Giàu có nhưng đàn chó cũng phải chia đôi
Cuối năm 2014, TAND huyện Quốc Oai - TP Hà Nội xét xử vụ ly hôn giữa vợ chồng anh Hùng và chị Hạnh với nhiều tình tiết “cười ra nước mắt” khi vợ chồng phân chia nhau đàn chó ngay tại tòa.
Hai vợ chồng anh Hùng sống với nhau 10 năm, có với nhau 2 đứa con. Nhờ sự cố gắng, chẳng bao lâu vợ chồng anh có căn nhà khang trang nhất vùng, với đầy đủ tiện nghi sang trọng mà người dân thôn quê mơ ước.
Từ ngày có tiền, anh Hùng sinh chứng ngoại tình với một phụ nữ cùng thôn. Chị Hạnh biết chuyện, đánh ghen ầm ĩ rồi đệ đơn ly hôn ra tòa. Anh Hùng cũng không vừa. Anh ra điều kiện, muốn ly hôn thì có bao nhiêu tài sản cũng phải chia đôi hết, chứ không cho chị hơn phần nào.
Trong đơn kê khai, tài sản của hai vợ chồng gồm có nhà cửa, ruộng vườn, xe cộ. Tất cả đều chia đôi, hai đứa con thì đứa ở với bố, đứa ở với mẹ. Ngoài ra, đàn chó của gia đình gồm 6 con (1 con chó to, 5 con chó con) anh Hùng cũng yêu cầu phải chia đôi cho sòng phẳng.
Cân đi, đếm lại thì việc phân chia đàn chó là khó khăn nhất. Cả anh Hùng và chị Hạnh đều cho rằng, người nhận 5 con chó con sẽ lợi hơn người nhận 1 con chó to. Mà bớt một con chó con sang bên phía con chó to thì người nhận con chó to lại lợi quá.
Suốt trong phiên xét xử, việc phân chia đàn chó gặp bế tắc, không ai chịu nhường ai. Cuối cùng, cả hai đã cùng thống nhất, anh Hùng nhận con chó to, chị Hạnh nhận 4 con chó nhỏ, còn thừa 1 con chó nhỏ thì cả hai gửi tặng chủ tọa phiên tòa làm kỷ niệm.
Tuy ái ngại trước món quà bất ngờ đến từ chị Hạnh và anh Hùng nhưng cuối cùng vị chủ tọa cũng đành phải chấp nhận “món quà bất đắc dĩ” để cho phiên xử sớm kết thúc. Sau đó, chú chó con này đã được vị chủ tọa bàn giao lại cho người bảo vệ trụ sở TAND huyện Quốc Oai chăm sóc.
Tình cảm đi xuống, ích kỷ đi lên
Sau khi khúc mắc chia đàn chó được giải tỏa, anh Hùng và chị Hạnh mới chấp thuận ký vào bản thi hành án. Tình cảm vợ chồng chấm dứt từ đó, đường ai người ấy đi.
Nhận định về sự việc, ông Nguyễn Văn Trung – nguyên Chánh án TAND huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp nói: “Chuyện hai người kéo nhau ra tòa ly hôn, rồi cạn tình cạn nghĩa với nhau không quá bất ngờ vì khi tình cảm dành cho nhau đã hết thì lúc đó, chỉ còn sự ích kỷ trong mỗi con người trỗi dậy. Có những cặp vợ chồng ra tòa ly hôn còn đòi chia đôi cả cái kéo sắt, bức ảnh cưới…”.
Theo ông Trung, khi dắt nhau ra tòa, hành động của hai người sẽ phản ánh trung thực nhất bản chất, tính cách của mỗi con người và tình cảm hai người dành cho nhau như thế nào.
“Cũng có những cặp vợ chồng khi ly hôn nhưng vẫn giữ cho nhau sự tôn trọng, họ chẳng cần gì cả, đơn giản chỉ là sự tự do khi nhận ra không còn hạnh phúc ở bên nhau. Điều họ nghĩ đến là con cái, là làm sao để cho người kia được thoải mái nhất” – ông Trung kể.
Còn Luật sư Nguyễn Văn Mạnh – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội chia sẻ, hành động chia đàn chó của anh Hùng và chị Hạnh cho thấy tình cảm của họ đã đi xuống, trong lòng mỗi người khi đó chỉ còn lợi ích cá nhân. Và họ làm tất cả chỉ để thỏa mãn lòng ghen ghét, đố kỵ đang bùng cháy trong người.
“Đó là câu chuyện hài hước nhưng cũng phản ánh chân thật nhất cho sự tệ bạc khi mối quan hệ đã đổ vỡ” – ông Mạnh cho hay.