Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vpop 2017: 'Dòng chảy ngầm' cùng nhạc chính thống bứt phá mạnh mẽ

Năm qua, cả âm nhạc đại chúng lẫn underground, indie đều phát triển mạnh mẽ. Và việc giải thưởng ZMA 2017 bổ sung nhiều hạng mục đã phản ánh rõ mọi dòng chảy trong thị trường.

Vpop 2017 có nhiều sản phẩm nổi bật, bao gồm những MV đạt hàng trăm triệu lượt xem hay những ca khúc lập kỷ lục lượt nghe. Trong đó, sự phát triển của underground/ indie cũng cần được kể đến. Chính những nghệ sĩ indie và underground đã mang đến một hơi thở rất mới, làm đa dạng thị trường âm nhạc năm qua.

Xưa nay, âm nhạc đại chúng với dòng pop, ballad phổ biến hơn cả, trong các lễ trao giải nó cũng thường giữ thế độc tôn. Tuy nhiên, sự phát triển của underground và indie năm qua đòi hỏi sự ghi nhận của công chúng cũng như giới chuyên môn và đặc biệt là từ các giải thưởng.

Suy cho cùng, dù hàn lâm, mang tính chuyên môn cao hay màu sắc khác biệt, tươi mới, thì mỗi giá trị đều có giá trị riêng.

Vpop phát triển mạnh mẽ

Mỗi nghệ sĩ đều có một con đường, một định hướng riêng và do vậy, cách họ để lại dấu ấn trong lòng khán giả cũng khác nhau. Năm 2017, Mỹ Tâm tiếp tục chinh phục người hâm mộ bởi những sản phẩm âm nhạc chất lượng, chẳng hạn album Tâm 9 vừa phát hành cùng một cái “tâm” sống nghề rất “mỹ”.

Trong khi đó, Sơn Tùng M-TP lại là hiện tượng đi lên từ cá tính “không đụng hàng”: Dám nghĩ dám làm, cả trong phong cách lẫn màu sắc âm nhạc và anh vẫn đang không ngừng khai phá bản thân.

Năm qua, Lạc trôi được sáng tác theo thể loại future bass, có âm hưởng của nhạc cụ dân tộc đánh dấu cú lột xác của một Sơn Tùng đã trưởng thành, chỉn chu hơn trong âm nhạc.

Hương Tràm có lẽ là trường hợp đặc biệt nhất Vpop 2017. Ca khúc Em gái mưa của cô lập thành tích vô tiền khoáng hậu khi đạt hơn 241 triệu lượt nghe trên Zing Mp3 sau 3 tháng lên sóng, con số lớn nhất trong 10 năm qua của lịch sử âm nhạc Việt.

Trong bức tranh tổng thể của Vpop 2017, mỗi cá nhân đóng góp một phần công sức. Và Soobin Hoàng Sơn với những ca khúc được yêu thích như Xin đừng lặng im, Đi để trở về… hay Min với Có em chờ, Ghen… cùng rất nhiều ca sĩ có thành tích nổi bật khác cho thấy tốc độ tăng trưởng đáng ghi nhận của Vpop.

MV không còn khó khăn để đạt hàng chục triệu lượt xem, nhiều ca khúc gây sốt khắp các trang mạng xã hội… Khách quan mà nói, Vpop đã có một năm phát triển mạnh mẽ.

Dòng chảy underground/ indie song hành

Khi âm nhạc chính thống trên đà phát triển thì underground và indie cũng có bước tiến dài. Nằm ngoài sự cầu kỳ, hoa mỹ vốn có ở làng giải trí, nhiều nghệ sĩ indie gây tiếng vang bằng chính âm nhạc đơn giản nhưng phóng khoáng, thể hiện được cá tính riêng.

Tuý âm được thực hiện bởi những gương mặt khá mới với công chúng là Xesi, Masew, Nhatnguyen. Sản phẩm cũng không được đầu tư MV cầu kỳ, tốn cả trăm triệu giống ca sĩ Việt hay làm.

Thế nhưng, Tuý âm lại là một trong những hit lớn với 12 triệu lượt nghe trên Zing Mp3. Trước Tuý âm, Yêu 5 của Rhymastic ra mắt thầm lặng nhưng sự phổ biến của ca khúc lại không hề thầm lặng như cách chủ nhân phát hành nó.

