Ngày 26/4, VKSND TP Hà Nội đối đáp quan điểm tranh luận của ông Vũ Huy Hoàng (cựu Bộ trưởng Công Thương) cùng 9 bị cáo và nhóm luật sư trong vụ án xảy ra tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, quận 1, TP.HCM.
Ngoài bác bỏ hầu hết ý kiến tranh luận của 10 bị cáo, kiểm sát viên cũng lý giải nguyên nhân cơ quan giữ quyền công tố tại tòa không kiến nghị HĐXX tuyên ông Hoàng và 9 bị cáo phải liên đới bồi thường hơn 2.700 tỷ đồng thiệt hại.
Ông Vũ Huy Hoàng (áo trắng, đeo kính) bị đề nghị mức án cao nhất trong 10 bị cáo. Ảnh: TTXVN. |
Theo VKS, khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng được giao cho Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và do Nhà nước quản lý. Với tư cách Bộ Trưởng Công Thương, ông Vũ Huy Hoàng có trách nhiệm quản lý bộ phận quản lý vốn tại Sabeco, phân công, quyết định các vấn đề, trong đó có thẩm quyền quyết định các phương án kinh doanh của doanh nghiệp thuộc Bộ.
Dẫn Nghị định 91/2015 của Chính phủ, đại diện VKS cho rằng bị cáo Vũ Huy Hoàng giữ chức bộ trưởng, tức là người đầu tiên phải chịu trách nhiệm về quản lý vốn tại Sabeco.
"Bị cáo có trách nhiệm quản lý tài sản, lẽ ra phải làm đúng pháp luật nhưng bị cáo đã làm sai, sai ngay từ đầu", VKS phân tích.
Về nguyên tắc, khi còn khoảng một tuần nữa là thôi chức bộ trưởng, bị cáo không được tham gia điều hành công việc; tuy nhiên, ngày 29/3/2016, ông Hoàng vẫn chủ trì cuộc họp để tham gia quyết định giá cổ phần chuyển nhượng vốn ở Sabeco thấp hơn thực tế.
VKS cáo buộc căn cứ kết luận của ông Hoàng tại cuộc họp này, ngày 1/4/2016, bị can Hồ Thị Kim Thoa (cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương, đang trốn truy nã) đã ký văn bản thông báo nêu rõ việc bộ trưởng quyết định giá chuyển nhượng là hơn 13.000 đồng/cổ phiếu. Sau khi nhận được công văn bà Thoa ký và gửi, bị cáo Hoàng đã không phản hồi.
"Như vậy, hành vi của bị cáo lấy giá thấp so với thị trường, trực tiếp gây thiệt hại tài sản cho Nhà nước", kiểm sát viên phân tích.
Về việc không đề nghị 10 bị cáo phải liên đới bồi thường khoản thiệt hại hơn 2.700 tỷ do thoái vốn trái quy định, VKS lý giải thiệt hại trong vụ án chính là quyền sử dụng khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng đã bị giao trái pháp luật và chuyển dịch thành tài sản tư nhân.
Do đó, để khắc phục thiệt hại này, VKS khi luận tội đã đề nghị tòa sơ thẩm tuyên buộc UBND TP.HCM hủy và thu hồi các quyết định giao đất trái quy định.
Khu đất vàng 2-4-6 Hai Bà Trưng nằm giữa các tuyến phố trung tâm quận 1. Ảnh: Chí Hùng. |
Khi đề xuất mức án vào sáng 24/4, VKS cho rằng cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng phạm tội với vai trò chính nên đề nghị phạt bị cáo 10-11 năm tù. Ông Phan Chí Dũng (cựu Vụ trưởng thuộc Bộ Công Thương) bị đề nghị 7-8 năm tù.
Ông Nguyễn Hữu Tín (cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM) bị đề nghị 5-6 năm tù về tội Vi phạm các quy định về quản lý đất đai. Bảy bị can còn lại là đồng phạm của ông Tín, gồm các cựu lãnh đạo và cán bộ thuộc UBND TP, bị đề nghị mức án 2-5 năm tù.
Phiên tòa tiếp tục phần tranh luận.
Theo cáo buộc, ông Vũ Huy Hoàng đã làm trái chỉ đạo của Chính phủ, quyết định cho Sabeco chuyển nhượng khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng để đầu tư dự án xây khu tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại. Bị cáo còn chỉ đạo bà Hồ Thị Kim Thoa và cấp dưới ra văn bản yêu cầu Sabeco dùng quyền sử dụng đất cùng tiền của Sabeco góp vốn, thành lập Sabeco Pearl để kinh doanh bất động sản. Sau đó, Sabeco thoái vốn tại Sabeco Pearl nên khu đất trên được dịch chuyển sang tài sản tư nhân.
Cơ quan công tố cho rằng ông Vũ Huy Hoàng có nhiều tình tiết giảm nhẹ và mắc bệnh nặng. Tuy nhiên, bị cáo giữ vai trò chính với hành vi có tính chất quyết định gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Còn cựu Phó chủ tịch TP.HCM Nguyễn Hữu Tín đã làm trái quy định khi ký các văn bản chấp thuận cho Sabeco Pearl (không phải là doanh nghiệp Nhà nước) thực hiện nghĩa vụ tài chính, được làm chủ đầu tư và thuê đất thực hiện dự án tại khu đất thuộc sở hữu Nhà nước.