Thống kê của Bộ Tài chính vào năm 2021 cho thấy có 1.500 doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up) trong nước thuộc các lĩnh vực khác nhau.
Xét theo mật độ start-up trên đầu người, Việt Nam có tỷ lệ khởi nghiệp cao hơn so với nhiều quốc gia khác. Tuy nhiên, chỉ có 3% start-up trong số đó được đánh giá là thực sự thành công, kêu gọi được vốn đầu tư và duy trì công ty đến năm thứ 2.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự thất bại: start-up chưa tìm được chiến lược phù hợp với thị trường, thiếu hệ sinh thái làm bệ phóng, khó khăn về dòng tiền, thiếu nhân sự giỏi hoặc sự cố khách quan như dịch bệnh...
Zing trò chuyện cùng 4 bạn trẻ, lắng nghe câu chuyện khởi nghiệp thất bại và những bài học phía sau của từng người.
Thanh Bình (25 tuổi, Bình Dương, start-up tổ chức sự kiện)
Tháng 12/2020, sau thời gian dài tính toán, tôi và vài người bạn mở công ty, kỳ vọng start-up của mình đi đầu trong dịch vụ thiết kế lễ tỏ tình, cầu hôn hoặc sinh nhật... theo cách thức mới lạ, độc đáo.
Ban đầu, tôi đầu tư số vốn 50 triệu đồng, dùng để thuê một văn phòng nhỏ, chi trả phí vận hành, sau đó dành phần lớn cho quảng cáo và tìm kiếm khách hàng.
Thanh Bình từng làm thêm nhiều việc khác nhau, kiếm tiền "nuôi" dự án khởi nghiệp. |
Trên thực tế, phương pháp tiếp thị của chúng tôi mang lại hiệu quả. Nhiều khách hàng lớn tìm đến công ty, yêu cầu lên ý tưởng, tổ chức sự kiện ở những địa điểm sang trọng, cách xa trung tâm thành phố, bài trí cầu kỳ...
Nhưng cũng chính vì sự kiện lớn, chúng tôi phải ứng số tiền không nhỏ để thực hiện.
Tôi nhớ như in những ngày mình phải làm cùng lúc nhiều công việc khác nhau, đồng thời vay mượn bạn bè để có tiền làm tiệc cho khách. Tôi đuối sức mà con số kiếm được chỉ như muối bỏ biển.
Tôi chờ đợi sự kiện hoàn tất, khách thanh toán chi phí, nhóm chúng tôi sẽ có tiền chia nhau và trả nợ.
Thế nhưng vì thiếu kinh nghiệm và tính toán không kỹ lưỡng, chúng tôi đạt doanh thu chỉ tương đương số tiền ứng trước, thậm chí còn âm.
Trước đó, tất cả thành viên đều chấp nhận làm việc không công vì biết rằng lợi nhuận cần để bù vốn. Nhưng sau đó, chật vật mãi mà chỉ thấy tiền dần cạn, chúng tôi bắt đầu nảy sinh mâu thuẫn. Những cuộc tranh luận căng thẳng và mệt mỏi cứ thế nhiều lên.
Sau 6 tháng, chúng tôi quyết định đóng cửa công ty. Từng thành viên ngồi lại với nhau, vạch ra những vấn đề không thể giải quyết. Phân khúc khách hàng quá hẹp, thiếu vốn, đó chính là lý do cả nhóm quyết định dừng lại dự án sau nhiều đêm trằn trọc.
Giờ đây, tôi lại đang khởi nghiệp, nhưng với một dự án khác. Tôi không muốn đầu quân và lệ thuộc vào một công ty nào đó.
Lần này, tôi chuẩn bị cho mình hành trang chỉn chu hơn cả về tinh thần và kế hoạch. Lần thất bại đầu tiên gây thiệt hại, nhưng bù đắp cho tôi những bài học lớn. Tôi không dám chắc mình sẽ thành công. Nhưng nếu có sự cố, cú ngã sẽ bớt nặng nề.
