Từ 7h sáng, khoa Chăm sóc tiền sản, Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM), đã tấp nập người đến khám. Đa số là các cặp vợ chồng đến đăng ký khám nhằm đánh giá tình trạng sức khỏe để có thai kỳ khỏe mạnh, an toàn. Những ngày đầu năm số lượng cặp đôi, thai phụ đến khám tại đây tăng so với cùng kỳ những năm trước. |
Mỗi lượt khám, tư vấn sẽ kéo dài hơn 30 phút, có cặp đôi phải đến thăm khám nhiều ngày liên tục. Bác sĩ cho biết việc các cặp đôi đi khám sức khỏe trước khi có con rất quan trọng, nhằm loại bỏ được những nguy cơ bệnh tật không tốt cho thai nhi. Tại Việt Nam, việc khám tiền hôn nhân, tiền sản đang ngày càng được nhiều cặp đôi quan tâm. |
Trao đổi với Tri thức - Znews, bác sĩ Bùi Thị Thu Hà, Phó khoa Chăm sóc tiền sản, lượng bệnh nhân khám sau Tết Nguyên đán đặc biệt tăng đột biến. Hầu như ngày nào nhân viên y tế ở các phòng cũng làm việc liên tục từ sáng đến chiều, hết công suất. |
Để chuẩn bị tốt nhất cho hành trình có em bé, việc khám tiền sản sẽ tập trung vào tư vấn, đánh giá sức khỏe. Các bước khám bao gồm đánh giá sức khỏe tổng quát, sức khỏe sinh sản và yếu tố gene di truyền. Tại phòng tiếp nhận và xử lý thông tin, nhân viên y tế được tăng cường, phải làm việc liên tục để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các cặp đôi. |
Sau khi được bác sĩ tư vấn, vợ chồng Thuỷ Trúc (27 tuổi, ngụ TP.HCM) hồi hộp nghe hướng dẫn làm các xét nghiệm cần thiết để chuẩn bị mang thai. Kết quả sẽ được trả sau 2 tuần khám. Trước đó 2 năm, Trúc đã tiêm vaccine HPV, sởi và cúm cùng các loại bệnh khác, chuẩn bị cho việc sinh con năm rồng. "Sau hai tuần nếu kết quả tốt, chúng tôi sẽ 'thả' để kịp có con trong năm 2024", cô nói. |
Trúc kể, mình và chồng là bạn thân từ năm lớp 6, sau 13 năm hai người chính thức nói lời yêu. Cả hai không mất nhiều thời gian cho việc tìm hiểu đối phương và quyết định đi đến hôn nhân. Với mong muốn con sinh ra trong điều kiện tốt nhất về kinh tế, sức khoẻ nên hai vợ chồng đã tiết kiệm khoảng 200 triệu đồng cho việc sinh con. Đến đầu năm 2024, Trúc và chồng đi khám sức khoẻ tại Bệnh viện Từ Dũ để sẵn sàng có con. |
Cùng lúc đó tại khoa Chăm sóc trước sinh, Bệnh viện Từ Dũ, vợ chồng chị Trần Thị Như Ngọc Châu, 36 tuổi, sống tại Đồng Nai, đang khám thai. Ở tháng thứ 3 của thai kỳ, chị Châu cần làm các xét nghiệm chuyên sâu để kiểm tra các nguy cơ xảy ra. |
Đây là lần mang thai thứ hai của chị Châu. Em bé thứ 2 được sinh ra trong năm 2024 này đã được hai vợ chồng lên kế hoạch từ trước. Cô chia sẻ con cái là lộc trời cho, nên con sinh ra ở thời điểm nào cũng là điều hạnh phúc. May mắn, em bé đến với gia đình trong Giáp Thìn, là một năm đẹp theo quan niệm của người châu Á, chị cũng thấy vui hơn |
Các cặp đôi thường đến với khoa Chăm sóc tiền sản để khám trước khi có con, hoặc mang thai những tháng đầu. Những cặp đôi có chỉ số xét nghiệm bình thường, sẽ được tư vấn làm thêm các xét nghiệm để chuẩn bị có em bé. Thai phụ trong 3 tháng đầu thai kỳ, bác sĩ sẽ chỉ định siêu âm và làm bộ xét nghiệm dị tật, hội chứng Patau, Down, Edwards... cho em bé. Người phụ được tầm soát nguy cơ tiền sản giật để đảm bảo mẹ và bé đều khoẻ mạnh sau sinh. |
Theo Tâm lý học tích cực, khoa học hạnh phúc không phải cái gì cao siêu, to tát. Thực ra, hạnh phúc ở ngay trong bản thân ta, và quanh ta. Lifestyle giới thiệu tác phẩm "100 cách sống hạnh phúc". Cuốn sách là những chỉ dẫn thiết thực để sống hạnh phúc, thông qua thói quen, luyện tập cơ thể, tư tưởng tích cực, hoạch định tương lai và xây dựng các mối quan hệ.