Đạp xe đến công ty, lưng áo Lê Hằng (26 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội) ướt sũng, đầu óc quay cuồng. Nhà cách văn phòng khoảng 8 km, quãng đường di chuyển không quá xa, nhưng đủ để cô hối hận vì quyết định đi xe đạp của mình.
"Không đi xe máy giúp tôi tiết kiệm một khoản tiền trong bối cảnh bão giá, nhưng thực tế, xe đạp lại có nhiều vấn đề khác, nắng nóng, tốn sức. Nếu muốn rèn luyện thể lực, tôi nghĩ chỉ nên đạp xe vào buổi chiều mát, tại cung đường thoáng đãng. Còn để đi làm, cách này không hề phù hợp", Hằng chia sẻ với Zing.
Không như kỳ vọng
Vài năm gần đây, nhiều dân công sở chọn đi làm bằng xe đạp. Loại phương tiện này còn trở thành một trào lưu khi trên mạng xã hội, các hội nhóm "đạp xe đi làm" thu hút hàng chục nghìn thành viên. Hầu hết bài đăng xoay quanh kinh nghiệm lựa chọn và hướng dẫn đạp xe đi làm hiệu quả cho người mới tập.
Giá xăng tăng chóng mặt khiến nhiều người lựa chọn di chuyển bằng xe đạp. Ảnh: Vân Anh. |
Tuy nhiên, cũng ở các trang này, nhóm người muốn nhượng, bán xe đạp không hề ít.
Vài người cho biết chỉ mới mua xe nhưng phải thanh lý vì không đáp ứng nhu cầu sử dụng như mong muốn.
Nguyễn Ly (35 tuổi, quận Bình thạnh) TP.HCM) là một trường hợp như vậy. Mua chiếc xe đạp gấp trị giá 15 triệu đồng, chị bán gấp sau thời gian ngắn sử dụng vì không phù hợp với sinh hoạt.
"Ngày đầu đạp xe, tôi đen đủi gặp thời tiết mưa ngập. Xe đạp không có cốp như xe máy, tôi và túi xách, đồ đạc ướt nhẹp, trong đó có cả chiếc laptop, giấy tờ hồ sơ", chị thở dài.
Xe đạp còn rất bất tiện khi chị đưa đón con cái đến trường. Trời nắng nóng, con chị ngồi yên sau liên tục than mệt. Những ngày mưa, chị tới trường, đặt taxi đưa con về, còn mình chạy xe bám theo.
"4 năm qua, vợ chồng tôi thường sử dụng xe đạp để dạo chơi, tập thể dục. Nhưng đi làm lại là vấn đề khác. Có lẽ hoạt động này chỉ thích hợp với những người không có thói quen mang nhiều đồ đạc, nhà gần công ty", chị tâm sự và cho biết thêm đã trở lại với chiếc xe máy.
Phan Lan (28 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) từng chi hơn 10 triệu đồng mua xe đạp đi làm. Thế nhưng, với khoảng cách 7 km, hôm nào đường cũng ùn tắc, khói bụi, cô nhanh chóng phát hiện quyết định này là vội vàng.
Phan Lan chỉ sử dụng xe đạp để tập luyện vào cuối tuần. Còn đi làm, cô quay lại đi xe máy. Ảnh: NVCC. |
"Hôm nào tới công ty, tôi cũng mệt mỏi và không có tinh thần làm việc", cô tâm sự.
Lan còn loay hoay với việc ăn mặc thế nào cho phù hợp việc đạp xe. Thay vì đeo túi xách như mọi ngày, cô mang balo để đựng được nhiều đồ hơn.
Ngoài ra, cô phải dậy sớm hơn, ăn sáng vội vàng để đạp xe đi cho kịp giờ làm. Một số ngày, vừa ăn sáng xong lại đạp xe, dạ dày cô bị căng tức, khó chịu.
