe các ứng viên dựa trên 4 khía cạnh: Chiến lược kinh doanh; năng lực cạnh tranh và sự đổi mới; văn hóa doanh nghiệp; quản trị công ty và tài chính.
Đơn vị y tế đầu tiên của Việt Nam nhận giải
Khái niệm quản trị thường gắn liền những doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên với khối ngành y tế, việc sở hữu chiến lược và hệ thống quản trị minh bạch cũng góp phần rất quan trọng để thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển bền vững.
Trở thành đơn vị y tế đầu tiên nhận danh hiệu “Doanh nghiệp được quản trị tốt nhất Việt Nam” có thể xem là thành tựu đặc biệt của Hệ thống Y tế Vinmec (thuộc Tập đoàn Vingroup).
Bà Lê Thúy Anh - Tổng giám đốc Vinmec - đại diện nhận danh hiệu “Doanh nghiệp được quản trị tốt nhất Việt Nam”. |
Ngoài đáp ứng đủ điều kiện tham gia chương trình, để được vinh danh, Vinmec còn phải trải qua một quy trình đánh giá độc lập, nghiêm ngặt các kỹ năng và thực tiễn quản lý với những tiêu chí theo chuẩn quốc tế, dựa trên khung đánh giá áp dụng cho 1.200 doanh nghiệp được quản trị tốt nhất trên thế giới.
Ông Phạm Đình Huỳnh - Giám đốc phụ trách Deloitte Private - cho biết: “Tôi đặc biệt ấn tượng khi làm việc với Vinmec trong mùa giải này. Họ cho thấy sự nghiêm túc, đầu tư từ khâu chuẩn bị đến việc gắn kết giữa các phòng ban và lãnh đạo khi tham gia chương trình. Với những ngành mang tính chất xã hội cao như y tế, bên cạnh chuyên môn, quản trị là yếu tố cần chú trọng. Do đó, tôi đánh giá rất cao việc Vinmec đã ‘đi bằng 2 chân’”.
Vinmec đã trải qua quá trình đánh giá khắt khe để nhận giải thưởng năm nay. |
Trong những năm qua, Vinmec đã đầu tư bài bản cho nghiên cứu, đẩy mạnh ứng dụng và điều trị, qua đó tạo ra nhiều thành quả y học đột phá. Ngoài ra, hệ thống còn đặc biệt chú trọng công tác đào tạo, không ngừng nâng cao chất lượng khám và điều trị, nghiên cứu khoa học.
Với các lĩnh vực thế mạnh như ung bướu, tim mạch, ghép tạng, Vinmec đang tăng cường hợp tác các đối tác hàng đầu thế giới của Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia... nhằm nâng cao trình độ của đội ngũ nhân sự, đón đầu các ứng dụng khoa học công nghệ. Những thành quả vượt bậc cùng định hướng đầu tư bài bản, xuyên suốt đó đã đưa Hệ thống Y tế Vinmec trở thành địa chỉ chăm sóc sức khỏe hàng đầu Việt Nam và khu vực.
Hành trình trưởng thành của Vinmec
Tại lễ trao giải, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan - thành viên ban giám khảo - nhìn nhận ngành y tế đã có đóng góp rất lớn trong những năm qua, nhưng sau đại dịch Covid-19 lại gặp nhiều vấn đề, một phần bởi sự yếu kém trong quản trị. Bà lấy ví dụ những cá nhân vốn giỏi chuyên môn, nhưng khi đảm nhận vai trò quản trị lại không làm tốt, dẫn đến vừa lãng phí tay nghề, vừa khó tránh sai lầm.
“Lâu nay khi nói đến quản trị, chúng ta dường như không đề cập nhiều tới lĩnh vực y tế. Vì vậy, tôi rất mừng với sự hiện diện của Vinmec. Vinmec đang phát triển theo hướng giống các bệnh viện hiện đại trên thế giới. Trường hợp của họ có thể xem như bài học cho các hệ thống y tế khác tại Việt Nam, tức là cần quan tâm nhiều hơn đến vấn đề quản trị”, bà Chi Lan nhận định.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đánh giá cao thành tựu của Vinmec. |
Chia sẻ sau khi nhận giải, bà Lê Thúy Anh - Tổng giám đốc Vinmec - cho rằng hệ thống vừa trải qua một “hành trình trưởng thành”. Từ những ngày đầu, Vinmec đã xây dựng chiến lược với triết lý khá tương đồng 4 trụ cột về doanh nghiệp được quản trị tốt mà các nhà tổ chức giải thưởng đưa ra. Trải qua đại dịch, bà và các cộng sự nhận ra nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân đã thay đổi, buộc Vinmec phải chú trọng nhiều hơn nữa vào quản lý, song song tiếp tục điều trị tốt.
Từ đây, đơn vị này đã đưa vào chiến lược quản trị của mình những triết lý mới: Sử dụng dữ liệu và công nghệ để xây dựng mô hình chẩn đoán; đẩy mạnh y tế dự phòng; triển khai điều trị chính xác; cá nhân hóa hoạt động điều trị; để người bệnh tham gia ra quyết định trong quá trình điều trị… Tất cả nhằm quản lý sức khỏe cho người bệnh, thay vì điều trị đơn thuần.
Bà Lê Thúy Anh cho rằng Vinmec vừa trải qua một “hành trình trưởng thành”. |
“Khi tổng kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2022, chúng tôi có thể vui mừng chia sẻ mức tăng trưởng vượt 25% so với kế hoạch và vượt 70% so với chu kỳ trước dịch Covid-19. Có thể nói, việc quản lý công vụ tốt kết hợp tận dụng nguồn lực con người và công nghệ đã giúp Vinmec hoạt động hiệu quả hơn”, bà Thúy Anh khẳng định.
Với sứ mệnh chăm sóc bằng tài năng, y đức và sự thấu cảm, Vinmec định hướng phát triển hệ thống y tế hàn lâm vươn tầm quốc tế thông qua những nghiên cứu đột phá, mang lại chất lượng điều trị cùng dịch vụ chăm sóc tối ưu. Danh hiệu “Doanh nghiệp được quản trị tốt nhất Việt Nam 2022” cho thấy Vinmec đang phát triển bền vững, song song 2 mục tiêu tiến vào y tế hàn lâm và quản trị theo tiêu chuẩn quốc tế.