Đánh giá này được Hiệu trưởng Cornell - Đại học Ivy League top đầu thế giới - đưa ra trong chuyến thăm chính thức Trường Đại học VinUni.
Biến ý tưởng từ trường đại học thành dự án thực tế cho xã hội
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 đã làm lung lay vị thế của New York (Mỹ). Thành phố này vốn được biết đến là trung tâm tài chính, nổi bật với thị trường chứng khoán phố Wall. Thị trưởng New York lúc bấy giờ - tỷ phú Michael Bloomberg - cho rằng công nghệ chính là chìa khóa để phục hưng kinh tế và tăng năng lực cạnh tranh cho thành phố. Ông tin cần có một mô hình đột phá về hợp tác giữa đại học và doanh nghiệp, nhà nước và doanh nghiệp, giáo dục đại học và phổ thông để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo công ăn việc làm và tạo ra thế hệ lãnh đạo mới tại New York.
Một cuộc thi với giải thưởng là đất xây dựng và 100 triệu USD được ông khởi xướng để tìm kiếm mô hình đưa New York thành thủ phủ đổi mới sáng tạo toàn cầu. Đề xuất của Đại học Cornell cùng Viện Công nghệ Technion (Israel) đã chiến thắng. Thành quả là sự ra đời của Cornell Tech vào năm 2012.
Phát biểu về tầm nhìn của dự án, tỷ phú Michael Bloomberg - cựu thị trưởng thành phố New York - chia sẻ: “Cornell Tech là khoản đầu tư của thành phố New York vào tương lai, một tương lai thuộc về các thế hệ tiếp nối và các sinh viên nơi này sẽ giúp xây dựng tương lai đó”.
“Đây sẽ là nơi khai sinh ra những ý tưởng lớn, những công ty mới và tài năng phi thường giúp thay đổi New York và thế giới”, David J. Skorton, cựu Chủ tịch Đại học Cornell, kỳ vọng.
Cornel Tech là “công thức” làm nên cú chuyển mình ngoạn mục của New York. |
Thực tế chứng minh Skorton không quá lời. Chỉ sau chưa đầy 10 năm, Cornell Tech đã trở thành “công xưởng sản xuất” startup công nghệ mới của nước Mỹ. Từ đây, 1.500 cử nhân tài năng đã tốt nghiệp, hơn 90 startup công nghệ ra đời với số vốn kêu gọi lên đến hàng trăm triệu USD. Mục tiêu tiếp theo của Cornell Tech là tạo ra 28.000 lao động và 600 công ty với 23 tỷ USD doanh thu và 1,6 tỷ tiền thuế trong vòng 30 năm kể từ khi xây dựng.
Môi trường khởi nghiệp năng động mà Cornell Tech tạo ra cũng thu hút lượng lớn nhân tài đa ngành nghề đổ dồn về New York. Đặc biệt, Cornell Tech còn kích hoạt một làn sóng doanh nghiệp chuyển hoạt động từ Thung lũng Silicon ở California đến tìm kiếm tương lai tại New York - thành phố bờ Đông nước Mỹ. Tiêu biểu là “gã khổng lồ” Google với kế hoạch chi 2,1 tỷ USD xây tòa văn phòng ở Manhattan cho 12.000 nhân viên.
Chia sẻ câu chuyện trong chuyến thăm VinUni vừa qua, GS Michael I. Kotlikoff - Hiệu trưởng Cornell - đồng thời tiết lộ “công thức” làm nên cú chuyển mình ngoạn mục của New York từ trung tâm tài chính thành “Thung lũng Silicon mới” ở bờ Đông.
Theo GS Kotlikoff, điều đầu tiên, một đại học không thể chỉ đóng cửa ngồi trong tháp ngà và hoạt động dựa vào đội ngũ tài năng của chính mình mà cần hợp tác với chính phủ, doanh nghiệp, các đại học và các trường phổ thông.
Điều thứ hai là công thức đào tạo. Tại Cornell Tech, công thức đó mang tên Studio. Studio tập hợp các sinh viên từ nhiều ngành kinh doanh, công nghệ, luật, xã hội… đến từ Cornell hoặc các đại học khác. Tại đây, họ được truyền đạt tư tưởng “Công nghệ phụng sự - Tech for Good”. Vì vậy, sinh viên phải xác định lĩnh vực mà họ có thể dùng công nghệ để phụng sự, ví dụ Health Tech, Urban Tech, FinTech, Media Tech.
Các sinh viên có 6 tháng ở Studio để cùng nhau thiết kế và thuyết phục doanh nghiệp đầu tư cho sản phẩm. Quá trình thiết kế này trang bị mọi kỹ năng cần thiết để “chiến đấu” từ kỹ thuật chuyên môn đến tư duy, làm việc nhóm, marketing, lập ngân sách, quản lý dự án…
Điều cuối cùng là sự ủng hộ của doanh nghiệp, bằng việc mở các văn phòng trong khuôn viên đại học, gọi là Studio đầu tư. Doanh nghiệp cử các chuyên gia của mình phản biện, cố vấn cho sinh viên trong suốt quá trình thiết kế, ươm tạo sản phẩm.