"Không am hiểu các dòng xe, tôi mua phải chiếc xe khá nặng, đạp rất mệt và mất thời gian. Đến công ty, cơ thể tôi ướt mồ hôi, có mùi khó chịu, phải vào nhà vệ sinh thay trang phục mới", cô thở dài.
Chiếc xe đạp có giá bằng cả tháng lương từng được Lan kỳ vọng giúp mình tiết kiệm và rèn luyện sức khỏe.
Nhưng từ ngày mua xe, cô sử được đúng 4 lần, sau đó quay trở lại dùng xe máy. Cảm thấy tiếc tiền, nhưng cô nhận thấy mình thực sự không phù hợp với chiếc xe.
Khác với Phan Lan và chị Nguyễn Ly, anh Quách Nguyên (35 tuổi, quận Bình Thạnh, TP.HCM) vẫn duy trì việc đạp xe đi làm suốt 3 năm qua.
Tuy nhiên, đối với anh, phương tiện này không giúp tiết kiệm so với với xe máy như nhiều người nhầm tưởng.
Chiếc xe đạp mà anh Nguyên gắn bó 3 năm qua. |
Mỗi năm, anh tiêu tốn khoảng 2 triệu đồng để sửa chữa và bảo trì xe định kỳ.
Ngoài ra, số tiền dành để nâng cấp phụ tùng như đèn, yên, đồ bảo hộ là không thể tính toán được.
"Mỗi ngày, tôi đạp xe khoảng 15 km để đi làm và trở về nhà. Tôi ước tính chi phí cho xe đạp rẻ so với xe máy, nhưng không đáng kể. Nếu ai muốn dùng loại xe này để tiết kiệm, điều đó không mấy khả thi", anh chia sẻ.
Theo anh Nguyên, cá nhân anh đạp xe đi làm nhằm kết hợp rèn luyện sức khỏe nên không bận tâm nhiều về chi phí.
Anh kể thêm vào những ngày đầu mới làm quen với xe và cung đường dài, anh không tránh khỏi mất sức, hụt hơi, phải vừa đạp vừa dừng nghỉ. Khi đó, anh từng chán nản đến mức muốn bán xe.
"Nhưng tôi nghĩ thói quen nào cũng cần đủ thời gian để luyện tập, sẽ xấu hổ lắm nếu tôi bỏ cuộc sớm. Giờ đây, tôi đạp xe thành quen, không còn mệt và đổ mồ hôi nữa, tinh thần cũng sảng khoái hơn nhiều", anh tâm sự.
Xe đạp không dành cho tất cả
"Không phải ai cũng phù hợp để đạp xe đi làm" là lời khuyên của anh Hà Xuân Nam, chủ một đơn vị kinh doanh xe đạp ở Hà Nội, đồng thời là admin nhóm "Xe đạp gấp siêu cấp - Việt Nam Folding Bike".
Theo anh, phương tiện này mang đến nhiều lợi ích như nâng cao sức khỏe, giúp tiết kiệm chi phí xăng xe và bảo dưỡng. Tuy nhiên, nếu dân công sở muốn đi làm lâu dài bằng phương tiện này, họ cần thực sự kiên nhẫn và tìm cho mình chiếc xe phù hợp.
"Đạp xe đi làm chỉ phù hợp với những người muốn kết hợp tập thể dục hoặc những không phải mặc trang phục gò bó, khắt khe", anh nói.
Anh Xuân Nam sử dụng xe đạp gấp để đi làm, cho rằng đây là phương tiện phù hợp với cá nhân mình. Ảnh: NVCC. |
Theo anh Nam, bước đầu tiên, mọi người nên chọn xe đạp phù hợp với sức khỏe và cơ thể. Đi xe không đúng kích thước, họ sẽ dễ bị đau mỏi vai gáy, nhức tay chân. Khi tới được văn phòng, nhiều người đã mệt nhoài vì vận động, không còn sức cho công việc.
