Sáng cùng ngày, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC đã kết hợp với Tập đoàn dược phẩm GlaxoSmithKline (GSK) tổ chức ra mắt và triển khai tiêm vaccine thế hệ mới phòng viêm màng não do vi khuẩn não mô cầu nhóm B (Neisseria meningitidis B) tại VNVC Hoàng Văn Thụ (TP.HCM).
Theo bà Vũ Thị Thu Hà, Giám đốc Cung ứng của Hệ thống tiêm chủng VNVC - đối tác chiến lược toàn diện của GSK, VNVC là hệ thống tiêm chủng đầu tiên tại Việt Nam có vaccine phòng viêm màng não do não mô cầu nhóm B.
Từ ngày 23/2, 165 trung tâm VNVC trên toàn quốc sẽ triển khai tiêm vaccine này cho hàng nghìn trẻ em và người lớn khắp cả nước. Sự kiện có ý nghĩa quan trọng khi loại vaccine viêm màng não mô cầu B, C của Cuba đã ở trong tình trạng khan hiếm khá lâu trên thị trường, khiến nhiều trẻ em chưa được tiêm vaccine này theo phác đồ.
Hệ thống tiêm chủng VNVC cùng Tập đoàn dược phẩm GSK chính thức ra mắt và triển khai tiêm vaccine thế hệ mới não mô cầu nhóm B ngày 23/2. |
Tại lễ ra mắt, bà Elena De Angelis, Giám đốc Y khoa Quốc gia, Công ty GSK Việt Nam, cho biết vaccine não mô cầu mới được đưa vào sử dụng tại Việt Nam kỳ vọng giảm thiểu tác động tàn khốc của bệnh viêm màng não mô cầu, đặt mục tiêu bảo vệ hơn một triệu trẻ sơ sinh Việt Nam khỏi bệnh này bằng vaccine trong 5 năm tới.
Đại diện GSK tự hào khi hợp tác với đối tác chiến lược là Hệ thống tiêm chủng VNVC - Hệ thống trung tâm tiêm chủng đáng tin cậy, để đảm bảo khả năng tiếp cận y tế nhanh hơn và mở rộng phạm vi tiêm chủng.
“Bằng sự hợp tác này, chúng ta có thể cùng nhau bảo vệ con người khỏi các bệnh truyền nhiễm một cách hiệu quả”, bà Elena De Angelis nói.
Theo bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, ngoài sản xuất theo công nghệ hiện đại, tiếp cận dựa trên hệ gene của vi khuẩn não mô cầu để phát triển vaccine (reverse vaccinology) có hiệu quả cao, vaccine còn có tuổi tiêm sớm cho trẻ từ 2 tháng tuổi đến người lớn 50 tuổi. Điều này cho hiệu quả bảo vệ sớm hơn so với các vaccine não mô cầu hiện có khi tiêm từ 6 tháng hoặc 9 tháng.
“Nhóm trẻ dưới 1 tuổi có nguy cơ mắc cao nhất, đặc biệt là nhóm dưới 5 tháng tuổi, do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện và giảm kháng thể bảo vệ từ mẹ khi sinh ra. Việc tiêm sớm vaccine cho trẻ ngay từ 2 tháng tuổi sẽ giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh cũng như di chứng nặng nề”, bác sĩ Chính phân tích.
Vaccine còn có tuổi chỉ định đến 50 tuổi. Điều này sẽ giúp thêm nhiều người được bảo vệ, đặc biệt là các đối tượng nguy cơ thường bị bỏ quên tiêm chủng như thanh thiếu niên, người lớn, người có bệnh nền như tim mạch, đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mạn tính, thận mạn tính…
Theo phác đồ, trẻ từ 2 tháng tuổi đến dưới 2 tuổi cần tiêm 2 mũi cơ bản và 1 mũi nhắc lại. Trẻ từ 2 tuổi và người lớn đến 50 tuổi chỉ cần tiêm 2 mũi có hiệu quả bảo vệ lâu dài.
Dữ liệu từ nhiều nghiên cứu cho thấy vaccine não mô cầu B có hiệu quả đến 94% phòng viêm màng não do não mô cầu nhóm B, giảm nguy cơ mắc bệnh, tử vong.
