Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vỡ mộng khi đi du lịch mùa Tết

Tận dụng thời gian nghỉ Tết dài ngày, một số người trẻ lên kế hoạch đi du lịch cùng bạn bè, gia đình. Tuy nhiên, trải nghiệm du lịch mùa cao điểm không suôn sẻ như họ mong muốn.

Sau khi chúc Tết gia đình, họ hàng, Minh Tâm (Đồng Nai) và người bạn quyết định khởi hành đi chơi Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) vào sáng mùng 4/1 âm lịch.

Những tưởng sẽ được thoải mái tận hưởng kỳ nghỉ, tắm biển và thăm thú các địa điểm nổi tiếng, anh lại phải lắc đầu ngán ngẩm vì đi đâu cũng gặp cảnh kẹt xe, dòng người tấp nập, mất cả tiếng đồng hồ tìm chỗ ăn uống.

Đông đúc

Minh Tâm xuất phát từ Biên Hòa (Đồng Nai). Tuy nhiên, phải mất hơn 3,5 tiếng đồng hồ anh mới đi hết quãng đường 85 km. Bình thường, thời gian di chuyển chỉ chừng 2,5 tiếng. "Đường đi xảy ra tình trạng ùn ứ kéo dài, có đoạn xe cộ nhích từng chút, kẹt tới 3 km", anh Tâm nói.

Nam du khách chọn Vũng Tàu vì gần nơi mình sinh sống: "Tôi không nghĩ dòng người quá tải đến vậy. Đường sá kẹt xe, hầu như các quán ăn, cà phê đều chật kín, không nhận thêm khách. Trước chuyến đi, tôi đã lên danh sách hàng quán nhưng buổi tối đầu tiên vẫn không thể tìm ra một địa chỉ ăn uống phù hợp".

Lòng vòng hơn một tiếng đồng hồ, chàng trai Đồng Nai đành đến khu chợ ẩm thực đêm để ăn tối. Tuy nhiên, lúc này, giá bị đội lên khá cao, đồ ăn cũng không ngon như mong đợi.

du lich mua Tet anh 1

Dòng người ken đặc tại trung tâm thành phố Vũng Tàu. Ảnh: Minh Tâm.

Không chỉ ở Vũng Tàu, tình trạng đông đúc cũng diễn ra tại nhiều tỉnh thành, điểm du lịch nổi tiếng khác như Sa Pa (Lào Cai), núi Bà Đen (Tây Ninh), Đà Lạt (Lâm Đồng), Phú Quốc (Kiên Giang)...

Chờ đợi

Có cơ hội đi chơi xa cùng nhau, nhóm bạn thời cấp 3 muốn cùng chinh phục, cắm trại trên đỉnh núi Bà Đen (Tây Ninh). "Đến đoạn ngã tư rẽ vào núi, nhiều ôtô lớn nhỏ bị kẹt lại. Chúng tôi đi xe máy nên có thể luồn lách, vượt qua dễ dàng hơn một chút. Song đến nơi, tôi phải đi xa tìm chỗ giữ xe vì bãi kín chỗ", anh Thanh Vịnh (TP.HCM) chia sẻ.

Giữa trưa, hòa trong dòng người tấp nập, đông đúc tại ga cáp treo lên đỉnh núi, Thanh Vịnh được thông báo phải chờ thêm 1-2 tiếng đồng hồ mới mua được vé với giá 220.000 đồng/khứ hồi/người.

Trả lời câu hỏi có hối hận khi đi du lịch mùa cao điểm không, du khách cho rằng đây là trải nghiệm đáng giá trong kỳ nghỉ Tết năm nay của mình. "Tất nhiên, từ kinh nghiệm lần này, tôi sẽ cẩn thận hơn trong việc chọn địa điểm, né dịp lễ, Tết để đỡ phải chen lấn, chờ đợi như năm nay", anh cho biết.

Du khách xếp hàng chờ đợi ở lối vào ga cáp treo núi Bà Đen. Ảnh: Azid Giau.

