Zing tổng hợp bài đăng BBC, New York Times và Forbes, đề cập đến vấn nạn tin giả gây thiệt hại không nhỏ cho nhiều quốc gia và người bệnh giữa mùa dịch.
Brian Lee Hitchens, một tài xế taxi ở Florida (Mỹ), luôn tin rằng Covid-19 chỉ là “một trò bịp bợm” cho tới khi vợ anh, Erin Hitchens, qua đời vì chính căn bệnh này.
Trước đó, hai vợ chồng đều là nạn nhân của những tin giả liên quan đến virus corona. Do đó, họ không tuân theo các khuyến nghị về sức khỏe của chính quyền như đeo khẩu trang hay thực hiện giãn cách xã hội. Thậm chí, họ không màng tới bệnh viện khi xuất hiện triệu chứng bệnh hồi đầu tháng 5.
Đến khi nhập viện vì bệnh diễn biến xấu, Brian mới nhận ra sai lầm của mình. Ảnh: NBC News. |
Brian đã may mắn bình phục nhưng người vợ 46 tuổi của anh thì không. Vốn có bệnh nền là hen suyễn và rối loạn giấc ngủ, Erin trở bệnh nặng hơn và phải đặt máy thở. Khi đó, anh mới tỉnh ngộ và nhận ra rằng dịch bệnh là có thật. Tiếc thay, vợ anh qua đời sau gần 3 tháng chiến đấu với Covid-19.
Người tài xế này ước rằng ngay từ đầu bản thân không nên hồ đồ như vậy và hy vọng Erin sẽ tha thứ cho anh.
“Vợ tôi sẽ không còn phải chịu đau đớn nữa. Chắc chắn tôi sẽ nhớ cô ấy nhiều nhưng tôi biết Erin đang ở một nơi tốt đẹp hơn. Đây là loại virus thực sự ảnh hưởng đến cộng đồng. Giờ tôi cũng không thể thay đổi quá khứ. Tôi chỉ có thể sống vì hiện tại và cố gắng đưa ra những lựa chọn sáng suốt hơn trong tương lai”, anh nói với BBC.
Brian cho biết hai vợ chồng chưa từng tin vào Covid-19. Thay vào đó, họ đồng tình với những “thuyết âm mưu” trên Internet, cho rằng sóng 5G là thứ sản sinh ra virus corona hoặc dịch bệnh này không hề nghiêm trọng.
Brian và Erin Hitchens. |
Tuy nhiên, sau khi nằm viện vì dương tính với Covid-19, Brian thay đổi lập trường hoàn toàn. Anh sử dụng mạng xã hội nhằm khẳng định dịch bệnh là có thật, đồng thời cảnh báo mọi người về những tin tức giả liên quan đến virus corona.
“Xin hãy sử dụng sự khôn ngoan của mình và đừng dại dột như vợ chồng tôi. Nếu không, điều tương tự sẽ xảy đến với các bạn như những gì tôi và Erin đang phải đối mặt hàng ngày”, anh viết.
Vấn nạn tin giả gây nhức nhối
Cặp vợ chồng ở Florida này không phải là những nạn nhân hiếm hoi của tin giả. Kể từ khi đại dịch bùng phát hồi đầu năm, nạn tin giả hoành hành trên khắp các trang mạng xã hội, không chỉ gây hoang mang cho người đọc mà còn để lại những hậu quả đáng tiếc.
Kết quả nghiên cứu của Avaaz, một tổ chức hoạt động xã hội trực tuyến, cho thấy các website lan truyền tin giả đã nhận được gần nửa tỷ lượt xem từ Facebook chỉ trong tháng 4. Riêng một bài viết khẳng định rượu có độ cồn cao có thể diệt virus đã dẫn tới khoảng 800 cái chết, 5.876 người nhập viện và 60 người bị mù vĩnh viễn.
Một nghiên cứu khác, đăng tải trên Tạp chí bệnh nhiệt đới Mỹ, cho biết mạng xã hội ở 87 quốc gia có tới hơn 2.000 bản tin về virus corona, trong đó hơn 1.800 tin là giả.
Tin giả gây ra nhiều tác hại khó lường trong mùa dịch. Ảnh: WSJ. |
"Ở Ấn Độ, 12 người, trong đó có 5 trẻ em, đã bệnh nặng sau khi uống rượu làm từ lá độc Datura để chữa Covid-19. Nạn nhân được cho là đã xem một video trên mạng xã hội, trong đó khẳng định lá Datura giúp phòng Covid-19", báo cáo nghiên cứu cho biết.
Thậm chí, một bộ phận người dân Ấn Độ khẳng định rằng tiếng vỗ tay của các nhân viên y tế, do Thủ tướng Narendra Modi sắp xếp, đã tạo ra sóng âm đẩy lùi virus corona, và một vệ tinh sinh học đã xác nhận điều này.
Tại Bangladesh, một số giáo sĩ tuyên bố người Hồi giáo sẽ không bị ảnh hưởng bởi virus corona và hô hào cuộc tập trung lên tới 10.000 người để tham gia cầu nguyện, bất chấp nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Tháng trước, một số người Mỹ đã đăng tải video, hình ảnh về chiếc khẩu trang y tế và cho rằng phần thanh kim loại phía trên có thể theo dõi hoặc làm người mang bị bệnh.
“Hãy cẩn thận với những chiếc khẩu trang y tế. Làm ơn hãy dừng lại. Ăng-ten 5G bên trong khẩu trang và bạn đang tự giết chính bản thân mình”, tài khoản Krissy Gale Dixon đăng tải bài viết kèm video khẩu trang bị rách.
Cột sóng 5G trở thành "nạn nhân" của tin giả. Ảnh: Sky News. |
Theo Tracy Edwards, nhà vật lý hạt nhân, thông tin này hoàn toàn sai và không dựa trên bất kỳ bằng chứng khoa học nào. Công nghệ 5G không thể được gắn trên khẩu trang y tế và nó cũng không gây ung thư.
Trên thực tế, phần kim loại có tác dụng uốn quanh sống mũi để giúp khẩu trang vừa vặn với từng khuôn mặt khác nhau và bảo vệ tốt hơn cho người sử dụng.
Tuy nhiên, số lượng người tin vào giả thuyết các trụ phát sóng di động, đặc biệt là trụ phát 5G, làm phát tán virus ngày càng nhiều.
New York Times tìm thấy ít nhất 487 cộng đồng Facebook, 84 tài khoản Instagram, 52 tài khoản Twitter và hàng trăm bài đăng, video thúc đẩy giả thuyết này. Đó được cho là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các cuộc tấn công, phá hoại trụ phát sóng di động tại Anh và một số quốc gia.