Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vô sinh do teo tinh hoàn vì bệnh quai bị

Trong các trường hợp vô sinh ở nam giới, có một số đối tượng bị biến chứng teo tinh hoàn do mắc bệnh quai bị trong thời gian còn trẻ.

Trong các trường hợp vô sinh ở nam giới, có một số đối tượng bị biến chứng teo tinh hoàn do mắc bệnh quai bị trong thời gian còn trẻ. Hậu quả để lại là bệnh nhân khó có thể có con khi lập gia đình ở tuổi trưởng thành. Phòng bệnh tốt nhất là tiêm phòng vắc-xin quai bị cùng với một số bệnh khác như: sởi, rubella trong loại vắc-xin phối hợp.

Quai bị là một bệnh nhiễm trùng cấp tính gây nên do bệnh nhân bị lây nhiễm virút quai bị thuộc họ paramyxovirus từ người bệnh. Bệnh thường gặp ở lứa tuổi trẻ nhất là từ 5 - 9 tuổi; ở tuổi thiếu niên và người lớn thì tỉ lệ mắc bệnh này có thể chiếm khoảng 15%. Bệnh lây nhiễm bằng nước bọt của bệnh nhân có mang mầm bệnh phát tán qua đường hô hấp xâm nhập vào người lành. Thời gian ủ bệnh có thể từ 12 - 25 ngày. Trước khi viêm tuyến mang tai 6 ngày và kéo dài đến 9 ngày sau khi viêm tuyến mang tai, virút quai bị xâm nhập vào các tuyến ngoại tiết và màng não. Bệnh cảnh lâm sàng được ghi nhận với các triệu chứng thường là sưng đau tuyến nước bọt, đặc biệt là tuyến nước bọt mang tai. 

Bệnh quai bị gây viêm tuyến mang tai.

Bệnh quai bị gây viêm tuyến mang tai.

Lúc khởi đầu, tuyến mang tai bị sưng đau một bên, sau đó có khả năng lan sang bên tuyến còn lại. Một số trường hợp có thể xuất hiện triệu chứng viêm tinh hoàn với tỉ lệ chiếm khoảng 20% hoặc bị viêm màng não nước trong. Các biểu hiện triệu chứng lâm sàng khác hiếm gặp hơn bao gồm: bệnh lý viêm tuyến tụy tạng, viêm buồng trứng, viêm gan, viêm cơ tim, viêm tuyến giáp trạng... Các biến chứng nặng do bệnh quai bị cũng hiếm khi xảy ra nhưng khi đã xảy ra thì dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như điếc hoặc teo tinh hoàn gây vô sinh ở nam giới khi lập gia đình.

Để phòng bệnh quai bị, theo khuyến cáo của các nhà khoa học tốt nhất là nên tiêm phòng vắc-xin. Thực tế vắc-xin quai bị thường được sản xuất kết hợp với vắc-xin phòng bệnh sởi và bệnh rubella. Có hai loại vắc-xin phối hợp phòng bệnh sởi, quai bị, rubella được sử dụng phổ biến là vắc-xin MMR II, vắc-xin Trimovax; chúng đều có tác dụng bảo vệ trên 10 năm và 11 năm. Việc sử dụng các loại vắc-xin này phải được bác sĩ chuyên khoa chỉ định, tư vấn và hướng dẫn.

Khi khảo sát các đối tượng nam giới vô sinh, một số trường hợp ghi nhận có tiền sử bị mắc bệnh quai bị hồi còn trẻ dẫn đến biến chứng viêm tinh hoàn được cha mẹ hoặc người nhà cung cấp mới rõ nguyên nhân. Vì vậy, cần quan tâm việc tiêm phòng vắc-xin quai bị cho trẻ em để chủ động ngăn ngừa hậu quả vô sinh sau này do biến chứng của bệnh gây nên.

http://suckhoedoisong.vn/tinh-yeu-va-gioi-tinh/vo-sinh-do-teo-tinh-hoan-vi-benh-quai-bi-20141118212040632.htm

Theo TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh/ Sức khỏe đời sống

Bạn có thể quan tâm