Để giữ cuộc sống gia đình vui vẻ, vợ chồng blogger Lê Ngọc đã học cách cân đối thời gian và thử thêm những thú vui mới như trồng nấm, nấu ăn...
Lê Ngọc, nhà thơ ở TP.HCM, chủ blog về lối sống Nhà Có Hai Người thường thích chia sẻ những mẩu chuyện tình yêu trên mạng xã hội. Trong những ngày dịch ở TP.HCM, cô và chồng - Ngọc Ánh - vẫn tìm thấy niềm vui nhỏ trong khu vườn bé xinh. Từ việc trồng nấm, chăm cây cho đến trang hoàng nhà cửa, cuộc sống của họ vẫn nhẹ nhàng trôi qua trong những ngày dịch ở Sài thành...
Những ngày dịch bình yên
Với Ngọc, cuộc sống những ngày TP.HCM bị dịch hoành hành cũng khó chịu như bao người khác. Tuy nhiên, cô tâm sự quan trọng mình cần biết cách hạn chế những điều tiêu cực và hướng tâm hồn mình tới những thứ tích cực hơn.
"Chúng ta đang phải ở trong không gian kín nhiều quá. Không tiếp xúc nhiều với thiên nhiên, môi trường xã hội hay cả việc tiếp xúc với cùng một người trong cùng một nơi cũng làm mình dễ nhàm chán", cô nói.
Dù vậy, điều này không có nghĩa cuộc sống ở nhà mùa dịch đều tẻ nhạt. Theo blogger này, điều quan trọng là bạn phải biết tận hưởng những thách thức ra sao. Một vấn đề lớn Ngọc nhận ra là việc nấu ăn mùa dịch nhiều thử thách hơn bình thường - dù cho cô tự nhận xét mình thuộc tuýp "nghiện" nấu ăn.
Đổi mới trong cách sống giúp những ngày ở nhà tích cực hơn. |
Ngày thường, cô chỉ nấu một bữa tại nhà còn bữa còn lại sẽ ra ngoài ăn vì còn đi làm. Tuy nhiên, trong khoảng 2 tháng ở nhà vì dịch, tần suất nấu nướng của gia đình đã tăng lên hẳn. Vợ chồng blogger này ngoài 3 bữa ăn chính còn ăn thêm bữa xế, thỉnh thoảng lại ăn khuya.
"Việc thay đổi bữa sao cho ngon cũng là thử thách vì chúng mình đều không thích ăn lại những món cũ", Ngọc chia sẻ.
Thử thách cũng chính là thứ thú vị trong những ngày này. Do dịch bệnh, việc mua nguyên liệu cần sẽ không được thoải mái. Tận dụng nguyên liệu sẵn có và sự sáng tạo của bản thân giúp Ngọc cùng chồng có thêm nhiều những trải nghiệm ẩm thực mới ngày dịch.
Xu hướng ăn nhiều hơn mùa dịch đòi hỏi những người muốn giữ dáng cần có chế độ hợp lý. Blogger Sài thành chia sẻ cô thường chia đều thời gian trong tuần để ăn món mặn và ăn chay. Một trong những đồ uống yêu thích của Ngọc thời gian giãn cách là trà kombucha - loại trà được lên men có thể uống trước và sau khi ăn. Nó có tác dụng giữ dáng và giúp tiêu hóa tốt hơn.
Cô tâm sự: "Những ngày đầu, vợ chồng mình cũng bối rối vì mấy chục năm sống trên đời chưa từng gặp cảnh như vậy. Có lúc, mình phải hỏi anh nhà có chán không. Anh chỉ gật đầu cười, nói cũng chán. Hôm sau, anh đặt mua hạt giống trồng cây, mình thì tập trung làm việc hoặc học tập vào một khung giờ cố định.
Mỗi ngày trôi qua, hai vợ chồng đều bận rộn với công việc riêng, để giữ cho bản thân không bị ù lì, mệt mỏi, và tạo ra khoảng cách vừa đủ để còn… nhớ nhau. Ai cũng cần có thời gian riêng nhưng đều dành thời gian chung để cùng nghe nhạc, chăm cây hay xem phim. Vì thế, mình vẫn cảm nhận được sự bình yên trước những gì đang diễn ra bên ngoài".
Trồng nấm vì vợ ngủ nhiều
"Đó là buổi sáng sau đêm mưa hôm trước, anh nhà mình lên sân thượng thấy nấm mọc đầy trên mấy cây gia vị. Anh nói đùa nhà này nhiều năng lượng quá do mình ngủ quá nhiều. Chẳng thế mà nấm mọc đầy. Ngay sau đó, chồng mình nảy ra ý tưởng trồng nấm tại nhà luôn", Ngọc chia sẻ về những cây nấm trong nhà mình.
