Sáng 6/6, đại diện VKSND Cấp cao tại Hà Nội công bố nội dung luận tội đối với Đinh Mạnh Thắng và 3 đồng phạm có kháng cáo tội Tham ô tài sản, xảy ra tại Công ty cổ phần bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam - PVP Land.
Phi vụ "ăn" tiền chênh lệch, tham ô 49 tỷ
Theo đại diện VKS, căn cứ lời khai của các bị cáo trong quá trình điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm, VKS thấy có đủ cơ sở xác định hành vi phạm tội của Đinh Mạnh Thắng và các đồng phạm.
Cụ thể, Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm đã thực hiện việc chuyển nhượng cổ phần của PVP Land thấp hơn giá trị thực tế. Từ đó, nhóm bị cáo chiếm đoạt phần tiền chênh lệch.
Theo đại diện VKS, đầu 2010, bị cáo Lê Hòa Bình (Chủ tịch Công ty 1/5) đã cùng Nguyễn Thị Kim Thoa (Kế toán trưởng), thông qua sự môi giới của Huỳnh Nguyễn Quốc Duy, mua toàn bộ diện tích dự án Nam Đàn Plaza thông qua việc mua 24 triệu cổ phần của Công ty Xuyên Thái Bình Dương.
Hợp đồng được ký kết ngay sau đó với tổng giá trị tương đương 52 triệu đồng/ m2. Sau khi ký thỏa thuận đặt cọc, Lê Hòa Bình đã ký chuyển nhượng cổ phần riêng đối với từng cổ đông với mức giá trên. Riêng hợp đồng ký với PVP Land, Bình chỉ chuyển nhượng với giá 34 triệu đồng/m2.
Các bị cáo vụ PVP Land tại tòa. Ảnh: Hoàng Lam. |
Tổng giá trị hợp đồng trên 119 tỷ đồng. VKS nhận định so với giá thể hiện trên thỏa thuận đặt cọc, việc chuyển nhượng giá thấp đã tạo chênh lệch hơn 87 tỷ đồng. Cơ quan công tố xác định khoản tiền 119 tỷ đồng là phần vốn góp của PVC - doanh nghiệp Nhà nước thuộc Tập đoàn Dầu khí.
Quá trình làm rõ, cơ quan điều tra xác định các bị cáo đã chiếm đoạt số tiền chênh lệch này. Từ đó, nhóm bị cáo tham ô, chia nhau 49 tỷ đồng. Trong đó, Trịnh Xuân Thanh chiếm đoạt 14 tỷ, Đinh Mạnh Thắng 5 tỷ, các bị cáo khác tham ô tổng số tiền khoảng 30 tỷ đồng.
“Các bị cáo thông qua việc ký hợp đồng dưới mức giá chuyển nhượng thực tế để chiếm đoạt tiền chênh lệch là hành vi Tham ô tài sản”, đại diện VKS kết luận và khẳng định, tòa sơ thẩm quy buộc các bị cáo phạm tội này là có căn cứ, đúng pháp luật.
Đinh Mạnh Thắng rất thành khẩn khai báo
Đại diện VKS cho rằng, bị cáo Thoa thừa nhận đã làm theo chỉ đạo của Lê Hòa Bình, rút tiền từ ngân hàng để chuyển cho các cổ đông đưa tiền cho Thái Kiều Hương. Từ đó, Hương đưa 14 tỷ cho Trịnh Xuân Thanh và Đinh Mạnh Thắng 5 tỷ.
VKS kết luận nữ kế toán trưởng dù biết rõ nguồn tiền và biết việc chuyển tiền không đúng quy định, nhưng cô ta vẫn thực hiện. Do đó, tòa sơ thẩm tuyên Thoa có vai trò đồng phạm tội tham ô với các bị cáo là có căn cứ.
Bị cáo Đinh Mạnh Thắng tại phiên tòa sáng 6/6. Ảnh: TTXVN. |
Đối với Thái Kiều Hương, bị cáo thừa nhận đã nhờ Đinh Mạnh Thắng tác động để Trịnh Xuân Thanh và Đào Duy Phong đồng ý chuyển nhượng cổ phần của PVP Land tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương. Hương cũng khai đã chuyển cho Thắng 19 tỷ. Tuy bị cáo nói không biết nguồn gốc số tiền này và không biết việc các bị cáo ký hợp đồng chuyển nhượng mức giá thấp, nhưng VKS có căn cứ xác định Hương là người đưa Duy đến gặp Đào Duy Phong đàm phán mua cổ phần dự án Nam Đàn.
Hương cũng là người thông qua ý kiến chỉ đạo của Trịnh Xuân Thanh, ký hợp đồng mức giá thấp. Sau đó, Hương và Duy đã chuyển cho Phong 10 tỷ đồng nằm trong số tiền chênh lệch.
Tiếp đó, đại diện VKS xác định bị cáo Duy đã giao dịch, tác động đến các bị cáo khác mua được dự án Nam Đàn Plaza. Duy biết rõ việc các đồng phạm ký hợp đồng chuyển nhượng giá thấp để chia nhau tiền chênh lệch. Trong phi vụ này, bản thân Duy cũng được hưởng 11 tỷ đồng.
Với Đinh Mạnh Thắng, đại diện cơ quan công tố cho rằng sau khi Hương nhờ, Thắng đã trực tiếp tác động Trịnh Xuân Thanh và Đào Duy Phong để thông qua việc chuyển nhượng dự án Nam Đàn. Sau đó, Thắng được Hương chuyển 5 tỷ đồng. Em trai Đinh La Thăng cũng được Thái Kiều Hương nhờ đưa 14 tỷ đồng cho Trịnh Xuân Thanh. Việc bị cáo khai không biết số tiền này nằm trong khoản chênh lệch từ việc ký hợp đồng, VKS nhận thấy có đủ căn cứ kết luận Đinh Mạnh Thắng nắm rõ nguồn gốc tiền.
Đại diện VKSND đọc bản luận tội. Ảnh: Hoàng Lam. |
Từ các cơ sở nêu trên, VKS kết luận trong vụ án, các bị cáo Thắng, Hương và Duy giữ vai trò giúp sức, trong đó Hương và Duy tham gia phi vụ chuyển nhượng phạm pháp ngay từ đầu. Tuy nhiên, Duy được hưởng 11 tỷ còn nữ đồng phạm chưa xác định có được hưởng lợi trực tiếp hay không? Do đó, VKS nhận định vai trò của Hương có phần nhẹ hơn Duy.
Với Đinh Mạnh Thắng, VKS nhận thấy bị cáo đã rất thành khẩn khai báo. Đặc biệt, tại tòa phúc thẩm, bị cáo tỏ ra thật sự ăn năn, hối cải về hành vi phạm tội. Hơn nữa, sau khi Hương tác động, Thắng đã khắc phục toàn bộ số tiền chiếm đoạt.
“Gia đình bị cáo có công với cách mạng, quá trình bị cáo bị bắt giam, bố bị cáo qua đời. VKS thấy cần áp dụng chính sách nhân đạo cho bị cáo Đinh Mạnh Thắng”, đại diện VKS trình bày.
Cuối phần luận tội, VKS đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo kêu oan của Nguyễn Thị Kim Thoa; không chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của Thái Kiều Hương, Huỳnh Nguyễn Quốc Duy. VKS cũng đề nghị tòa chấp nhận kháng cáo, giảm một phần hình phạt đối với Đinh Mạnh Thắng.