Bấy lâu nay người ta vẫn ấn định, tiêu chí để chơi thứ bóng đá đẹp mắt phải dựa trên kiểm soát bóng. Nó thậm chí được đặt vào vị trí thiêng liêng trong bóng đá khi được phổ biến bởi Johan Cruyff. Đặc biệt trong những năm Barcelona thống trị thế giới bằng lối đá tiqui-taca, kiểm soát bóng trở thành chuẩn mực, là phương pháp dẫn đến thành công. Đó là mối quan hệ tuyến tính rất đơn giản: Kiểm soát bóng - ghi bàn - chiến thắng - danh hiệu.
Quan niệm cổ hủ
Vì vậy, theo chiều ngược lại, những đội nào sở hữu bóng ít hơn, chơi phòng thủ ngay lập tức bị cáo buộc là xấu xí, phản bóng đá, kẻ giết chết cái đẹp. Ngoại trừ người ủng hộ của CLB đó, hầu hết đều xếp họ vào vai phản diện. Một quan niệm tai hại hình thành: Các đội tốt thì giữ bóng, kẻ xấu thì không.
Atletico bị coi là những kẻ chống lại bóng đá. |
Với nhân vật chính diện - ngay cả khi thất bại - vẫn được tôn vinh và cho rằng mình rời cuộc chơi trong tư thế ngẩng cao đầu. “Khi chơi với cấp độ như thế này, bạn phải rất tự hào”, Pep Guardiola nói sau khi Bayern bị loại ở bán kết Champions League.
Đó là một đêm mà đội bóng của ông giữ bóng tới 69,1%, thực hiện 33 cú sút và 652 đường chuyền, trong đó 33 tình huống có thể dẫn tới bàn thắng. Ở lượt đi, Bayern còn làm tốt hơn thế khi kiểm soát 70,7% và tiến hành 707 giao thức chuyền bóng.
Thế nhưng điều đó có nghĩa lý gì khi chiến thắng thuộc về Atletico, đội chỉ giữ bóng trung bình cả hai lượt trận là 30% và 152 đường chuyền chính xác mỗi trận? Trong 3 năm qua, Bayern vượt qua Barca để trở thành đội cầm bóng nhiều nhất châu Âu nhưng cũng ngần ấy năm, họ luôn gục ngã trước thềm chung kết. Vậy, sở hữu bóng có thực sự là chìa khóa thành công?
Trong khi Bayern tự hào với bóng đá hấp dẫn đã thất bại. |
Có thể nói, sở hữu bóng là một sản phẩm phụ của những đội bóng tốt, chứ không phải là tiêu chí xác định tính ưu việt trong bóng đá. Ngay cả trong một vài trường hợp, đội cầm bóng nhiều cũng không đồng nghĩa với việc họ đang chơi thứ bóng đá hấp dẫn và giải trí cao. Cuối cùng, đó chỉ là một trong rất nhiều cách để tiến hành một trận đấu.
Không có kẻ xấu, chỉ có kẻ chiến thắng
Bạn thấy đấy, 4 cái tên vô địch về giữ bóng ở châu Âu, gồm Bayern (66,6%), Barca (64,9%), PSG (60,7%) và MU (58,9%) đều bị loại. Ngược lại, Atletico (47,5%) lại là đội bóng sẽ xuất hiện tại San Siro vào ngày 28/5 tới. Không chỉ cầm bóng rất ít, họ cũng luôn chơi với một đội hình thấp, khiến đối thủ không có cơ hội để việt vị. Trung bình, phe đối lập chỉ việt vị 1,8 lần/trận mỗi khi chạm trán Atletico, ít thứ 24/32 đội tham dự Champions League.
Không chỉ Atletico, Leicester cũng là một đội bóng hạnh phúc khi không có bóng trong chân. Họ là đội bóng đầu tiên chơi phản công lên ngôi ở Premier League (thực hiện gần 250 pha phản công từ đầu mùa) và chỉ giữ bóng 45% mỗi trận, ít nhất so với tất cả những nhà vô địch trước đó (Chelsea mùa 2004/05 cũng cầm bóng 55,4%).
Leicester đăng quang dù chỉ cầm bóng 45% mỗi trận. |
Liệu có ai đó lên án lối chơi của Leicester, hay chỉ dành cho họ sự ngợi ca? Họ, Atletico và Leicester chắc chắn chống lại một thứ gì đó, nhưng không phải bóng đá.
Cả hai chống lại các quan niệm cổ hủ tồn tại bấy lâu và chấm dứt cuộc tranh luận kéo dài giữa bóng đá nghệ thuật và bóng đá thực dụng, giữa cái đẹp và kẻ xấu, giữa chính diện và phản diện. Nên nhớ rằng chơi phòng ngự cũng là một nghệ thuật xây dựng chiến lược, với suy nghĩ làm thế nào để ngăn chặn bàn thua, vô hiệu hóa các mối đe dọa và tìm kiếm những kẻ hỡ nhỏ nhất để lách vào nhát kiếm kết liễu đối phương.
Trong mỗi cuộc chơi, thành công là điểm đến và trong cuộc hành trình, không quan trọng bạn dùng phương pháp nào. Chỉ cần chơi với sự khát khao, phát huy thế mạnh và mặc kệ các xu hướng hay miệng lưỡi người đời.
Atletico chỉ cầm bóng 30,9% trước Bayern đêm thứ ba. |
Atletico đứng thứ 21 tại Champions League về chỉ số cầm bóng. |