Mới đây, đoạn video ghi lại cảnh võ sư Nguyễn Xuân Vinh (Hà Nội) đánh vợ đang bế con nhỏ khiến nhiều người phẫn nộ. Bác sĩ Trần Vũ Quang, Bệnh viện Phụ Sản Trung ương (Hà Nội), chia sẻ về những ảnh hưởng mà phụ nữ có thể gặp phải trong trường hợp bị bạo hành.
Chồng bạo hành vợ mới sinh: Hành động mất nhân tính
Những hình ảnh trong video khiến tôi rất bức xúc và lo lắng cho người mẹ và em bé. Người chồng bạo hành vợ mình quá dã man với động tác hành hung mất nhân tính. Tôi được biết người học võ còn phải học đạo song hành nên không thể ngờ người đàn ông này lại hành động bạo lực với chính vợ của mình ngay trong giai đoạn sau sinh đầy khó khăn, vất vả. Lẽ thường, đây là thời điểm người vợ cần được chăm sóc, yêu thương nhất.
Người mẹ cùng em bé nhiều lần ngã dúi dụi xuống nền nhà nhưng người đàn ông không buông tha. Ảnh cắt từ clip. |
Người mẹ cùng em bé nhiều lần ngã dúi dụi xuống nền nhà nhưng anh ta không buông tha. Với một người phụ nữ khỏe mạnh bình thường, việc bị hành hung cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tinh thần của họ. Hơn thế, người vợ này mới sinh con, sức khỏe chưa hoàn toàn hồi phục và trên tay vẫn đang bế con nhỏ. Phụ nữ phải sống trong hoàn cảnh bị bạo lực, bị chồng bạo hành sẽ không khác gì "địa ngục trần gian".
Trước đây, tôi cũng từng gặp nhiều bệnh nhân bị bạo hành sau sinh đến bệnh viện thăm khám. Thậm chí, có trường hợp bệnh nhân đang mang thai đến kiểm tra vì sợ sẩy thai hay đẻ non. Họ thường lấy lý do ngã xe hoặc tai nạn sinh hoạt. Tuy nhiên, trong quá trình hỏi bệnh và thăm khám, một số sản phụ không giấu được cảm xúc đã chia sẻ thành thật với bác sĩ. Không ít người cố giấu kín đến cùng vì xấu hổ, bác sĩ chỉ phát hiện được khi người nhà kể và chính thái độ người chồng sẽ nói lên tất cả.
Phụ nữ đang mang thai và sau sinh ảnh hưởng như thế nào khi bị bạo hành?
Hành vi bạo lực phụ nữ đang mang thai và sau sinh sẽ gây tổn thương rất nặng nề. Đây là giai đoạn cơ thể và tinh thần người phụ nữ ở trạng thái yếu và dễ ảnh hưởng nhất.
Hình thức bạo lực như trường hợp trên nằm trong 4 nhóm bạo hành gia đình: bạo lực tinh thần, bạo lực thể chất, bạo lực kinh tế và bạo lực tình dục. Người vợ sẽ bị bạo lực tinh thần và thể chất khi:
- Lăng mạ, cố ý xúc phạm danh dự, nhân phẩm, cô lập, xua đuổi, gây áp lực thường xuyên về tâm lý dẫn đến hậu quả nghiêm trọng hoặc ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình.
- Kết hợp các hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc cố ý xâm hại đến sức khỏe, tính mạng.
Người phụ nữ sau sinh bị bạo hành sẽ rơi vào tình trạng nguy hiểm hơn bình thường do:
- Giai đoạn sau sinh, tinh thần người mẹ chưa ổn định, sẽ tăng nguy cơ xuất hiện bệnh lý trầm cảm. Người mẹ đang bị bệnh lý sẽ đẩy mạnh tình trạng trầm cảm, dễ dẫn đến hoang tưởng nặng và nguy cơ tử vong cao.
- Thể trạng sau sinh của người phụ nữ còn yếu. Đặc biệt, ngoài những chấn thương phần mềm và phần cứng mà ta trông thấy được, phụ nữ sau sinh dễ bị rách hay nhiễm trùng vị trí sẹo mổ đẻ hoặc sẹo khâu tầng sinh môn trong quá trình bạo lực dùng các dụng cụ sắc nhọn hay hoá chất bẩn.
- Sau sinh, cơ thể phụ nữ đang co hồi dạ con nên khi bị đạp, đánh mạnh vào bụng rất dễ gây ra tình trạng băng huyết. Tổ chức dạ con trong thời điểm này đang lỏng lẻo, mềm yếu.
- Trẻ nhỏ cũng rất dễ gặp nguy hiểm khi mẹ bị bạo hành. Mẹ bé luôn bên cạnh chăm sóc, ôm ấp nên khi bị bạo hành có thể gây chấn thương cho bé đi kèm. Việc rung lắc trẻ trên tay có thể gây chấn thương sọ não, ta chưa thấy được ngay lập tức.
- Mẹ bị bạo hành sẽ dễ stress, thiếu ngủ thường xuyên, dẫn đến mất hoặc giảm tiết sữa. Bên cạnh đó, chất lượng sữa mẹ cũng bị giảm theo do không được chăm sóc đầy đủ dinh dưỡng. Bé sẽ bị suy dinh dưỡng, chậm lớn hơn bình thường.