Zing trích dịch bài đăng trên Reuters về việc các đôi yêu nhau chịu cảnh chia cắt vì dịch Covid-19 có cơ hội đoàn tụ nhờ vào visa tình yêu.
Lần cuối Florian Mehler gặp bạn gái Alves là vào cuối tháng 1, khi anh tiễn cô rời Đức, trở về quê nhà Brazil.
Theo dự định của đôi tình nhân, cả hai sẽ chỉ phải yêu xa 2 tháng và đến cuối tháng 3, họ sẽ đoàn tụ.
Tuy nhiên, viễn cảnh quấn quýt bên nhau đổ bể bởi sự “chen ngang” của Covid-19. Kết quả, 7 tháng qua họ chỉ nhìn nhau qua màn hình máy tính, nghe tiếng nhau qua loa điện thoại.
Từ khi có dịch Covid-19, hàng loạt đôi yêu nhau chịu cảnh xa cách vì lệnh cấm đi lại, di chuyển giữa các quốc gia. |
“Chúng tôi nói chuyện mỗi ngày. Nhưng tình yêu không thể cứ diễn ra ở mỗi trên mạng. Chúng tôi không thể ôm nhau, hôn nhau hay thức dậy cùng lúc, cùng uống cà phê hay nắm tay đi vào thị trấn”, người đàn ông 41 tuổi sống gần Frankfurt (Đức) cho biết.
Tất cả những gì cặp tình nhân có thể làm là Alves hôn gió với Mehler qua màn hình. Ở đầu bên này, người đàn ông cố gắng giãi bày nỗi nhớ dành cho bạn gái.
“Điều tồi tệ nhất là chúng tôi không biết khi nào mới gặp lại nhau vì các nước vẫn đang đóng cửa”, Mehler nói.
Dù Alves có đủ các giấy tờ cần thiết để chuyển đến Đức sinh sống, tìm việc làm, cả hai vẫn chưa kết hôn và không thuộc diện được Liên minh Châu Âu EU tạo điều kiện đoàn tụ.
Visa tình yêu của các nước châu Âu tạo điều kiện cho các đôi đến từ hai đất nước khác nhau được dịp đoàn tụ. |
Tuần trước, Brazil đã mở lại đường bay quốc tế, dù bản thân quốc gia này vẫn đang là một trong những nước chịu ảnh hưởng nhất bởi dịch bệnh. Còn tại Đức, chính phủ vẫn đưa ra cảnh báo công dân tránh đến các khu vực nguy hiểm vì dịch, trong đó có Brazil.
Xa cách quá lâu, nhiều đôi yêu nhau bị chia cắt vì dịch Covid-19 đang kêu gọi trên mạng xã hội bằng các hashtag #LoveIsEssential và #LoveIsNotTourism để chính phủ cho phép họ đoàn tụ.
Một số quốc gia tại châu Âu bao gồm Áo, Na Uy và Đan Mạch, quyết định giúp đỡ các cặp yêu nhau bằng cách cung cấp thị thực tình yêu, dành riêng cho các đôi.
Đan Mạch cung cấp thị thực người yêu cho những đôi có thể chứng minh họ đã ở bên nhau ít nhất 6 tháng. Những ai cố tình nói dối, làm giả bằng chứng sẽ đối mặt với tội khai man.
Còn tại Hà Lan, kể từ ngày 27/7, những ai có thể chứng minh họ có quan hệ tình cảm với công dân Hà Lan sẽ được phép đặt chân vào nước này và lưu lại tối đa 90 ngày. Ngoài ra, nếu đến từ những vùng có dịch nguy hiểm như Mỹ, họ sẽ phải cách ly 14 ngày.
Nóng lòng gặp nhau, Mehler đã tham gia một cuộc biểu tình ở Frankfurt vào hồi đầu tháng 8, yêu cầu chính quyền ở Đức cấp loại thị thực tương tự.
Florian Mehler và bạn gái đang mong đợi từng ngày đến khi họ quay về bên nhau, quấn quýt như trước. |
“Thật không công bằng khi người Đức được phép đi du lịch nước ngoài và trở về. Họ vẫn có nguy cơ lây nhiễm virus, trong khi người nước ngoài như tôi bị cấm nhập cảnh vào Đức với các lý do thiếu thuyết phục hơn”, Alves phàn nàn.
"Tôi hoàn toàn khỏe mạnh, gia đình tôi cũng thế. Tôi sẵn sàng làm xét nghiệm và trải qua thời gian cách ly để được gặp người yêu", người phụ nữ trả lời từ Recife (Brazil).
Trước làn sóng kêu gọi mạnh mẽ, chính phủ Đức cuối cùng cũng tạo điều kiện cho các đôi yêu nhau có cơ hội gặp mặt sau nhiều tháng xa cách.
Kể từ đầu tuần này, người nước ngoài phải trình ra giấy mời do đối phương là người Đức gửi và ký bản cam kết mối quan hệ yêu đương của họ là trung thực. Ngoài ra, họ phải cung cấp vé máy bay, dấu thị thực trên passport trước đó để chứng minh họ từng đến Đức gặp người yêu hoặc từng đi du lịch cùng nhau.