Minh Ngọc (22 tuổi, TP.HCM, start-up ôn thi IELTS)
Tôi theo học trường quốc tế từ nhỏ, có nền tảng ngoại ngữ tốt với điểm IELTS 8.0. Lên đại học, tôi được các giảng viên lựa chọn làm trợ giảng tại một trung tâm Anh ngữ tên tuổi.
Tiếp xúc với môi trường giáo dục, đồng thời nhận thấy công việc dạy tiếng Anh mang lại thu nhập tốt, tôi ấp ủ mở một lớp dạy IELTS cho riêng mình.
Tôi nhắm đến tệp khách hàng là các bạn 16-18 tuổi, có vốn Anh văn khá và mong muốn trau dồi, nâng cao năng lực. Như nhiều người khởi nghiệp khác, thời gian đầu, tôi tự tin với dự án của mình.
Tháng 4/2020, tôi bắt đầu mở lớp IELTS ngay tại nhà, đầu tư khoảng 20 triệu đồng để mua các thiết bị cần thiết như bàn ghế, máy lạnh, bảng viết...
Tôi chủ yếu tìm kiếm khách hàng từ những mối quan hệ xung quanh. Lớp học của tôi có chi phí hợp lý, cách dạy gần gũi, vui nhộn nên nhận được khá nhiều sự chú ý của học viên. Tôi không chạy quảng cáo trên mạng xã hội hay sử dụng hình thức marketing nào khác.
Ban đầu, lớp vận hành khá ổn định, tôi có được thu nhập tốt, có thể nói là cao so với bạn bè.
Mô hình dạy IELTS của Minh Ngọc thu hút nhiều học viên, nhưng không đủ nhân lực để vận hành. |
Nhưng đến tháng 6/2021, tôi phải đóng cửa lớp học. Đại dịch Covid-19 căng thẳng tại TP.HCM vào giai đoạn đó chính là giọt nước tràn ly khiến tôi đi đến quyết định này.
Nhưng trước đó, kể cả không có dịch bệnh, dự án dạy học của tôi đã tiềm ẩn rất nhiều vấn đề.
Tôi nhận ra mình bắt đầu mọi thứ quá vội, chỉ vì áp lực đồng trang lứa và tâm lý muốn chứng tỏ với phụ huynh. Đáng lẽ tôi nên dành thời gian suy xét kỹ lưỡng hơn trước khi tự đẩy mình vào thế khó.
Khởi nghiệp khi còn là sinh viên, tôi không biết cách cân bằng cuộc sống, thiếu rất nhiều kiến thức về kinh doanh, tiếp thị, điều hành cũng như mở rộng mô hình. Lượng học viên đăng ký học khá đông, nhưng tôi không biết cách mở thêm lớp, sắp xếp người dạy. Tôi phải từ chối nhiều học viên vì quá áp lực, không đủ thời gian lên giáo trình, sát sao với hàng chục người cùng lúc.
Bên cạnh đó, việc vừa dạy vừa học cũng làm sức khỏe tôi ảnh hưởng nhiều. Tôi đến trường vào sáng sớm, sau đó lại về nhà dạy học đến khi tối muộn. Sau thời gian dài, thành tích học tập ở trường giảm đi trông thấy, trong khi chất lượng giảng dạy cũng bị ảnh hưởng.
Trong tương lai, tôi vẫn muốn mở một cơ sở dạy Anh văn, nhưng với quy mô và kế hoạch chặt chẽ hơn. Tôi sẽ bắt đầu bằng việc tìm kiếm cộng sự, giáo viên hỗ trợ. Nhưng trước tiên, tôi cần học một lớp quản trị. Mở lớp, vốn ngoại ngữ không thôi là chưa đủ.
Khánh Huy (28 tuổi, TP.HCM, start-up bán đồ ăn)
Tháng 11/2021, tôi và người bạn mở một xe bán đồ ăn sáng, nhắm đến những thực khách bận rộn, sẵn sàng trả tiền cho một bữa sáng tiện lợi, vệ sinh và đầy đủ dưỡng chất.