GS Kotlikoff cũng nêu dẫn chứng cho thấy cách thức Cornell hợp tác với chính phủ và ngành công nghiệp để các ý tưởng, nghiên cứu thực sự đem đến lợi ích cho xã hội. Đó là sáng kiến làm mát cơ sở đào tạo vào mùa hè và sưởi ấm vào mùa đông nhờ tái sử dụng nguồn năng lượng sẵn có hay giải pháp giúp New York tránh được thảm họa giao thông sau sự cố đường ray tàu hỏa do bão Sandy gây ra.
“Những điều này thể hiện cách một trường đại học, với sự hợp tác đa chiều cống hiến và mang lại thay đổi tích cực cho cuộc sống, trở thành ‘phòng thí nghiệm sống’ nghiên cứu giải pháp giải quyết các thách thức lớn”, vị hiệu trưởng nhấn mạnh.
Đào tạo nhân tài góp phần giải quyết các bài toán của Việt Nam
Mô hình đại học đổi mới sáng tạo được xem là mô hình tiến bộ, cập nhật nhất của giáo dục đại học. “Việt Nam đang phát triển rất nhanh, trong đó công nghệ là trụ cột quan trọng. Lựa chọn của VinUni theo mô hình đại học đổi mới sáng tạo đúng đắn khi có thể tạo động lực cho sự phát triển đó”, GS Kotlikoff đánh giá.
GS Kotlikoff nhận định lựa chọn của VinUni theo mô hình đại học đổi mới sáng tạo là đúng đắn. |
Đồng quan điểm, GS Rohit Verma - Hiệu trưởng VinUni - cho rằng phát triển nhân tài với khả năng tạo ra sự thay đổi cho tương lai chính là nền tảng giúp Cornell duy trì vị thế dẫn đầu suốt hàng trăm năm qua. Đây cũng là lý do để VinUni ra đời.
Theo GS Verma, thế giới đang biến đổi không ngừng. Tại Việt Nam, hàng loạt thách thức cũng được đặt ra như biến đổi khí hậu, mất an ninh lương thực, ô nhiễm không khí, già hóa dân số, bệnh tật không lây nhiễm… Thách thức chính là cơ hội cho các trường theo mô hình đại học sáng tạo như VinUni.
“Không chỉ nhận diện vấn đề của quốc gia, VinUni còn tập trung tìm lời giải bằng việc thúc đẩy khoa học kỹ thuật ứng dụng cho cuộc sống. Điều này tạo ra chất xúc tác cho những thay đổi lớn hơn”, GS.Verma lý giải.
Thực tế, ngay từ khi ra đời, VinUni đã hội tụ nhân tài trên khắp thế giới và chắt lọc tinh hoa từ những “người khổng lồ” quốc tế để đẩy nhanh việc giải quyết bài toán của Việt Nam. Chỉ sau 3 năm hoạt động, trường đã tạo lập được mạng lưới kết nối những sinh viên tài năng, giảng viên ưu tú từ 20 quốc gia cùng loạt doanh nghiệp hàng đầu, các đại học, tổ chức giáo dục danh tiếng toàn cầu.
GS Verma chia sẻ VinUni là minh chứng cho chương trình “chuẩn Ivy”. |
Các chương trình của VinUni đều được thiết kế dựa trên vấn đề xã hội, với mục tiêu đào tạo ra những con người có thể giải quyết thách thức đó. Nghiên cứu khoa học cũng tương tự, luôn bắt đầu từ “đặt hàng” của thực tiễn. Mô hình Studio đột phá của Cornell đã hiện hữu tại VinUni với sự ra đời của Trung tâm Khởi nghiệp E-Lab.
Đặc biệt, quan hệ đối tác chiến lược của VinUni với 2 đại học Ivy League (Cornell và Pennsylvania) cùng sự hợp tác với 26 đại học quốc tế hàng đầu được xem là bệ phóng để sinh viên sớm thành công ở phạm vi thế giới. Trong học kỳ mùa xuân năm học 2022-2023, VinUni gửi 50 sinh viên đến các trường top đầu thế giới tại Bắc Mỹ, châu Âu, Singapore, Australia, Hàn Quốc và Isarel để theo học một học kỳ, trong đó có 4 sinh viên theo học tại Cornell.
Theo GS Verma, việc Cornell tiếp nhận sinh viên VinUni là điều chưa từng có tiền lệ với các trường đại học tại Việt Nam. Đây là minh chứng cho chương trình “chuẩn Ivy” của VinUni.
“Chắt lọc tinh hoa toàn cầu và bắt tay với những đối tác quốc tế hàng đầu là cách tiếp cận giúp VinUni tăng tốc để sớm trở thành trường đại học đổi mới sáng tạo đẳng cấp thế giới”, GS Verma chia sẻ.