Trong ngày đại hội mua sắm dịp Lễ độc thân 11/11, những "tín đồ săn sale" đã thức thâu đêm để đặt mua những món đồ yêu thích, trong đâu luôn tự hỏi "Giỏ hàng đã đầy chưa?", "Thẻ tín dụng đã vượt hạn mức chưa?".
Bấm nút đặt mua khiến họ vui vẻ, nghĩ đến cảm giác sở hữu mọi thứ giúp họ thỏa mãn. Trong những ngày chờ giao hàng, dù đã biết mình sẽ nhận được món đồ gì, người mua vẫn mang tâm trạng háo hức.
Theo The Paper, không ít người săn hàng giảm giá đã chứng minh rằng sau khi mua sắm vô tội vạ, người ta thường cảm thấy cô đơn và lo lắng hơn. Cố giành lấy món đồ mình ưng ý, nhưng cuối cùng họ vẫn mắc kẹt trong cảm xúc nuối tiếc, hối hận.
Dù cố gắng kiềm chế ham muốn mua hàng, mọi người thường không thế tránh được việc "tiêu dùng bốc đồng" và chạy theo xu hướng một cách vô thức.
Nhiều người "chốt đơn" liên tục để thỏa mãn cảm xúc bản thân mà không tính toán đến nhu cầu sử dụng thực tế. |
Bẫy tiêu tiền để thỏa mãn bản thân
Theo tâm lý học, mong muốn là động lực cho mọi hành động của con người. Ham muốn càng cao, hành động càng mạnh mẽ. Như vậy, đằng sau thói quen tiêu tiền vô tội vạ trong những đợt săn sale là ham muốn sở hữu và kiểm soát của mỗi người.
Khi không phân biệt được nhu cầu mua hàng cần thiết và ham muốn sở hữu của cá nhân, người mua sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn khi ngày càng mua sắm nhiều hơn nhưng vẫn không thỏa mãn được chính mình.
"Tiêu dùng bốc đồng" và "mua sắm một cách không kiểm soát" được xếp vào nhóm hành vi gây nghiện. Cơ chế của chứng nghiện này là lấp đầy khoảng trống nhu cầu bằng những thứ mang lại hạnh phúc ngắn ngủi, dễ dàng, ví dụ như đặt thành công những món đồ.
Một cuộc thảo luận về ngày hội mua sắm 11/11 tại Trung Quốc cho thấy một số mặt hàng giảm giá không thực sự khiến người mua tiết kiệm tiền, bởi thấy giá hời, bạn thường mua nhiều thứ không cần dùng đến.
Không ít người thừa nhận họ mua một món hàng "hot trend", hoặc mua vì chúng có giá cực thấp chứ không hẳn đang cần dùng. Sau các đợt săn sale, nhiều món đồ bị vứt xó khi chủ nhân chẳng bao giờ đụng tới.
Khi không xác định được nhu cầu sử dụng thực tế và nhu cầu thỏa mãn bản thân, người tiêu dùng rất dễ rơi vào bẫy marketing. Ví dụ nhiều cô gái luôn cảm thấy rằng mặc bộ váy mới sẽ giúp mình trông quyến rũ hơn, cuối cùng mới nhận ra chúng không phù hợp với mình.
Mua sắm là một hành động mang lại hạnh phúc, nhưng đồng thời có thể khiến người ta tiếc nuối về sau. Nếu không kiểm soát được ham muốn của mình, bạn có thể dần dần bị nhu cầu mua sắm nuốt chửng.
Truyền thông và quảng cáo thúc đẩy con người mua sắm nhiều hơn để hạnh phúc. |
Nhiều người bị chứng nghiện mua sắm, luôn ám ảnh với việc mua thêm đồ mới. "Tiêu dùng cưỡng bức" là hành vi bắt nguồn từ cảm giác thiếu thốn và không an toàn, hoặc thiếu tình thương sâu sắc. Trong trường hợp này, người "nghiện" sẽ liên tục lặp lại hành động mua hàng để cảm thấy tốt hơn.
Chúng ta đang sống trong thời đại mà "chủ nghĩa tiêu dùng" được thúc đẩy liên tục, mọi quảng cáo trên truyền thông nhắc nhở con người mua nhiều thêm để hạnh phúc, ngay cả tình cảm cũng được vật chất hóa dưới nhiều món hàng.
Việc mua một món đồ liên quan đến việc thỏa mãn bản thân, vì vậy khi không mua được, người ta dễ rơi vào lo lắng, sợ hãi, trống rỗng và cô đơn.
Một người khi thấy bản thân rơi vào bẫy cảm xúc lúc mua sắm nên tự nhắc nhở rằng mình không nhất thiết phải có được mọi thứ, không cần theo đuổi hết những gì người xung quanh có.
Khi coi một món đồ chỉ là sự lựa chọn, họ sẽ bớt day dứt. Trút bỏ được lo lắng, họ sẽ thoát được khỏi vòng luẩn quẩn của "tiêu dùng bốc đồng".