Vaccine não mô cầu B đã được cấp phép lưu hành trên 52 các quốc gia trên thế giới, trong đó 14 nước đưa vào chương trình tiêm chủng quốc gia như Anh, Italy, Bồ Đào Nha…
Cùng với vaccine viêm màng não mô cầu nhóm ACYW, vaccine viêm não Nhật Bản, vaccine phế cầu khuẩn 10, 13 nhóm, vaccine thế hệ mới viêm màng não mô cầu B đã tương đối hoàn thiện tấm lá chắn phòng các bệnh viêm não, viêm màng não nguy hiểm do virus, vi khuẩn.
Vaccine não mô cầu B tiêm cho trẻ từ 2 tháng tuổi và người lớn đến 50 tuổi. Ảnh: Mộc Thảo. |
Theo thống kê, viêm màng não do não mô cầu là một trong 10 bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong cao nhất ở Việt Nam, lên đến 0,03/100.000 dân. Tỷ lệ mắc bệnh lên đến khoảng 2,3/100.000 dân. Mỗi năm, nước ta vẫn ghi nhận hàng chục ca bệnh.
Bệnh có tỷ lệ tử vong cao, di chứng nghiêm trọng khi đến 20% bệnh nhân sống sót sau điều trị phải chịu di chứng như cắt cụt chi, điếc, mù, thiểu năng trí tuệ… Riêng tỷ lệ di chứng do não mô cầu cầu nhóm B lên đến 30%.
Chưa kể, bệnh để lại gánh nặng lớn về tinh thần, kinh tế cho người bệnh và gia đình.
Theo một báo cáo Gánh nặng kinh tế - Chi phí bệnh tật ở Đức giai đoạn 2001-2015, trung bình mỗi ca bệnh não mô cầu mất từ 57.000 euro (hơn 1 tỷ) - 171.000 euro (hơn 4,5 tỷ) chi phí điều trị trực tiếp và lâu dài.
Tại Việt Nam, các ca bệnh được điều trị cũng tốn chi phí hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng. Chưa kể, các chi phí nuôi dưỡng, chăm sóc cho người có các di chứng sức khoẻ nặng sau này cũng rất tốn kém.
Bác sĩ Chính cho biết hiện vaccine viêm màng não mô cầu chưa có trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, tỷ lệ tiêm chưa cao dẫn đến số người có miễn dịch phòng bệnh rất thấp.
Bên cạnh đó, khoảng 10-50% người mang mầm bệnh nhưng không có triệu chứng là nguồn phát tán vi khuẩn ra cộng đồng. Trong đó, thanh thiếu niên và thanh niên là nhóm có tỷ lệ mang mầm bệnh cao nhất và dễ lây cho các nhóm còn lại vì có hoạt động giao lưu, tiếp xúc nhiều.
Do đó, không chỉ trẻ nhỏ mà thanh thiếu niên, người lớn, người có bệnh nền, người suy giảm miễn dịch cần được tiêm vaccine não mô cầu để bảo vệ bản thân bản thân và tránh trở thành nguồn lây cho cộng đồng.
Người tiêm vaccine phòng viêm màng não mô cầu nhóm B vẫn cần tiêm thêm vaccine phòng các nhóm ACYW để được bảo vệ đầy đủ.
Bà Vũ Thị Thu Hà cho biết việc ra mắt vaccine viêm màng não mô cầu nhóm B tiếp tục khẳng định nỗ lực thực hiện sứ mệnh của VNVC là mang đến cho Việt Nam nhiều loại vaccine mới, vaccine quan trọng trên thế giới và dịch vụ tiêm chủng an toàn, chất lượng cao, giá thành hợp lý, giúp trẻ em và người lớn tại Việt Nam được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch, bảo vệ sức khỏe một cách đơn giản và tiết kiệm.
Năm 2024, VNVC dự kiến sớm đưa về Việt Nam nhiều loại vaccine quan trọng được người dân mong đợi khác như Zona thần kinh, sốt xuất huyết, virus hợp bào RSV…