Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vợ chồng Trung Quốc dùng ChatGPT để an ủi con trai bị trêu chọc

Một cặp vợ chồng đều là tiến sĩ ở Trung Quốc đã gây sốt mạng xã hội khi sử dụng AI để an ủi cậu con trai 5 tuổi bị phụ huynh khác chế giễu vì vấp ngã trong lúc vui chơi.

Cặp vợ chồng cho biết ChatGPT đã trở thành “thành viên trong gia đình họ” sau vụ việc. Ảnh: SCMP.

Tháng 11/2023, Tang Wenju đã đăng tải video quay cảnh cô và chồng, Chen Xiangyu, dùng công cụ chatbot AI ChatGPT để hỗ trợ nuôi dạy con trai lên Douyin (phiên bản Trung Quốc của TikTok).

Clip đã lan truyền nhanh chóng trên các trang mạng xã hội Trung Quốc sau khi Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) phỏng vấn cặp vợ chồng trẻ về phương pháp nuôi dạy con cái bằng AI.

Khi đang chơi xe scooter, cậu con trai của họ, có biệt danh là Twelve, không may bị ngã và bị những phụ huynh khác chứng kiến cười chê. Dù bố mẹ đã cố gắng an ủi, cậu bé vẫn buồn bực. Anh Chen (nghiên cứu sinh tiến sĩ về Khoa học dữ liệu tại Đại học Thanh Hoa) đã quyết định nhờ đến sự trợ giúp của ChatGPT.

"Chúng ta cùng nghe xem robot nói gì nhé", anh Chen nói với con trai.

Sau đó, anh dùng điện thoại đặt câu hỏi: "Con trai 5 tuổi của tôi chẳng may ngã xe scooter trong lúc chơi, và các phụ huynh khác lại cười nhạo cháu. Hành động của họ là đúng hay sai?".

Một giọng nói nữ ngay lập tức trả lời bằng cùng ngôn ngữ: "Một đứa trẻ 5 tuổi bị ngã đã đủ đáng lo rồi, việc bị cười nhạo chắc chắn sẽ khiến cháu bé cảm thấy buồn bã hơn. Hành vi cười nhạo con trai bạn là không phù hợp".

Lúc đó, chị Tang Wenju (giảng viên Ngôn ngữ học tại Đại học Hồ Bắc, tiến sĩ tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh) nhận ra cách tốt nhất để an ủi một người là trở thành đồng minh của họ.

Cô hướng dẫn chatbot đặt mình vào vị trí của con trai và chỉ trích những người đã cười nhạo cậu bé.

ChatGPT sau đó bắt đầu bài "diễn thuyết" của mình: "Thứ nhất, hành động của họ đã đi quá xa. Sao họ có thể đối xử với một đứa trẻ như vậy? Thứ hai, thật khó chịu khi chứng kiến cảnh tượng này. Họ nên biết hành động của mình hoàn toàn sai trái. Thứ ba, cười nhạo một đứa trẻ bị ngã là biểu hiện rõ ràng của việc thiếu sự đồng cảm. Con trai bạn hoàn toàn đúng trong tình huống này. Cháu bé đáng được nhận những phản ứng tích cực hơn".

Chị Tang cho biết Twelve ngay lập tức bị thuyết phục bởi "nhận định khách quan" của chatbot. Người mẹ thừa nhận ban đầu, chị hoài nghi về trí tuệ nhân tạo, nhưng sau khi chồng giới thiệu ChatGPT, chị đã bị "sự kỳ diệu" của nó chinh phục.

Nữ phụ huynh nói rằng ChatGPT hiện đã trở thành một "thành viên gia đình", mang lại cho chị sự thoải mái về mặt tình cảm, đồng thời hỗ trợ chị trong công việc và chăm sóc con cái.

Trên nền tảng mạng xã hội Xiaohongshu của Trung Quốc, các bậc phụ huynh khác cũng chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con cái bằng AI.

Một người mẹ có con trai học lớp 1 ở tỉnh An Huy cho biết cô tìm kiếm sự trợ giúp từ chatbot AI mỗi khi con trai hỏi điều gì mà cô không thể trả lời.

Một bà mẹ khác có hai con trai đang học tiểu học, sống tại Bắc Kinh, cho hay cô sử dụng AI để tạo hình hoạt họa từ những câu chuyện của con trai lớn nhằm khuyến khích con sáng tạo thêm.

Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách nuôi dạy trẻ trong thời đại 4.0.

Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.

TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.

AI là kẻ thù hay bạn đồng hành với học sinh?

AI có thể nhanh chóng gợi ý các ý tưởng, kích thích sáng tạo. Tuy nhiên, nó cũng tiềm ẩn tác động tiêu cực đến khả năng tư duy của học sinh.

Ngọc Bích

Bạn có thể quan tâm