ViruSs bị chỉ trích vì luôn im lặng khi cãi nhau hoặc giận dỗi với bạn gái Ngọc Kem. |
"Mỗi khi bọn em cãi nhau, kể cả anh đúng hay anh sai, dù thế nào đi chăng nữa, anh cũng sẽ rất im lặng, không nói gì hết", hot girl Ngọc Kem nói về cách cư xử của bạn trai, streamer ViruSs, mỗi khi hai người giận dỗi.
Cô nàng chia sẻ trong một clip đăng trên YouTube rằng có lần cãi nhau, ViruSs đã im lặng suốt 5 ngày.
Khi bị streamer MisThy chỉ trích vì dùng "silent treatment" (tạm dịch: bạo lực lạnh) với người yêu, ViruSs nói: "Em không hiểu đàn ông. Silent treatment là im lặng luôn, còn anh cần suy nghĩ xem nên làm gì, nên nói gì".
Đoạn clip nhanh chóng viral trên mạng xã hội. Nhiều người chỉ trích ViruSs và đề cập đến hậu quả của silent treatment trong một mối quan hệ yêu đương. "Người ta thường nói im lặng là vàng, nhưng im lặng, lạnh nhạt trong tình yêu thì thực sự kinh khủng", một người bình luận.
Bạo lực lạnh và im lặng để bình tĩnh rất khác nhau
John Gottman, nhà nghiên cứu tâm lý nổi tiếng thế giới, giải thích rằng silent treatment, hay còn gọi là "stonewalling", là khi "người nghe rút lui khỏi cuộc trò chuyện, từ chối tham gia hoặc tương tác, về cơ bản là không phản hồi".
Điều này có thể được sử dụng để tránh xung đột, nhưng cũng có thể có động cơ đen tối hơn - như kiểm soát và trừng phạt.
Elisabeth Shaw, giám đốc điều hành của Relationships Australia NSW, cho biết silent treatment là "hành vi lạm dụng về mặt tâm lý và tình cảm". Bà cho biết ngay cả khi không có ý định làm tổn thương, việc im lặng có thể gây ra hậu quả "đau đớn, khó chịu" cho người hứng chịu và trở thành mối lo ngại thực sự khi hành vi này lặp đi lặp lại.
Không chỉ trong mối quan hệ lãng mạn, silent treatment có thể diễn ra ở nơi làm việc hay giữa những người bạn.
Silent treatment có thể là một dạng lạm dụng tâm lý, thao túng tình cảm. |
Để phân biệt mục đích của silent treatment, bà Shaw giải thích trong những mối quan hệ tình cảm nhìn chung có vẻ an toàn, việc im lặng là một ví dụ về khả năng điều chỉnh cảm xúc và quản lý xung đột kém.
"Còn khi điều này xảy ra trong các tình huống bạo lực gia đình, nó thường là một phần của chiến lược kiểm soát và xảy ra cùng với các hành vi gây tổn hại về mặt tâm lý, thể chất khác. Trong trường hợp này, bạn cần sự can thiệp của chuyên gia để thay đổi".
Tuy nhiên, dù động cơ của hành động im lặng là gì đi nữa, nhà tâm lý học và chuyên gia trị liệu về mối quan hệ Sian Khuman cho biết đó là "một trong những cách thể hiện cảm xúc cực đoan nhất".
Bà Shaw nhận định hiện tượng này thường xảy ra khi ai đó "bị kích động và tràn ngập cảm xúc". Bà nói thêm rằng người hứng chịu gần như luôn coi đó là một hình phạt "tra tấn".
Silent treatment và im lặng để bình tĩnh suy nghĩ khác nhau ở chỗ bạn có cho người đối diện một lời giải thích và mốc thời gian cụ thể hay không. Ví dụ, nếu bạn nói với đối phương rằng mình cần một ngày để bình tâm và suy nghĩ, thì đó không bị coi là cố tình dùng bạo lực lạnh.
Thứ giết chết mối quan hệ
Bà Khuman giải thích rằng điều độc hại khi cố tình silent treatment là người im lặng lại có nhiều quyền lực hơn người hứng chịu sự im lặng. "Họ là người quyết định khi nào mối quan hệ sẽ quay trở lại. Đó là lý do điều này có hại cho mối quan hệ, đó là sự mất cân bằng quyền lực".
Bà Shaw cho biết điều này sẽ trở thành vấn đề thực sự khi nó lặp lại như thói quen và không thể giải thích được. "Và người im lặng thường không chịu trách nhiệm về việc đó và không thừa nhận đây là một vấn đề thực sự".
Theo các chuyên gia, người bị bạo lực có thể chịu tổn thương về mặt tình cảm, giảm sự tự tin, cảm thấy sự tồn tại của mình là vô nghĩa, mất kiểm soát, bị chối bỏ...
Bạo lực lạnh ảnh hưởng cả người thực hiện lẫn người chịu đựng, có thể giết chết các mối quan hệ. |
Nghiên cứu của Đại học Sydney phát hiện ra rằng trong "những trường hợp cực đoan liên tục bị bạo lực lạnh", người hứng chịu có thể báo cáo tình trạng trầm cảm, rối loạn ăn uống và thậm chí là cố gắng tự làm hại mình.
Các nghiên cứu đã nhiều lần chỉ ra rằng việc im lặng không hề có lợi cho mối quan hệ tình cảm. Cụ thể, một nghiên cứu năm 2014 phát hiện ra rằng các cặp đôi thường bạo lực lạnh nhau sẽ có giao tiếp kém hơn, ít thân mật hơn và mức độ hài lòng trong mối quan hệ thấp hơn.
Les Parrott, giáo sư tâm lý học tại Đại học Seattle Pacific, cho biết việc im lặng không mang lại điều gì tốt đẹp vì nó "mang tính thao túng, thiếu tôn trọng và không hiệu quả". "Xung đột là điều không thể tránh khỏi, nhưng cách bạn quản lý, xử lý nó có thể tạo nên sự khác biệt", ông Parrott nói.
Làm thế nào để phá vỡ sự im lặng
Bà Shaw cho biết những người chịu sự im lặng thường cố gắng chiếm được cảm tình của người khác và cảm thấy tổn thương hơn nữa khi không thành công.
"Nếu bạn biết đối tác của mình đang chìm đắm trong những cảm xúc tiêu cực, hãy một lần đưa ra một lời khuyên chân thành. Nhưng nên nhớ rằng nếu họ không chịu thay đổi, bạn không có trách nhiệm ở đó để mãi thuyết phục họ", chuyên gia nói.
Bà gợi ý rằng mọi người nên thể hiện sự cởi mở bằng cách nói điều gì đó bình tĩnh như: "Tôi cảm thấy bị ảnh hưởng bởi cách bạn xử lý những gì đã xảy ra và tôi muốn bạn không tiếp tục im lặng, mà hãy quay lại nói chuyện với tôi về vấn đề này".
Người chịu đựng bạo lực lạnh có thể bị tổn thương, giảm sự tự tin, cảm thấy sự tồn tại của mình là vô nghĩa, mất kiểm soát... |
"Đó là một phần của việc thiết lập ranh giới". Nhưng nếu người đó vẫn tiếp tục xa lánh, bà Shaw khuyên bạn nên tự chăm sóc bản thân. "Có lẽ tốt hơn là bạn nên tự nhủ rằng: 'Tôi đã làm những gì có thể và bây giờ tôi cần chú ý đến bản thân mình để không bị tra tấn vì chuyện này nữa".
Nhà tâm lý học Karen Gonsalkorale từ Đại học Sydney cho biết bạn có thể cần tìm đến những người thân yêu khác hoặc một chuyên gia để được hỗ trợ, vì bạn đời/người yêu không thể làm được điều đó trong khi vẫn tiếp tục giữ im lặng với bạn.
"Đôi khi những người im lặng lại là những người thành thạo việc này đến mức bất kể bạn làm gì, họ vẫn là người ra quyết định".
Nếu thái độ im lặng là một thói quen trong mối quan hệ mà cả hai cảm thấy khó có thể phá vỡ, các chuyên gia khuyên nên tìm đến tư vấn cá nhân hoặc tư vấn dành cho cặp đôi.
Chia sẻ với Tri thức trực tuyến, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.