Một người vợ ở Trung Quốc quyết định ly dị vì sở thích câu cá của chồng. |
Theo lời Zhang, sở thích này không chỉ khiến bạn đời của cô bỏ bê vợ con mà anh ta còn suýt lỡ phiên tòa ly hôn, SCMP đưa tin.
Theo tờ đơn được đệ trình lên Tòa án Nhân dân huyện Cư Dã (tỉnh Sơn Đông), trong suốt 10 năm bên nhau, người chồng họ Sun dành toàn bộ thời gian rảnh rỗi để chạy theo thú vui trong khi vợ đảm đương mọi công việc nhà và chăm sóc con cái.
Quyết định của Zhang xuất phát từ nỗi thất vọng dành cho người chồng vô tâm. Vì mải mê câu cá với bạn bè, Sun còn quên mất thời gian xét xử và chỉ xuất hiện sau khi thẩm phán gọi điện nhắc nhở.
“Sáng nào tôi cũng dậy trước 6h để chuẩn bị bữa sáng. Tôi gửi hai đứa trẻ đến trường trước khi đi làm. Mỗi ngày, tôi phải rửa bát, dọn dẹp nhà cửa, đón con đi học và giúp chúng làm bài tập về nhà… Tôi hoàn toàn kiệt sức”, Zhang nói.
Tuy nhiên, chồng Zhang chỉ thức dậy sau khi vợ đã nấu xong đồ ăn sáng. Sau một ngày làm việc, Sun chỉ nằm trên ghế sofa và nghịch điện thoại di động. Dùng bữa xong, anh đi thẳng ra ngoài để câu cá và ở đó cả đêm.
Sun cũng đồng ý chấm dứt cuộc hôn nhân vì cảm thấy chán ngấy với những lời phàn nàn của vợ.
Câu cá là sở thích của phần lớn nam giới tại đất nước tỷ dân. Ảnh: SCMP. |
Zhang cho biết mọi nỗ lực của hai vợ chồng để giải quyết mâu thuẫn đều không có kết quả. Họ khăng khăng “đường ai nấy đi” sau khi cô liên tục yêu cầu anh dành nhiều thời gian hơn cho gia đình nhưng bị phớt lờ.
Thẩm phán Fu Honglian đã chấp nhận đơn ly hôn khi quá trình hòa giải không thành công.
“Câu cá không phải là điều xấu, nhưng cái gì cũng có giới hạn của nó. Khi đã kết hôn, bạn phải đảm nhận trách nhiệm làm chồng, làm vợ hoặc làm cha mẹ. Đừng đặt câu cá lên trước gia đình”, Fu chia sẻ.
Theo một cuộc khảo sát toàn quốc năm 2020 của Liên đoàn Phụ nữ Toàn Trung Quốc và Cục Thống kê Quốc gia, lao động nữ ở đất nước tỷ dân dành trung bình 154 phút mỗi ngày để đảm đương việc nhà và chăm sóc các thành viên khác, gần gấp đôi so với nam giới.
Năm ngoái, để cứu vãn các cuộc hôn nhân khỏi cảnh đổ vỡ, chính phủ xứ Trung đã công bố chính sách “30 ngày hòa giải”. Theo đó, các cặp vợ chồng có ý định chia tay sẽ cần trải qua một tháng cân nhắc trước khi cơ quan chức năng xử lý hồ sơ.
Một báo cáo của Viện nghiên cứu Evergrande thuộc Đại học Thanh Hoa đã cho thấy Trung Quốc đang chứng kiến tỷ lệ ly hôn gia tăng trong những thập kỷ gần đây, tăng từ 580.000 vào năm 1987 lên 3,73 triệu cặp vào năm 2020.
Thế nhưng, tỷ lệ kết hôn đã giảm từ 13,47 triệu xuống còn 8,13 triệu cặp. Trong 3 quý đầu năm 2022, chỉ có 5,45 triệu cặp đôi kết hôn, giảm 7,5% so với năm ngoái và là con số thấp nhất kể từ năm 2007.
Nhà có nhiều cột
Bình đẳng giới không phải là đưa phụ nữ ra khỏi nhà và đẩy đàn ông quay trở lại căn bếp. Xã hội nên là nơi mọi cá nhân được tôn trọng, tự do phát triển và đối xử bình đẳng bất kể thuộc giới tính nào. Mục Đời Sống giới thiệu tới độc giả cuốn Nghĩ bình đẳng, sống bình đẳng. Tác phẩm được hy vọng mang đến cho người đọc những nhận thức cơ bản về vấn đề bình đẳng giới và chất liệu cho các thảo luận về giới và thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam.