Vpop: Nhiều album 'chất' nhưng vẫn lặng lẽ
Mặc dù được đầu tư lớn và tâm huyết nhưng những cái tên như "Lý tuổi 25", "Cánh diều lạc phố", "Vòng tròn"... vẫn chưa thực sự có chỗ đứng xứng đáng trong đời sống âm nhạc.
Trải qua một thời gian dài ảm đạm, công chúng và giới chuyên môn đang ngày càng hài lòng hơn với nhiều sản phẩm âm nhạc được đầu tư công phu và chất lượng. Các nhà sản xuất trong nước ngoài - việc tích cực nâng đỡ, định hướng những giọng ca mới - còn làm việc với nhiều nhà sản xuất nước ngoài nhằm nâng cao chất lượng ghi âm, nắm bắt những xu hướng mới nhất trên thế giới. Thành công của Vol 8 - Tâm của Mỹ Tâm mới đây là ví dụ tiêu biểu cho những điểm sáng của nhạc Việt. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn như Mỹ Tâm bởi có rất nhiều album được đầu tư rất kỹ lưỡng nhưng vẫn chưa có sức lan tỏa xứng đáng.
Tuổi 25 - Lê Cát Trọng Lý
Tuổi 25 - album đầu tay được Lê Cát Trọng Lý phát hành vào cuối năm 2012 -là một trong số những đề cử tại giải âm nhạc Cống hiến lần thứ 8. Điểm độc đáo của album này là tất cả các tác phẩm đều được thu trực tiếp trên sân khấu nhưng vẫn giữ được sự trong và sạch của âm thanh. Điều này giúp một nghệ sĩ thiên về ngẫu hứng như Trọng Lý giữ được cảm xúc tốt khi truyền đạt nội dung các tác phẩm. 9 bài hát là một phần rất nhỏ nhưng chắt lọc và xuất sắc nhất trong nhiều năm hoạt động nghệ thuật miệt mài của Lê Cát Trọng Lý.
Lê Cát Trọng Lý hoạt động như một nghệ sĩ indie nên Tuổi 25 - mặc dù nhận được nhiều phản hồi khác nhau - khá lặng lẽ. Một số người nghe ghi nhận những nỗ lực của cô nhưng không ít người cho rằng đây là album thất bại bởi các sáng tác đều cũ kỹ và bị một màu.
Tuổi 25 là tự sự về một tình yêu dịu dàng, trong trẻo bên cạnh những luận bàn về thân phận con người và xã hội. Nhưng hơn tất cả, có lẽ đó là một tuyên ngôn nho nhỏ của Lê Cát Trọng Lý về thứ nghệ thuật mà cô theo đuổi. Một sản phẩm thực sự rất đáng để thưởng thức nhưng có lẽ chính vì thế mà nhiều người tỏ ra tiếc nuối, rằng giá như Lê Cát Trọng Lý có một ê-kíp chuyên nghiệp hỗ trợ thì khoảng cách giữa cô và khán giả sẽ được rút ngắn hơn rất nhiều.
Giấc mơ tôi - Uyên Linh
Giấc mơ tôi của Uyên Linh là một trường hợp khá giống Lý tuổi 25, bởi cả hai đều là sản phẩm hay, nhưng chưa được đánh giá cao bởi không chứa đựng nhiều đột phá và sức lan tỏa chưa rộng rãi. Nếu như Lê Cát Trọng Lý lặng lẽ cho ra đời Tuổi 25 thì Giấc mơ tôi được Uyên Linh rào đón rồi “khất lần” trong 2 năm. Nếu Lý muốn khẳng định tôi đã 25 và đây là âm nhạc của tôi thì Uyên Linh thẳng thắng thừa nhận những gì khởi đầu không phải là con đường mà cô theo đuổi.
Giấc mơ tôi được thu âm rất kỹ lưỡng với toàn bộ nhạc cụ thật như trống jazz, guitar, bass piano..., sau chuyển đi master tại The Mastering Lab (Mỹ). Thực hiện master cho Uyên Linh là kỹ sư Sunny Nam, người được đề cử giải Grammy 2012 cho kỹ sư thể loại non-clasical thực hiện.
Thông thường, một ca sĩ khi đã tạo được dấu ấn trong lòng người hâm mộ bằng phong cách nào đó thì họ nắm lấy nó như một cơ hội để đến gần, nhanh hơn với khán giả. Nhưng ở đây Quốc Trung đã yêu cầu Uyên Linh làm điều ngược lại. Người ta thấy ở Người hát tình ca một Uyên Linh khác với cô trước đó: kỹ thuật hơn, tiết chế hơn. Mượn được phối kiểu slow rock khá ngọt ngào với phần solo guitar đậm chất blues, trống jazz nghe cuốn hút và gợi cảm, Chỉ là giấc mơ được Uyên Linh tiết chế nhiều trong giai điệu jazz hiện đại đúng kiểu Quốc Trung. Người hát tình ca, Giấc mơ tôi, Sao chẳng về với em… cũng đều được làm mới và thú vị hơn rất nhiều. Tuy nhiên, mặt trái của thử nghiệm lại chính là tốc độ thích nghi còn nhiều hạn chế của khán giả đại chúng. Chính vì vậy, sau khi ra mắt, Giấc mơ tôi vẫn bị “chìm”.
