Mở một quán cà phê kết hợp studio là điều vợ chồng tôi hướng đến sau nhiều năm đi "làm thuê".
Zing chia sẻ câu chuyện kinh doanh quán cà phê tại TP.HCM của vợ chồng Mai Nguyễn (quận 5).
Xoay xở trong dịch
Chồng tôi buột miệng nói về mong muốn mở một quán cà phê nho nhỏ ở TP.HCM thay vì đi "làm thuê" như hiện tại trong chuyến đi Đà Lạt của cả hai.
Áp lực từ công việc khiến vợ chồng tôi mệt mỏi nên đây là lời đề nghị khá hấp dẫn. "Đứa con tinh thần" của chúng tôi cũng bắt đầu lớn lên từ đây.
Tổng vốn đầu tư cho quán xấp xỉ 1 tỷ đồng. Sau nhiều năm đi làm, vợ chồng tôi tích góp được 100 triệu, phần còn lại sẽ vay thêm từ gia đình. Theo tôi, phương án này sẽ đỡ áp lực hơn với việc mượn từ bên ngoài.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng rất "đau đầu" vì sợ phụ huynh thất vọng và hoang phí tiền của. Sau khi lo liệu các chi phí, vợ chồng tôi bắt đầu tìm mặt bằng.
Nếu chọn một căn nhà đã xây sẵn thì rất khó có thể thực hiện được các ý tưởng thiết kế như mong muốn của cả hai. Một mảnh đất trống sẽ là lựa chọn phù hợp hơn.
Khu đất rộng 200 m2 nằm trong một con hẻm trên đường Trần Bình Trọng (quận 5) là nơi để vợ chồng tôi bắt đầu ước mơ của mình.
Trước đó, chúng tôi đã đặt cọc thuê một miếng đất khác ở quận 8. Tuy nhiên, sau khi chờ hơn 3 tháng trời vẫn chưa có được giấy phép xây dựng, chủ đất đã trả lại tiền để vợ chồng tôi đi tìm mặt bằng khác.
Có lẽ, đây cũng là cái duyên bởi cả hai nhanh chóng chọn được khu đất này vào sáng hôm sau với mức kinh phí phù hợp hơn.
Vì là lần đầu tiên kinh doanh nên tôi chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc chọn mặt bằng. Vợ chồng tôi chỉ đơn giản dựa trên 3 yếu tố, bao gồm: chi phí có thể bỏ ra, diện tích hợp lý và khu vực phù hợp với tệp khách hàng hướng tới.
Quán được động thổ chính xác vào ngày 22/5/2021. Tuy nhiên, đến cuối tháng 5, dịch bệnh bắt đầu bùng phát mạnh ở TP.HCM khiến việc thi công bị trì hoãn.
Với vợ chồng tôi, 4 tháng giãn cách xã hội thật sự là "một cơn ác mộng". Để chuẩn bị cho "đứa con tinh thần" này, cả hai đều đã nghỉ việc. Thu nhập đầu vào không có nhưng vẫn phải chi ra mỗi tháng một khoản cho tiền mặt bằng.
Trong cái khó ló cái khôn, tôi và chồng quyết định bán hàng online trong dịch. Mặt hàng chúng tôi lựa chọn là trà sữa. Thức uống này đã quá quen thuộc, cộng thêm may mắn nên được mọi người ủng hộ rất nhiều.
Nguồn thu này đã giúp cả hai "sống sót" qua dịch bệnh và giải quyết vấn đề tiền mặt bằng mỗi tháng của quán.
Thực hiện một concept mới lạ
Khảo sát thị trường, vợ chồng tôi nhận thấy ở TP.HCM, các quán cà phê theo phong cách Hàn Quốc hoặc châu Âu đã có khá nhiều. Phong cách Nhật Bản hiện chưa quá phổ biến nên cả hai quyết định chọn nó.
Không chỉ là nơi để khách hàng có thể ăn miếng bánh, nhâm nhi ly cà phê và tán gẫu mà đây còn là một studio để quay phim, chụp ảnh,...
Tôi dựa theo những hình ảnh về Nhật Bản để lên ý tưởng cho quán. Tìm thật nhiều chắc chắn bạn sẽ có lựa chọn phù hợp về cả phong cách lẫn tài chính.
Để thực hiện được chúng, tôi và chồng đã nhờ đến sự hỗ trợ của một người bạn là kiến trúc sư. Anh ấy là người tạo nên 70% ngoại hình cho "đứa con" này.
Đôi lúc, vợ chồng tôi cũng có những quan điểm bất đồng với nhau trong việc thiết kế. Để giải quyết tình trạng này, tôi và chồng chia nhiệm vụ cho nhau, mỗi người phụ trách một khu vực của quán.
Bên cạnh đó, mỗi hạng mục cũng cần có ngân sách cụ thể. Chúng tôi sẽ dựa vào nó để có những lựa chọn phù hợp nhất.
Không khó để tìm được những quán cà phê có cách decor đẹp và độc đáo nên cần xác định rõ phong cách mà mình muốn hướng tới.
Chúng tôi hi vọng mỗi khi ghé quán, khách hàng sẽ cảm thấy như đang ở trong một "Nhật Bản thu nhỏ" với một gốc hoa anh đào, nhiều chuông gió, cây xanh và không khí ấm cúng.