Một ngày mới của chị Min (tên thật Nguyễn Thị Miên, 28 tuổi), hiện sống ở thị trấn Eppstein, vùng ngoại ô nước Đức, bắt đầu với việc cho đàn gà ăn và nhặt trứng.
Sau đó, chị ra vườn tưới nước cho rau rồi mang một chút vào nấu bữa trưa cho con trai 2 tuổi. Ăn uống và dọn dẹp xong xuôi, người mẹ trẻ bế con ra vườn làm việc đến chiều.
Khi chồng chị Min đi làm về, bữa tối nóng sốt đã sẵn sàng. Cả nhà quây quần bên nhau cho đến 22h.
Sau khi chồng và con đi ngủ, chị Min tranh thủ dựng video quay trong vườn hồi chiều để chia sẻ lên kênh cá nhân.
“Mình sinh ra ở Hải Dương, lớn lên tại TP.HCM và từng làm kế toán trước khi sang Đức du học. Trước đây, vợ chồng mình sống ở Frankfurt. Sau khi sinh con, vợ chồng mình quyết định chuyển nhà về vùng ngoại ô. Chồng hàng ngày lái xe 100 km đi làm ở thành phố, còn mình ở nhà trông con, chăm sóc vườn tược. Cuộc sống nhẹ nhàng trôi qua như chính sự bình yên của làng quê này”, chị Min nói với Zing.
Chị Min cùng chồng và con trai nhỏ rời thành phố về ngoại ô sống trong dịch. |
Bỏ phố về quê
Khi đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh vào đầu năm 2020, công việc của vợ chồng chị Min bị ảnh hưởng nhiều.
Là thành phố tài chính lớn của châu Âu, giá nhà thuê ở Frankfurt khá đắt đỏ, cộng thêm chi phí sinh hoạt rất cao. Bởi vậy, gia đình chị Min có ý định tìm nhà xa trung tâm để giảm bớt gánh nặng.
Bên cạnh đó, Đức có chương trình thử nghiệm hỗ trợ mua nhà cho gia đình có trẻ nhỏ 12.000 euro trong vòng 10 năm. Nên khi biết mang thai, chị Min và ông xã bắt đầu tìm nhà.
“Giá nhà ở Đức không hề rẻ, chồng mình cũng phải đi làm trong thành phố nên khi ấy chưa quyết định mua ở đâu. Mình ước mơ sau này về già sẽ mua căn nhà nhỏ ở ngoại ô, rồi làm vườn hoa thật đẹp, nuôi thêm gà và trồng thêm rau. Nhưng khi còn trẻ phải ở thành phố cố gắng làm việc chăm chỉ để tích cóp tiền”, chị nói.
Bước ngoặt đến với gia đình nhỏ khi chị Min sinh con đầu lòng.
Sự ra đời của con trai là bước ngoặt để vợ chồng chị Min quyết tâm chuyển về ngoại ô sống. |
Chị thuộc ca sinh khó, đau hơn 40 tiếng vẫn chưa sinh được. Bác sĩ nói tim thai nhi yếu nên phải mổ bắt con.
Trước tình hình nguy cấp, chồng chị Min bật khóc ngoài phòng cấp cứu.
Khi đó, chị Min tự hỏi: “Nếu bây giờ chết thật, vậy mình đã sống, đã làm được gì suốt gần 30 năm qua?”.
Câu trả lời là cuộc sống của chị như được lập trình sẵn: nhỏ đi học, lớn lên đi làm, việc chọn ngành nghề gì cũng bị tác động từ người khác.
“Giờ mà được sống lần nữa, mình sẽ sống theo cách bản thân thực sự mong muốn”, chị tự nhủ.
May mắn, chị Min vượt cạn thành công.
Khi còn chút đắn đo về việc từ bỏ tất cả để rời phố về quê sống, chị được chồng động viên. Sau đó, gia đình nhỏ mua nông trại cũ, cách thành phố 100 km.
Nông trại rộng 8.860 m2, có diện tích mặt sàn nhà ở khoảng 700 m2. Nơi này gồm dãy nhà gỗ 3 tầng cùng nhà kho rộng lớn; chuồng bò, ngựa, heo, gà; khu nhà trồng nấm; nhà để củi; nhà để nông sản sau khi thu hoạch.
Ngoài ra, nông trại được bao bọc bởi hàng chục cây mơ, mận và nhiều gốc táo, lê hơn 30 năm tuổi.
Khung cảnh yên bình ở nông trại của nhà chị Min với cây cối xanh tốt, các gốc táo hơn 30 năm tuổi. |
“Đây là nơi đúng như mong ước của vợ chồng mình. Mặt tiền giáp thị trấn, sau là đồi núi, đồng cỏ, đất vườn bao la. Không chỉ gần các tiện ích như siêu thị, bệnh viện, trường học, xung quanh nhà cũng có sông, núi để gia đình có thể vui chơi, thư giãn”, chị Min mô tả.
Khu vườn trên núi
Nhà chị Min ở trên núi, thời tiết khá lạnh, cộng thêm có con nhỏ nên chị phải đợi đến khi trời ấm áp mới đưa con theo làm vườn.
Đầu tháng 6, người mẹ trẻ bắt tay vào cải tạo mảnh đất 70 m2 trong 7 ngày để kịp mùa vụ.
Chị nhổ cỏ, cắt bỏ cây ăn trái già yếu, cằn cỗi rồi làm đất, rải phân. Tiếp đó, chị làm hàng rào và giàn cho bầu bí leo, sau cùng là gieo hạt giống, trồng cây con.
Nhằm phục vụ bữa ăn cho gia đình, chị Min trồng nhiều loại rau, củ như cà rốt, củ cải, khoai tây, su hào, bắp cải, dưa leo, bắp, khoai lang, cải kale, muống, cần nước, khổ qua… cùng một số rau gia vị phổ biến như hành tây, hành lá, tỏi, rau quế, rau húng Tây, bạc hà, tía tô.
Ngoài ra, chị trồng thêm các loại hoa như súng, sen, sen cạn, bất tử, cúc, thược dược, huệ, ly, tulip, hồng, đồng tiền, hướng dương.
Theo chị Min, khó khăn lớn nhất khi chăm vườn là thời tiết.
Chị Min tự tay cải tạo mảnh đất 70 m2 của gia đình thành khu vườn trồng hoa trái, rau củ. |
Thời gian đầu, chị phải xách nước 2 lần/ngày để tưới cho cây. Sau đó một tuần, thương vợ vất vả, chồng chị mua máy bơm nước dẫn đến tận vườn.
Tháng đầu tiên, rau, củ phát triển rất tốt. Nhưng năm nay, Đức mưa bão nhiều, khu nhà chị Min mưa 4-5 ngày/tuần nên cây cối bị úng nhiều.
“Ở trên núi, trời lạnh lâu mà hè nắng nóng chẳng được mấy tuần. Bởi vậy, cây cối xứ lạnh phát triển được, còn rau, củ Việt Nam phát triển rất chậm. Nhất là mấy ngày lạnh đột ngột xuống -1 độ C, rau, củ, quả chết hết. Từ lúc trồng đến khi thu hoạch chỉ vỏn vẹn 3 tháng. Sau đó, đến đầu mùa thu là mình phải dọn vườn”, chị kể.
Tuy số lượng rau, củ thu hoạch được không quá nhiều, gia đình chị Min không phải mua thêm bên ngoài từ hè cho đến đông. Chị còn mang tặng gia đình chồng.
Mới về đây sống hơn một năm, vợ chồng chị Min chưa quy hoạch và sửa sang lại nhà cửa, vườn tược. Từ năm sau, hai người hy vọng phủ xanh khu vườn, thay thảm cỏ bằng những vạt hoa.
Các loại hoa, rau, củ, quả được chị Min tự tay trồng trong vườn nhà. |
Không hối hận
Từ khi rời phố về quê, gia đình chị Min được sống hòa mình với thiên nhiên. Con trai chị được tự tay trồng cây, chăm gà, vịt. Trái cây luôn có sẵn, rau xanh hái ngoài vườn.