Vòng tròn - Hồng Nhung
Tiếp tục là một dự án âm nhạc được thực hiện bởi nhạc sĩ/nhà sản xuất Quốc Trung, sản phẩm đánh dấu cuộc tái ngộ 7 năm của anh và Hồng Nhung sau album Khu vườn yên tĩnh. Vòng tròn là album nhạc điện tử có tiết tấu sôi động, trẻ trung và nổi loạn. Tuy nhiên, thể loại nhạc điện tử (electronic) lại khá kén người nghe tại Việt Nam. Sức lan tỏa của album “thê thảm” đến mức sau khi ra mắt, ca khúc Vòng tròn được đưa lên sân khấu Bài hát Việt trình diễn nhưng gần như vẫn còn xa lạ với khán giả. Thậm chí có nhà báo mảng văn hóa chia sẻ: “Riêng với bài hát Vòng tròn, tôi thực sự không biết một chút gì về nó. Tôi chưa nghe bài này bao giờ”.
Ở Việt Nam trước đó, Hà Trần (album Vi sinh) và Tùng Dương (album Li ti) đã thử nghiệm với nhạc điện tử, nhưng họ đã ít nhiều thành công bởi đã tìm được cách tiếp cận riêng với công chúng. Trong khi đó, dường như Hồng Nhung chỉ dừng lại ở việc làm mới chính mình mà chưa đem được những “món lạ” cho khán giả, chưa kể các sáng tác trong Vòng tròn chưa thực sự xuất sắc và khá “vụn” khi đứng cùng nhau.
Cánh diều lạc phố - Nguyễn Đình Thanh Tâm
Đẹp từ hình thức đến nội dung là những mỹ từ thỏa đáng để dành tặng album đầu tay của ca sĩ trẻ Nguyễn Đình Thanh Tâm. Bước ra từ một cuộc thi không còn sức nóng, hát một loại nhạc khó nghe và sở hữu ngoại hình quái là những bất lợi của anh chàng. Nhưng nếu chỉ nhìn vào âm nhạc, Nguyễn Đình Thanh Tâm hoàn toàn có thể tự tin về sản phẩm đầu tay này.
Cánh diều lạc phố là một thách thức với khán giả bởi âm nhạc dân gian đương đại vốn đã kén người nghe lại được anh xử lý bằng một bản năng quá mạnh mẽ. Ngay cả cách biên tập đĩa cũng rất “quái” khi phần đầu dữ dội với rock, dance; phần sau nhẹ nhàng hơn với jazz, acoustic. Tuy nhiên, nếu chịu khó lắng nghe vài lần, người nghe nhạc sẽ dễ bị thu phục bởi ít nhất là một trong số những ca khúc trong album này.
Những ca khúc Nguyễn Đình Thanh Tâm chọn đưa vào album của mình không mới, thậm chí khá cũ nhưng vẫn đem đến những ấn tượng đặc biệt. Lời ru tôi được tháo bỏ lớp áo mượt mà mang dấu ấn Thanh Lam để trở nên thô ráp, ma quái. Hòn đá trong vườn tôi cũng bị “lột sạch” sự tinh tế trong phiên bản Hồng Nhung mà phá phách, chuyển động hơn rất nhiều. Tương tự, Ngẫu hứng phố, Tôi đọc báo công cộng, Chín bậc tình yêu... cũng đều được làm mới trong cả bản phối và cách hát.
Sáu tháng cho một sản phẩm đầu tay có vẻ hơi quá sức với một người mới trong âm nhạc như Nguyễn Đình Thanh Tâm nhưng rõ ràng, đĩa nhạc đã thể hiện được dấu ấn đặc biệt của chàng trai này.
Ngoài những sản phẩm kể trên, còn rất nhiều album khác như Thanh Lam - Hà Trần, Thanh Lam acoustic, Nửa (Đinh Đặng Hoàng Anh)… rất đáng nghe nhưng hầu hết chưa thực sự phổ biến. Tuy nhiên, có lẽ đây không phải là một nghịch lý bởi đa phần trong số đó đều là những thử nghiệm mới nên khó được người nghe truyền tai nhau. Mỗi sản phẩm đều ghi đậm dấu ấn riêng và xứng đáng là những niềm tự hào của những người sáng tạo ra chúng.
Theo Đất Việt