Theo hồ sơ, năm 2010, anh chị kết hôn khi cả hai đã bước qua cái tuổi lập gia thất bình thường (chị 43, anh 46). Nhà chị ở huyện Bình Chánh, còn nhà anh ở trung tâm quận 3 (TP.HCM).
Có con mới 'lộ'
Cưới nhau hai năm, gia đình hai bên ngóng trông mãi mà chị vẫn chưa cấn bầu. Nghe lời mẹ chồng, anh chị đi khám thì bác sĩ bảo tinh trùng anh yếu. Chị về bốc thuốc cho chồng uống. Rồi niềm vui đã đến, chị có thai. Nhưng kể từ lúc chị có thai cho tới lúc cháu bé được bốn tuổi là bằng từng đó thời gian họ không chăn gối. “Anh là đàn ông nhưng bản tính không thích phụ nữ. Cả xóm ai cũng biết” - chị kể.
Anh mở tiệm cắt tóc tại nhà và làm MC đám cưới nhưng chẳng phụ chị đồng nào mỗi lúc con ốm đau, nhập viện. Mà đỉnh điểm của bao ngày chị cố chịu đựng dẫn đến bùng nổ là một tối tháng 4/2016, khi anh đòi chị đưa cho anh 100 USD tiền lì xì của con. “Từ giờ phút này tôi xin ly hôn. Tôi chịu hết nổi rồi. Anh nói mình là đàn ông nhưng chính chị anh ấy đã làm chứng về giới tính của anh ấy rồi” - chị kể.
Người chị chồng ấy rất thương chị. Thấy vợ chồng em thường hay gây lộn ì xèo, chị chồng đành nói thật về “giới tính thật” của em trai. Cũng chính chị chồng đã đưa hai mẹ con chị ra cửa, mang dép cho thằng cháu nhỏ để chị đưa con về nhà mẹ ruột ở.
Chị từng cảnh báo chồng trước đây anh làm gì chị không cần biết nhưng từ giờ phải sống vì con: “Nếu ngày nào tôi phát hiện anh có người khác, tôi sẽ dắt con đi”. Và lần này chị đi thật.
Tòa phúc thẩm giao con cho mẹ
“Con người ảnh không phải là đàn ông thiệt. Đàn ông thiệt họ nói đâu ra đó đàng hoàng, không nói tới nói lui nên hai vợ chồng cứ cãi lộn nhau hoài. Tôi nói ảnh làm đơn ly hôn để còn giữ thể diện cho mình” - chị kể.
Anh nộp đơn ly hôn ra TAND huyện Bình Chánh. Tháng 7/2017, tòa này xử sơ thẩm. Anh chị đều thống nhất ly hôn nhưng ai cũng giành phần nuôi con mà không cần đối phương cấp dưỡng.
TAND huyện Bình Chánh nhận định cháu bé đã sinh ra và lớn lên ở quận 3. Cháu được bốn tuổi thì chị mới đưa con về huyện Bình Chánh, đến thời điểm tòa xử chỉ mới hơn một năm. Tòa còn viện dẫn chị đang mở cơ sở sản xuất keo tái chế, có nhiều công nhân gây ồn ào, sẽ ảnh hưởng đến môi trường sống và sinh hoạt của trẻ. Từ đó, tòa chấp nhận cho anh chị ly hôn nhưng giao cháu bé cho anh nuôi.
Chị kháng cáo yêu cầu cấp phúc thẩm giao quyền nuôi con cho mình. Tại phiên xử phúc thẩm của TAND TP.HCM, chị trình bày chị đồng ý ly hôn vì anh chỉ “mê trai” và trưng ra bằng chứng là những hình ảnh anh âu yếm trong tay người đàn ông khác... và cho rằng mình mới có điều kiện nuôi con tốt nhất. Tòa đã hoãn xử cho anh chị cung cấp thêm chứng cứ về các điều kiện nuôi con.
Ngày 9/4/2018, TAND TP.HCM mở lại phiên xử phúc thẩm. Anh da trắng, tóc nhuộm vàng, xăm chân mày, trông trẻ hơn so với tuổi 54. Đối lập là chị, dù bận chiếc váy đỏ nhưng không che được làn da ngăm đen và nét chân chất.
Anh chị đều yêu cầu tòa giao con cho mình nuôi. Cuối cùng, TAND TP.HCM đã đứng về phía chị, tuyên sửa án sơ thẩm, giao cháu bé cho chị nuôi. Bởi theo tòa, anh không cung cấp được chứng cứ chứng minh chị nuôi con không tốt. Trẻ con quá nhỏ nên rất cần sự chăm sóc của mẹ, do đó giao con chung cho chị nuôi là phù hợp với hoàn cảnh, không làm thay đổi môi trường sống của cháu bé.
“Vậy mà anh ấy giấu tôi”
Sau phiên tòa, chị nghe điện thoại và bỗng òa khóc ngon lành: “Bà hả, con thắng kiện rồi…”.
Chị lấy trong túi ra tấm ảnh hai người đàn ông cởi trần, đang âu yếm nhau đưa xem làm tôi giật mình. Chị bảo anh ấy như vậy mà giấu chị. Nếu ngay từ đầu anh nói sự thật cho chị biết thì đã không xảy ra chuyện hôm nay... Nắng chiều buông xuống, chị rạng rỡ xin ngừng chia sẻ để về đón con.