Việc đạt 209 triệu lượt nghe trên Zing Mp3 đã chứng minh đây chính là một trong những bài hát thành công nhất năm qua. Nhiều ca khúc khác tuy không được đầu tư quảng bá cũng đạt lượt nghe lớn, chẳng hạn Chiều hôm ấy (114 triệu), Đã lỡ yêu em nhiều (JustaTee - 66 triệu)…

Chỉ bằng âm nhạc mà không cần bất cứ yếu tố nào khác, nghệ sĩ undeground năm qua cho thấy họ không hề lép vế trước dòng nhạc chính thống. 

giai thuong Zing Music Awards anh 1
Giải trưởng có thực sự tôn vinh đúng nghệ sĩ, đó là bài toán khó.

Giải thưởng phản ánh rõ xu hướng, dòng chảy

Sau cùng trong mỗi thị trường, các giải thưởng chính là bức tranh tổng quát những cá nhân, thành tích nổi bật nhất trong năm, đồng thời tôn vinh họ ở sự cống hiến cho nền âm nhạc nước nhà.

Nhưng, Vpop những năm gần đây xuất hiện nhiều giải thưởng cuối năm và điều đó khiến khán giả không khỏi bối rối về tính chất lượng cũng như quy mô của từng chương trình.

Số lượng không đồng nghĩa với chất lượng. Nhất là khi hàng năm, những lễ trao giải quen thuộc cũng phải cực kỳ cân nhắc để thêm bớt hạng mục sao cho phù hợp với sự thay đổi của thị trường.

Những giải thưởng lâu năm như Cống Hiến, Mai Vàng hay Làn Sóng Xanh mang nhiều nét ‘’truyền thống’’, dựa vào đánh giá của giới chuyên môn thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào các số liệu.

Trong đó, giải Cống Hiến nêu rõ tiêu chí "có những khám phá, sáng tạo đóng góp thiết thực vào sự phong phú và phát triển của đời sống âm nhạc đại chúng" trong quá trình xét giải. Thông thường, nghệ sĩ underground không có nhiều lợi thế ở những giải thưởng này.

Trong bối cảnh đó, Zing Music Awards (ZMA) - giải thưởng sinh ra từ âm nhạc trực tuyến và dựa vào số liệu từ #zingchart - đã phản ánh rõ xu hướng, dòng chảy cũng như những ‘’làn gió mới” trên thị trường.

Giải thưởng có sự cân bằng ở cả yếu tố chuyên môn thông qua đánh giá của hội đồng nghệ thuật.

giai thuong Zing Music Awards anh 2
Zing Music Awards là một trong những giải thưởng được công chúng tin tưởng.

ZMA năm nay vừa khởi động vòng bình chọn đầu tiên với nhiều thay đổi. BTC bổ sung thêm nhiều hạng mục mới như: Nhạc sĩ của năm để ghi nhận sự đóng góp thầm lặng của các hit maker - người đứng sau loạt ca khúc đình đám trong năm.

Tiếp đó, sự ra đời của hạng mục Nghệ sĩ indie/ underground được yêu thích nhận được nhiều ý kiến đồng tình bởi đây là xu hướng âm nhạc có sự phát triển mạnh mẽ, bao trùm Vpop 2017.

Bên cạnh đó, với một năm bùng nổ, các nghệ sĩ undergound và indie cũng góp mặt trong danh sách đề cử của nhiều hạng mục, chẳng hạn Da Lab ở Nhạc sĩ của năm, Ca khúc R&B/Soul được yêu thích… Ngọt với MV của năm, Song ca/ Nhóm ca được yêu thích…

Rhymastic là một trong những ca sĩ góp mặt ở nhiều hạng mục nhất. Anh xuất hiện trong 6 giải thưởng, bao gồm 3 hạng mục quan trọng là Nghệ sĩ của năm, Nhạc sĩ của năm, Ca khúc của năm. Đây đều là những sự bổ sung hợp lý và cần thiết để phản ánh bộ mặt đầy sắc màu của nền âm nhạc nước nhà trong năm qua.

Trải qua 8 năm với nhiều sự thay đổi, đến nay Zing Music Awards đã trở thành lễ trao giải uy tín và là BXH duy nhất dựa vào lượng nhạc số để đo đạc, đánh giá, đưa ra các đề cử cũng như trao giải cho các nghệ sĩ thành công trong năm.

Sự mới mẻ này hứa hẹn sẽ tiếp tục đem đến làn gió mới cho Vpop trong thời gian tới.

Hương Tràm vượt Sơn Tùng lập kỷ lục Ca khúc có lượt nghe lớn nhất Vpop

"Em gái mưa" chỉ mất 3 tháng để đạt 240 triệu lượt nghe trên Zing MP3. Ca khúc vượt "Nơi này có anh" của Sơn Tùng M-TP để trở thành bài hát có lượt nghe lớn nhất.

Lan Phương

Bạn có thể quan tâm