Mỗi người chúng tôi góp vốn 30 triệu đồng, sử dụng để thiết kế quầy hàng, mua sắm thiết bị và quảng cáo, thu hút khách hàng.
Chúng tôi may mắn tìm được một mặt bằng tốt, nhờ đó có lượng khách hàng ổn định mỗi ngày.
Tuy nhiên, xe đồ ăn chỉ hoạt động 6 tháng, sau đó buộc phải dừng lại. Nguyên nhân bởi tôi bán hàng nhưng vẫn duy trì công việc văn phòng. Làm 2 việc cùng lúc, tôi không thể sắp xếp thời gian.
Mỗi ngày, tôi thức dậy từ 3h30 để chuẩn bị nguyên liệu, thực phẩm. 11h, sau khi bán hàng, tôi đến công ty và bắt đầu công việc chính thức. Tôi làm không ngơi nghỉ cho đến nửa đêm mới hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Xe đồ ăn sáng của Khánh Huy phải đóng cửa sau 6 tháng hoạt động. |
Sang tháng bán hàng thứ 5, tôi dường như không còn chịu được guồng công việc 20 tiếng/ngày. Tôi mất ngủ, mệt mỏi, ăn uống kém, xuống cân trầm trọng.
Tháng thứ 6, tôi quyết đinh đóng cửa xe hàng, mặc dù rất tiếc nuối. Đây là cách duy nhất để tôi cứu lấy sức khỏe mình.
Tôi và người bạn ngồi lại với nhau, tính toán rồi thấy rằng suốt 6 tháng bán hàng, chúng tôi lỗ toàn bộ chứ chưa thu hồi được chút vốn nào. Hiện tại, tôi vẫn giữ 2 xe hàng và một số vật dụng, chưa biết xử lý thế nào cho phù hợp.
Hoài An (25 tuổi, TP.HCM, start-up lắp PC game)
Tháng 1/2021, tôi cùng người bạn mở đại lý chuyên lắp ráp PC dòng game. Cả hai đều là người đam mê công nghệ, có sở thích đặc biệt với PC gaming, chúng tôi tự tin đây là con đường để gắn bó lâu dài.
Ban đầu, chúng tôi xoay xở được số vốn 100 triệu đồng. Đây đều là tiền mượn từ gia đình, bạn bè và bán đi một số món đồ có giá trị của bản thân.
Nhưng ai từng khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ đều sẽ hiểu rằng đầu tư bao nhiêu tiền đều không đủ. Chỉ một thời gian ngắn, tôi nhanh chóng cạn tiền vì thủ tục giấy tờ, chứng từ và mua vật tư rất tốn kém.
Hoài An gặp nhiều vấn đề về tài chính, nhân sự khi bắt đầu khởi nghiệp. |
Không chỉ vậy, tôi gặp nhiều xích mích với người bạn đồng hành. Sai lầm của chúng tôi là quên thỏa thuận rõ ràng các quy tắc khi hợp tác, dẫn đến lợi nhuận phân chia không đồng đều.
Điều này vô hình trung gây ảnh hưởng đến công việc và tâm lý của cả hai. Tôi và bạn từng nhiều lần ngồi xuống nhưng không còn tìm được tiếng nói chung.
Bên cạnh đó, tính chất công việc yêu cầu chúng tôi phải hỗ trợ khách hàng 24/7, nhưng thực tế chúng tôi không thể đảm bảo vì thiếu nhân sự.
Sau một thời gian cân nhắc, tôi quyết định rút vốn và quay trở lại công việc văn phòng.
Hiện tại, tôi đang vận hành một start-up khác ở lĩnh vực may mặc trẻ em. Từ lần khởi nghiệp thất bại lần trước, tôi biết mình cần phải tính toán kỹ lưỡng hơn, ưu tiên việc chậm mà chắc.