“Mùa xuân hoa nở khắp nơi, mình chỉ cần ra đầu ngõ là không khác gì đi du lịch cả. Mùa hè thì tha hồ lang thang tìm rau, quả dại trên đồi. Mùa thu thì đi hái nấm, nhặt hạt dẻ trong rừng. Mùa đông tuyết rơi trắng xóa, đủ dày để gia đình mình trượt tuyết ngay trên đồi sau nhà”, chị kể.
Nhờ vị trí nhà ở thuận lợi, gia đình chị Min không gặp khó khăn gì trong sinh hoạt. Tuy nhiên, khi muốn ra ngoài, nhà chị đều phải lái xe đi vì phương tiện giao thông công cộng ngừng hoạt động sau 19h.
Bên cạnh đó, nhiệt độ trên núi lạnh hơn dưới thành phố khiến việc trồng trọt, chăn nuôi khá vất vả. Xung quanh nhà không có cửa hàng bán rau châu Á nên khi thèm ăn rau Việt, chị Min phải vào thành phố mua về.
“Chỉ tội cho chồng mình phải dậy từ sớm, mất 60 phút chạy 100 km vào thành phố đi làm. Tan sở, anh lại lái xe về nhà khi đã tối muộn. Thỉnh thoảng, mình hỏi chồng có hối hận khi quyết định về ngoại ô sống không, anh lắc đầu nói ‘Chỉ cần em và con sống hạnh phúc, vui vẻ thì anh hàng ngày chạy xe vào thành phố làm việc cũng không có gì vất vả’”, người vợ trẻ kể.
Con trai chị Min được sống hòa mình với thiên nhiên từ nhỏ. Hàng ngày, cậu bé đã biết giúp mẹ hái rau, nhặt trứng trong vườn. |
Theo lời chị Min, khi dịch Covid-19 ở Đức kéo dài, mọi người hạn chế ra đường, tránh tiếp xúc, gặp gỡ nhau. Vì vậy, nhiều nông trại không thuê được nhân công để thu hoạch nông sản khiến giá lương thực, thực phẩm tăng cao, đặc biệt là rau, củ, quả tươi.
Nhờ có khu vườn trên núi, gia đình chị Min không lo thiếu thực phẩm sạch, giảm thiểu chi phí sinh hoạt, trong khi chị được thỏa đam mê trồng trọt, con trai có không gian vui chơi.
Khi “bỏ phố về quê”, sống thân thiện với môi trường đang là xu hướng toàn cầu, ở Đức cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, theo chị Min, trước khi quyết định, mọi người nên suy nghĩ thật kỹ và tự trả lời các câu hỏi.
Bạn có thật sự muốn về quê không? Hay chỉ theo phong trào mà không biết bản thân thực sự muốn gì?
Bạn có yêu thiên nhiên, cây cối không? Bạn có thể trồng cây, làm vườn cả một thời gian dài mà không chán nản không?
Bạn có sợ khi ở nơi đồng không mông quạnh, không một bóng người không?
Bạn có dám từ bỏ mọi tiện ích nơi thành thị để về với rừng núi đơn sơ, thiếu thốn không?
Bạn có dám từ bỏ công việc ổn định, lương cao hiện tại để bắt đầu cuộc sống bấp bênh, chưa biết tương lai như thế nào không?
Bạn có dự định gì khi về quê sống? Bạn sẽ làm gì để nuôi sống gia đình hay tối thiểu là bản thân?
Bạn có thật sự hạnh phúc khi về quê sống, hay bạn đang lảng tránh áp lực công việc hiện tại?
Chị Min đã mạnh dạn trả lời “có” cho 6/7 câu hỏi trên ngay khi nghĩ đến.
Theo chị Min, mọi người nên suy nghĩ trước khi bỏ phố về quê thay vì quyết định nóng vội, theo phong trào. |
“Mỗi người điều có định nghĩa thành công riêng. Đừng để khuôn khổ của người khác là quy chuẩn chung buộc chúng ta phải đạt được. Con cá không thể nào leo cây và con khỉ không thể sống dưới nước. Nếu sống đúng môi trường, chúng tự nhiên sẽ giỏi. Đừng cảm thấy mình vô dụng, hãy đứng lên và tìm nơi các bạn thuộc về”, chị Min nhắn nhủ.