Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vợ chồng quản giáo gieo mầm thiện ở trại giam Z30D

Họ cưới nhau nơi trại giam và nguyện gắn đời mình để gieo mầm thiện, cải tạo những con người lầm lỡ… Người dí dỏm gọi họ là đôi vợ chồng “chung thân không án”.

Thạc sĩ duy nhất của trại giam

Đó là trường hợp của cặp vợ chồng thiếu tá Phạm Thị Minh Hải (SN 1976) – trung tá Trịnh Hải Tùng (SN 1972) mà chúng tôi gặp tại trại giam Z30D (trại giam Thủ Đức – Bộ công an).

Nhiều cán bộ chiến sĩ dành cho cặp vợ chồng này những lời nhận xét kính trọng, nhất là về chị Hải, người hiện là thạc sĩ duy nhất ở trại giam lớn nhất các tỉnh thành phía Nam này.

Chị Minh Hải hiện là phó đội trưởng đội giáo dục hồ sơ; còn anh Tùng là trinh sát của phân trại K4.

Thiếu tá Phạm Thị Minh Hải

Chúng tôi phải thuyết phục lắm, chị Hải mới tâm sự chuyện của gia đình mình: “Tôi quê gốc Phú Yên, thuở trước nghèo khó, lại là chị cả của 4 đứa em. Lúc trước chọn trường đại học Cảnh sát Nhân dân, chỉ nghĩ đơn giản là không phải tốn tiền gia đình, để được học cao hơn. Nhưng đến với nghề quản giáo, mới thấy gắn bó, yêu nghề…”.

Chị Hải nhớ lại thời còn là sinh viên chuyên ngành quản lý cải tạo phạm nhân, khoá đầu tiên của trường đại học Cảnh sát Nhân dân. Năm 1999, chị về phân trại K4 của trại giam Z30D thực tập, duyên nợ thế nào mà anh Tùng, lúc đó là trinh sát, từ người thầy, hướng dẫn chị thực tập, giờ trở thành chồng chị, có với nhau 2 đứa con đủ nếp, đủ tẻ.

Được biết sau khi cưới nhau vào năm 2000, chị Hải về công tác chung phân trại K4 với chồng, 2 năm sau được đơn vị điều động lên đội giáo dục hồ sơ. Đến năm 2010 chị chính thức hoàn thành chương trình cao học, trở thành thạc sĩ duy nhất ở trại giam Z30D.

“2 vợ chồng rất vất vả giữa công việc và gia đình, nhưng gắn bó với nghề này rồi, biết làm sao được”, chị Hải chia sẻ

Giáo dục phạm nhân bằng tình người

Nói về phương pháp giáo dục, cải tạo phạm nhân, theo chị Hải, mỗi phạm nhân nhập trại, giáo dục họ bắt đầu như 1 đứa trẻ từ xoá mù chữ cho đến dạy văn hoá, dạy nghề…Phương pháp của thiếu tá Hải chính là nêu gương điển hình, đưa vào bài học; cách này dễ đi vào lòng người, khắc sâu trong mỗi phạm nhân…

Chính vì thế mà trong mỗi câu chuyên kể của chị, có những mảnh đời phạm nhân rất đỗi nhân văn. Nhiều phạm nhân ra trại, hoà nhập xã hội nhưng vẫn thường xuyên liên lạc với chị. Khi thì họ hỏi thăm sức khoẻ, gia đình chị và những cán bộ ở trại; khi thì bế tắc trong cuộc sống cần chị tư vấn hoặc là hỏi ý kiến chị để định hướng nghề nghiệp…

“Tôi đều chia sẻ, tâm sự với họ như những người thân thiết nhất, và họ cũng xem tôi như vậy. Làm được điều này là giúp họ trong việc định hướng cuộc đời, tránh lạc lối thêm lần nữa”, thiếu tá Hải giải bày.

Người quản giáo giáo dục phạm nhân phải vận dụng tình thương, tình người thì mới hiệu quả.

Hỏi chị nhớ người phạm nhân nào nhất trong 15 năm làm nghề của mình? Chị Hải bỗng xuống giọng, kể về người nữ phạm nhân, hiện đã ngoài 50 tuổi.

Theo lời chị Hải, ngày khi mới về thực tập trại giam, chị quản lý đội văn nghệ của phân trại K4, gặp người nữ phạm nhân đang thụ án về tội “tổ chức mại dâm”, là thành viên của đội văn nghệ.

Khi chính thức về công tác ở đơn vị này, chị Hải và người nữ phạm nhân nọ tâm sự với nhau rất nhiều, 2 người xem nhau như người thân thiết, không còn khoảng cách cán bộ - phạm nhân. Và rồi, người phụ nữ đó chấp hành án xong, quay về với xã hội.

Bẵng đi nhiều năm, chị Hải bỗng nhiên nhói lòng khi gặp lại người nữ phạm nhân ngày xưa. Chị này hiện đang thụ án về tội “mua bán trái phép chất ma tuý”.

Người nữ phạm nhân nhìn cán bộ quản giáo mà trước đây mình xem như người em, nước mắt lưng tròng. Chị đã khóc rất nhiều, tâm sự với thiếu tá Hải: ngày về lần trước, chị như bơ vơ giữa đời, hụt hẫng trong sự đón nhận của người thân rồi quẩn quanh khốn khó đi kiếm việc, mưu sinh nhưng bất lực, cuối cùng hoàn cảnh xô đẩy và lại quên…lời hứa năm xưa.

Lần nhập trại thứ 2, người nữ phạm nhân trông già đi rất nhiều; đặc biệt là luôn tìm cách tránh né người cán bộ - người em thân thiết. Thế nhưng với Hải, dù xót xa cho lần tái phạm của người thân; chị vẫn xác định, không còn cách nào khác là phải tiếp cận, tâm sự, động viên…giúp chị phạm nhân làm lại cuộc đời, dù mái đầu giờ đã lấm tấm bạc.

Không chỉ chị Hải, anh Tùng mà nhiều người chọn nghề quản giáo đã nguyện gắn cả đời mình với môi trường trại giam. Họ có phương pháp giáo dục, cải tạo những con người lầm lỡ bằng tình thương, sự chân thành. Có như thế mới đánh động được sự trắc ẩn sâu kín của những phạm nhân, giúp họ tìm thấy ánh sáng, ý nghĩa cuộc đời.

http://vietnamnet.vn/vn/xa-hoi/160053/vo-chong-quan-giao-gieo-mam-thien-o-trai-giam-z30d.html

Theo Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm