Vợ chồng 'vua' cà phê Trung Nguyên cãi nhau nảy lửa giữa tòa
Thứ năm, 21/2/2019 13:35 (GMT+7)
13:35 21/2/2019
"Bất kỳ điều gì tôi sai thì phải nói tôi sai cái gì, tại sao sỉ nhục liên tục tôi như vậy trong 2 ngày qua? Tôi không chấp nhận”, bà Thảo không kìm được cảm xúc, lớn tiếng.
Chiều 21/2, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử vụ ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo.
Không đồng ý chia theo tỷ lệ 7:3
Mở đầu phiên tòa, chủ tọa hỏi bà Thảo việc phân chia tài sản, ý ông Vũ muốn chia 70%-30%, bà Thảo thấy thế nào?
Bà Thảo chia sẻ sau phiên tòa buổi sáng, khi thấy thông tin trên báo chí, đứa con lớn ở Australia gọi điện về động viên bà tiếp tục cố gắng, không được ngừng.
Bà Thảo cũng trình bày buổi sáng khi bà muốn rút đơn ly hôn thì ông Vũ không đồng ý. Do đó, bà đề nghị tòa tiếp tục xét xử “để có con đường đi bình an cho mỗi người”.
“Không có nhiều thời gian tranh cãi như vậy. Rất mệt mỏi”, bà Thảo nói.
Về phần tài sản là hiện vật, bà Thảo không đồng ý chia theo tỷ lệ 7:3. Bà Thảo cho rằng không có căn cứ pháp luật.
Bà Thảo không chấp nhận chia tài sản theo tỉ lệ 7:3. Ảnh: Lê Quân.
Bị đơn đề nghị giao tất cả cổ phần ở Tập đoàn Trung Nguyên cho ông Vũ sở hữu rồi ông Vũ thanh toán lại tiền, chủ tọa dẫn lại yêu cầu phía bị đơn rồi hỏi bà Thảo. Về điều này, bà Thảo cũng không đồng ý.
Đại diện của bà Thảo đề nghị chia cho bà Thảo 51% cổ phần trong Công ty cổ phần đầu tư Trung Nguyên, 15% trong Tập đoàn Trung Nguyên và sở hữu căn nhà trên đường Tú Xương.
Đại diện VKS tham gia hỏi các bên. Trả lời câu hỏi của cơ quan công tố, bà Thảo đồng ý việc ông Vũ chu cấp cho 4 người con 10 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, bà Thảo có một thắc mắc là việc chu cấp sẽ tình từ thời điểm nào. VKS cho biết bản án có hiệu lực từ ngày tuyên án. Nếu hai bên thỏa thuận được với nhau về thời điểm thì sẽ ghi nhận.
Khi VKS đặt câu hỏi với bà Thảo về đóng góp cho Trung Nguyên khi khởi nghiệp bằng một số tiền, việc này có chứng cứ gì không? Đại diện phía bà Thảo cho biết thời buổi ấy không có bằng chứng gì.
VKS chuyển sang hỏi ông Vũ về việc từ ngày bà Thảo nộp đơn ly hôn, có bao giờ ông Vũ gặp các con để tìm hiểu xem chúng thật sự muốn sống với ba hay mẹ?
Ông Vũ trả lời ông không dám làm tổn thương mấy đứa nhỏ. “Sự thật đau lòng là cô ấy giữ bọn trẻ làm con tin, người giúp việc muốn lo cho các cháu cũng khó khăn”, ông Vũ nói trước tòa và chia sẻ ông không bao giờ nói với con là về với ba. Ông cho rằng khi nào những đứa con lớn sẽ hiểu chuyện gì xảy ra.
Về việc phân chia một số tài sản, bên nguyên đơn phản đối về yêu cầu phản tố của bị đơn, cho rằng đó là “một trò đùa”.
Cụ thể, sau khi tòa án đã thụ lý đơn ly hôn, phía ông Vũ có yêu cầu phản tố về tài khoản tiền gửi đứng tên bà Thảo tại ngân hàng, bất động sản ở quận 2, quận 9 và một số nơi khác trị giá khoảng 3.000 tỷ đồng và khoảng 10.000 lượng vàng.
Sau đó, ông Vũ rút một phần yêu cầu phản tố nhưng tòa án chưa ra quyết định nên bị đơn xem như vẫn giữ nguyên. Điều này khiến phía bà Thảo cho rằng đã rút thì sẽ không được giải quyết. Và nếu muốn giải quyết thì trước hết phải hòa giải, thương lượng.
"7:3 là tỷ lệ vô chừng"
Bước sang phần tranh luận, luật sư Phan Trung Hoài, người bảo vệ cho bà Thảo, lần lượt trình bày những lập luận bảo vệ quyền lợi cho nguyên đơn.
Luật sư Hoài chỉ ra hai bên đến với nhau bằng tình yêu, sau đó kết hôn rồi sinh ra 4 đứa con. Nhưng từ việc ông Vũ không quan tâm cho gia đình, có những biểu hiện không minh mẫn, dẫn tới mâu thuẫn hai bên kéo dài không thể níu kéo.
Luật sư Hoài cho rằng thân chủ của mình đóng góp rất nhiều cho Trung Nguyên nhưng hành trình, tầm nhìn và bước đi của tập đoàn này hầu như không có bóng dáng của người vợ này. Ông Phan Trung Hoài hy vọng bản án cần phải chỉ ra nguyên nhân thực tế dẫn đến hôn nhân không hạnh phúc, thỏa thuận cũng đã không đạt được.
Luật sư Phan Trung Hoài. Ảnh: Lê Quân.
“Người ta chỉ có thể bình an, có năng lượng mới khi gia đình mình bình an”, luật sư Hoài trình bày và cho rằng việc con cái muốn cha mẹ hàn gắn nhưng không thể thì hãy tạo điều kiện, nền móng để các con phát triển.
Về phần liên quan cấp dưỡng, luật sư Hoài cho rằng có sự khác biệt rất lớn giữa hai bên khi đánh giá sự tạo lập khối tài sản chung của hai vợ chồng.
“Phải lấy mốc thời điểm tạo lập khối tài sản chung của hai vợ chồng từ khi nào. Quá trình này không đơn giản chỉ hướng đến công sức, giá trị của thương hiệu… Một người phụ nữ làm nội trợ cũng tương xứng công sức của người chồng đang ra chiến trường, thương trường gầy dựng. Đó là sự đánh giá ngang bằng, không thể chênh lệch”, luật sư Hoài nhấn mạnh về việc phân chia tỷ lệ tài sản.
Về tỷ lệ 7:3 như đề nghị của phía ông Vũ, luật sư Hoài cho rằng điều này không có căn cứ, không bình đẳng, vô chừng. Tỷ lệ phân chia tài sản được đưa ra phải hàm chứa tính nhân văn.
Theo luật sư, nguyên tắc vận dụng khi tranh chấp tài sản ly hôn là phải xét hoàn cảnh gia đình, điểm xuất phát tạo lập tài sản chung của vợ chồng. Toàn bộ quá trình tạo lập các công ty, luật sư cho rằng tất cả đều có sau thời điểm hai vợ chồng ông Vũ kết hôn.
Vào năm 2007, bà Thảo và các con sang Singapore để phát triển thương hiệu Trung Nguyên ra quốc tế. Từ đây, luật sư khẳng định chính bà Thảo là người có đóng góp vai trò chính trong quá trình tạo lập, duy trì phát triển thương hiệu Trung Nguyên vào khối tài sản hai vợ chồng.
“Đó là lý do vì sao bà Thảo mong muốn được chia tỷ lệ tối thiểu 51% trong Công ty cổ phần đầu tư Trung Nguyên, để hai bên kiểm soát lẫn nhau và còn để chứng minh vai trò đóng góp ngang bằng, chính yếu… Phân chia tài sản theo nguyên tắc đảm bảo quyền lợi tương xứng hai vợ chồng. Không có chuyện đẩy bà Thảo ra khỏi. Ít nhất nên xem công sức bao nhiêu, chưa nói đến việc là đồng chủ sở hữu”, luật sư Hoài lập luận.
"Tuyến ở đây là tuyến cuối cùng"
Đáp lại phần trình bày của các luật sư phía bà Thảo, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đứng dậy, xin phép HĐXX cho mình nói. “Người vợ của tôi dữ dằn chứ không phải như luật sư nói”, ông Vũ bắt đầu, giọng mệt mỏi.
Ông cho rằng bà Thảo không chỉ làm tổn thương ông, gia đình ông mà còn cả gia đình của bà Thảo.
"Tôi chưa bao giờ đẩy các con tôi đi đâu, tôi tôn trọng sự bình yên của nó. Tôi có nói nếu bà Thảo không nuôi thì để cho tôi nuôi, đưa cho bà nội nuôi và cũng không cần chu cấp. Nhìn lại 20 năm, tôi đâu có quản lý tài sản gì… Một người phụ nữ dữ tợn”, ông hướng về phía vợ, gay gắt.
Rồi ông hỏi các luật sư đặt bản thân vào vị trí của ông thì có nói được những điều đang đẩy về phía ông hay không?
"Nói thì tôi không nói lại. Tuyến ở đây là tuyến cuối cùng”, ông Vũ nói với vợ tại tòa. Ảnh: Lê Quân.
“Công luận thì dễ, vợ chồng sống bằng cái lòng, chứ không phải mình nêu ra như cô. Cô đóng góp không ai phủ nhận nhưng nói cô là linh hồn của Trung Nguyên thì người ta cười cho”, ông Vũ trình bày.
Ông tiếp lời: "Trung Nguyên đến nay không có bà Thảo cũng đâu có sao". Ông chủ Trung Nguyên cho rằng không ai bắt vợ phải làm việc 16 tiếng như bà Thảo nói.
Lúc này, bà Thảo đứng dậy phản đối, đề nghị ông Vũ không được tiếp tục xúc phạm bà.
“Quyết định ly hôn với người này là điều sáng suốt”, bà nhấn mạnh trước tòa.
Bà nói suốt 20 năm qua bà không nói vì muốn giữ hình ảnh cho ông Vũ trước xã hội và với các con. "Bất kỳ một điều gì tôi sai thì phải nói tôi sai cái gì, tại sao sỉ nhục liên tục tôi như vậy trong 2 ngày qua? Tôi không chấp nhận”, bà Thảo không kìm được cảm xúc, lớn tiếng.
Ông Vũ chen ngang: “Đi hỏi bất kỳ người nào, cô sống thế nào với tất cả…”. Người vợ tiếp tục ngắt lời và cho biết trưa nay mẹ của bà rất tức giận, đòi lên tại tòa nhưng bà không cho.
“Nói thì tôi không nói lại. Tuyến ở đây là tuyến cuối cùng. Cô dùng quyền người vợ, dùng quyền chức vụ và quyền cổ đông là quyền cuối cùng để làm. Mình nhìn lại bản thân của mình để còn quay đầu”, ông Vũ lớn tiếng, hai bên kết thúc phần tranh cãi.
"Bỏ qua về với nhau được không? Không phải một sớm một chiều. Không phải ngồi ở đây. Hỏi người thân xung quanh cô. Cô phải sám hối”, ông Vũ nói và không đồng ý việc rút đơn ly hôn.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ cho rằng việc bà Thảo xin rút đơn và hòa giải không phải là tình cảm thật sự. Ông vẫn bảo lưu ly hôn, chấm dứt mối quan hệ vợ chồng.
Các bị cáo đều thành khẩn khai báo, xin hưởng khoan hồng. Đại diện VKS nêu quan điểm luận tội đề nghị mức án thấp bằng thời hạn tạm giam cho một bị cáo, ông Mai Tiến Dũng bị đề nghị án tù treo.