Anh đánh giá một chiếc xe trong khoảng 2-10 triệu đồng là đủ tốt để nhân viên văn phòng đi làm mỗi ngày.
Anh Đăng Tuấn (34 tuổi, TP.HCM) cũng đồng tình với quan điểm trên. Anh hiện kinh doanh phụ tùng xe đạp, đồng thời sở hữu cho riêng mình chiếc xe đạp trị giá 170 triệu đồng.
Theo anh, trước khi đầu tư một chiếc xe đạp, dân công sở nên hiểu rõ điều kiện tài chính và nhu cầu sử dụng. Quan trọng hơn, phải tham khảo các hội nhóm và nơi bán xe uy tín để được tư vấn kích thước, kiểu dáng xe đạp phù hợp nhất.
Anh Đăng Tuấn sở hữu chiếc xe đạp trị giá 170 triệu đồng. Ảnh: NVCC. |
Anh cho biết thêm những nhân viên văn phòng mới bắt đầu thói quen đạp xe đi làm không nên lựa chọn dòng xe quá đắt đỏ. Họ có thể mua một chiếc bình dân để tập thích nghi. Nếu mong muốn gắn bó lâu lâu dài với xe, họ có thể nâng cấp bằng cách độ thêm phụ tùng cao cấp.
"Một khi xác định đạp xe đi làm, dân công sở cần có trang phục gọn gàng, năng động. Nếu đau hông, họ có thể độn yên dày hơn. Họ cũng cần chú ý tính toán lộ trình, thời gian để tránh kẹt xe và nắng nóng. Thậm chí, họ cũng cần trang bị đèn hậu để di chuyển về nhà vào buổi tối, ban đêm. Theo tôi, chỉ cần thực sự muốn đi làm bằng xe đạp, chúng ta có thể khắc phục mọi nhược điểm của phương tiện này", anh nhấn mạnh.
Dân công sở thế giới thích đạp xe đi làm
Ở nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Hà Lan, Đan Mạch… dân công sở được chính quyền khuyến khích, thậm chí tặng tiền nếu đạp xe đi làm. Chính phủ cố gắng tạo làn đường dành riêng cho người đi xe đạp, giúp thay đổi nhận thức của người dân về việc đạp xe và bảo vệ môi trường.
Theo ECF (Liên đoàn người đi xe đạp tại châu Âu), có hơn 300 chương trình hỗ trợ, khuyến khích dân công sở đạp xe đi làm. Trong đó, Hà Lan được coi là "thiên đường" cho hoạt động nêu trên.
Số liệu từ HuffPost cho thấy 27% dân công sở Hà Lan đạp xe đến công ty mỗi ngày. Mỗi người dân tại đây đều có trung bình hơn một chiếc xe đạp, họ thay đổi mỗi ngày cho các mục đích di chuyển khác nhau như đi làm, tập thể dục hoặc dạo phố.
Chính phủ nhiều quốc gia trên thế giới khuyến khích công dân đạp xe đi làm. Ảnh minh họa: Cottonbro/Pexels. |
Tại Bỉ, dân công sở có thể nhận được trợ cấp 0,26 USD cho mỗi km đi làm bằng xe đạp. Chính sách này giúp tăng mức độ phổ biến của việc đạp xe. Theo khảo sát, số người lao động đạp xe đi làm và nhận trợ cấp tăng 30% trong giai đoạn 2011-2015.
Anh cũng có chính sách trợ cấp 0,26 USD/dặm cho người dân đi làm bằng xe đạp. Quốc gia này còn có chương trình ưu đãi tặng xe đạp hoặc giảm giá phụ tùng xe cho người dân.
Thủ đô Copenhagen (Đan Mạch) có số xe đạp nhiều gấp 5 lần ôtô. Một cuộc khảo sát năm 2017 cho thấy 27% người dân muốn đi đạp xe vì giá thành rẻ, trong khi 50% cho biết đi làm bằng xe đạp dễ dàng hơn các phương tiện khác.