Ban đầu, hai vợ chồng chỉ định mua một combo khoảng 10-20 phôi nấm. Ý tưởng nảy ra vào thời điểm dịch bệnh nên việc giao hàng khá khó khăn. Do đó, thay vì mua mỗi bên một combo, họ đặt luôn 3 combo cho tiện. Cặp vợ chồng đặt 3 bên bán, thành ra có 9 combo. Từ dự định chỉ chơi vui 10, 20 phôi nấm, gia đình nhận về hơn trăm phôi nấm để thoải mái trồng mùa dịch.
Ngọc nói hiện tại, gia đình trồng 4 loại nấm từ dễ như bào ngư, hồng ngọc chân dài tới khó như nấm mối đen. Gia đình cũng muốn thử thêm nấm hoàng đế, nấm hoàng kim nhưng vẫn chưa tìm được chỗ bán do dịch bệnh phức tạp.
Về cơ bản, vợ chồng Ngọc - Ánh cũng gặp những sai lầm của người trồng nấm lần đầu. Họ để phôi nấm ủ vào nơi ẩm ướt khiến phôi bị mốc xanh, đen đủ kiểu. Tuy nhiên, sau thời gian làm quen, mọi thứ cũng dần tốt hơn. Nấm ra "rất sung", làm đủ món, ăn thoải mái chưa hết.
Các kỹ thuật trồng cơ bản được chia sẻ khá nhiều trên Internet. Người trồng cần lưu ý việc chăm tưới, đảm bảo độ ẩm, tránh ánh sáng trực tiếp. Tuy nhiên, nếu trồng nấm chỉ theo một công thức, thành quả trông sẽ một màu. Điều này đòi hỏi người trồng cần thêm chút sáng tạo để việc trồng nấm thêm thú vị hơn.
"Ví dụ, thay vì cho phôi vào thùng xốp, mình có thể đổi sang trồng nấm trong thùng gỗ. Dù vậy, không phải gỗ nào cũng như nhau, bạn cần chọn loại gỗ tốt, chống thấm cao. Nếu dùng gỗ công nghiệp không xử lý cẩn thận, thời gian ngắn là tanh bành.
Dùng túi mía hay thùng carton làm nơi đựng phôi cũng được. Cách này bạn cần kết hợp thêm với nylon bọc thực phẩm để giữ cho chặt. Các bạn điệu hơn có thể lấy giỏ mây, hoặc tủ quần áo cũ bỏ đi lôi ra trồng nấm cũng đẹp lắm", Ngọc kể về kinh nghiệm "decor nhà" cho nấm.
Giá thể trồng nấm loại rẻ có thể dùng cát đen, cát vàng. Ngoài ra, sau khi trồng nấm xong, phần phôi nấm có thể đem xử lý (phơi nắng, ủ nấm đối kháng...) để làm giá thể trồng cây, xơ dừa cũng là lựa chọn tốt. Đá perlite được gia đình Ngọc - Ánh ưu tiên vì tính thẩm mỹ khi đặt trong những "nhà" nấm. "Một công đôi việc, tiện thật", Ngọc chia sẻ.
Một trong những vấn đề gia đình blogger này nhận ra khi mua nấm thời điểm dịch bệnh là bảo quản phôi. Theo họ, công tác vận chuyển trước dịch tốt hơn nên phôi luôn đảm bảo kín khí. Tuy nhiên, từ đợt dịch, việc vận chuyển khó khăn nên có tình trạng phôi lỗi, bị khí vào. Điều này dẫn đến cảnh nấm không chỉ mọc ở cổ phôi mà tràn lan từ trên xuống dưới.
Do đó, khi gặp trường hợp này, bạn cần cắt bỏ bọc phôi. Sau đó, gạt bỏ hết nấm xung quanh và trồng lại như cách bỏ vào thùng gỗ.
Nhiều người nghĩ việc trồng nấm hay rau củ tại nhà có thể giúp tiết kiệm chi phí. Điều này có thể đúng trong thời điểm dịch bệnh khiến việc mua bán thực phẩm trở nên khó khăn hơn. Nhìn chung, theo Ngọc, trồng nấm hay rau sạch ở nhà cũng không tiết kiệm mấy so với ăn hàng.
Đổi lại, bạn được đảm bảo về vệ sinh an toàn thực phẩm. Quan trọng hơn, nó đem lại niềm vui khi tự tay làm những gì mình thích. Nữ blogger chia sẻ mình là tín đồ của các món nấm. Kể từ khi trồng nấm, bữa cơm nào của gia đình hầu như cũng có loại đồ ăn này.
Các đại lý thường bán nấm cho người dùng theo dạng phôi. Có thể hiểu, phôi là môi trường sống cung cấp dinh dưỡng cho meo nấm phát triển và chạy tơ. Nếu so với cây, tơ chính là rễ của nấm. Chúng ăn dinh dưỡng trong phôi để phát triển. Bên trong phôi thường là mùn cưa, gỗ cao su... Do quá trình lâu nhất là ủ phôi đã được đại lý làm sẵn, người trồng thường chỉ tốn 4-5 ngày hoặc nhiều nhất 10 ngày là có nấm ăn.