Lên kế hoạch rõ ràng và chọn thời điểm phù hợp

Để tránh những trải nghiệm không vui tại điểm du lịch, ông Lê Bá Việt, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin thành phố Vũng Tàu, khuyên du khách nên lên kế hoạch cụ thể trước chuyến đi từ việc tìm kiếm nơi lưu trú đến địa điểm ăn uống phù hợp. Ngoài ra, ông Việt cũng cho rằng việc chọn thời điểm du lịch rất quan trọng nếu bạn muốn tránh cảnh đông đúc, quá tải.

Nhờ lên kế hoạch sớm, anh Minh Tâm không phải lo lắng về nơi nghỉ ngơi: "Tôi may mắn đặt được phòng ở một khách sạn trung tâm với giá 1,5 triệu đồng/đêm. Mức phí này khá hợp lý trong ngày lễ vì vị trí khách sạn gần biển. Nhiều gia đình không kịp đặt phòng đành phải ngủ trên xe hoặc trải bạt ngoài công viên rất khổ".

Thay vì đến các khu check-in đông đúc, Kim Khánh (TP.HCM) lại chọn trải nghiệm riêng tư, tận hưởng kỳ nghỉ đúng nghĩa trong mùa Tết. Nữ du khách nói với Zing đã lường trước việc quá tải khi đi du lịch mùa này nên không có gì quá bất ngờ.

"12 thành viên trong gia đình tôi xuất phát từ TP.HCM vào mùng 3. Không thoát cảnh kẹt xe nhưng tâm lý ai cũng thoải mái khi đi chơi Tết. Đến nơi, chúng tôi nghỉ ngơi và sinh hoạt trong villa riêng tư, tiện nghi, thỉnh thoảng đi ăn, uống cà phê bên ngoài nên vẫn rất vui và an toàn", cô cho biết.

Một số du khách may mắn chọn lịch trình du lịch tại các điểm đến vắng vẻ, yên tĩnh hơn. Linh Linh (Ninh Thuận) chia sẻ trên mạng xã hội hình ảnh check-in tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) và Quảng Ngãi.

"Dịp Tết mọi khi, tôi hay ở nhà, thỉnh thoảng đi chùa, gặp gỡ bạn bè. Tuy nhiên, cả năm nay do dịch bệnh, tôi chưa có cơ hội đi. Tôi tranh thủ du lịch kết hợp thăm họ hàng cùng ba mẹ và em trai ở hai tỉnh Nam Trung Bộ", Linh chia sẻ.

Cả gia đình xuất phát vào ngày mồng 2 Tết. Trái ngược với tình trạng kẹt, ùn ứ trên đường đi Vũng Tàu, Đà Lạt, Sa Pa, cung miền Trung nhiều cảnh đẹp và rất ít xe cộ.

Linh dừng chân nghỉ ngơi, chụp một vài hình ảnh kỷ niệm tại công viên Quy Nhơn. Cô cho rằng khung cảnh ở đây đẹp với biển trong, nắng nhẹ và khá yên tĩnh.

Gia đình nữ du khách dễ dàng thuê phòng và nghỉ dưỡng tại một resort ở Quảng Ngãi trước khi kết thúc hành trình 4 ngày 3 đêm. "Với tôi, chuyến đi đầu năm này rất ý nghĩa, một phần vì lâu rồi mới thấy lại cảm giác đi chơi xa, một phần vì đồng hành cùng tôi là gia đình".

Khách đến Đà Lạt tăng 139% so với năm ngoái

Gần 70.000 du khách đến Đà Lạt trong đợt Tết Nguyên đán. Nhiều nơi ghi nhận tình trạng kẹt xe, hàng quán kín chỗ ngồi.

Xe nối đuôi đi Đà Lạt, khách chen chúc ở bãi biển Vũng Tàu dịp Tết

Loạt điểm đến nổi tiếng như Đà Lạt (Lâm Đồng), Phú Quốc (Kiên Giang), Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu)... rơi vào tình trạng đông đúc, quá tải du khách trong kỳ nghỉ Tết Âm lịch.

Hơn 51.000 lượt khách tham quan, tắm biển Vũng Tàu dịp Tết

Từ ngày 31/1 đến 3/2, lượng khách tắm biển Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) tăng 149% so với cùng kỳ năm ngoái. Công tác an ninh trật tự, bình ổn giá... được đảm bảo.

Thảo Ly

Bạn có thể quan tâm