Theo đó, ý kiến của vị luật sư này cho rằng nên nhìn nhận 5 triệu yen với tính chất là “tiền chứ không phải vật”. Và một khi 5 triệu yen là tiền (điều 163 Bộ luật dân sự) và chị Hồng “đang chiếm hữu ngay tình, liên tục, công khai” 5 triệu yen nên tác giả đề nghị áp dụng khoản 7 điều 170 và khoản 1 điều 247 Bộ luật dân sự. Theo đó, chị Hồng cần phải đợi 9 năm sau thì mới được công nhận quyền sở hữu số tiền này và mới được nhận lại tiền.
Theo chúng tôi thì quan điểm này cần phải xem lại.
Thứ nhất, 5 triệu yen là tiền nhưng là đồng tiền Nhật Bản, là ngoại tệ. Theo điểm iv, điều 6 Luật thương mại nước ngoài và ngoại hối Nhật Bản, “ngoại tệ là bất kỳ đồng tiền nào khác với đồng tiền Nhật Bản”; theo điểm a khoản 1 điều 6 Luật ngân hàng nhà nước Việt Nam thì “đồng tiền của quốc gia khác... được sử dụng trong thanh toán quốc tế và khu vực sau đây gọi là ngoại tệ”; theo điều 22 pháp lệnh ngoại hối thì “trên lãnh thổ Việt Nam mọi giao dịch, thanh toán... không được thực hiện bằng ngoại hối”; theo khoản 1 điều 9 Luật sửa đổi bổ sung Luật ngân hàng nhà nước số 10/2003 thì “tiền tệ là phương tiện thanh toán”.
Tiền yen hay bất kỳ ngoại tệ nào hoàn toàn không được xem là tiền theo luật Việt Nam vì nó không phải là phương tiện thanh toán. Mà nếu nó không phải là phương tiện thanh toán (tiền) thì chỉ xem nó như một loại tài sản theo khoản 2 điều 174 Bộ luật dân sự. Do đó không thể áp dụng điều 163 Bộ luật dân sự xem nó là “tiền” như ý kiến trên viện dẫn.
Thứ hai, khi áp dụng khoản 1 điều 247 Bộ luật dân sự, quan điểm trên đã có sự nhầm lẫn khi cho rằng chị Hồng “đang chiếm hữu ngay tình, liên tục, công khai” (số tiền 5 triệu yen) và phải tiếp tục đợi chín năm nữa thì mới được Nhà nước công nhận quyền sở hữu.
Thực tế chị Hồng không hề có sự “đang chiếm hữu ngay tình, liên tục, công khai” đối với 5 triệu yen, bởi vì sau khi phát hiện 5 triệu yen, chị đã chủ động mang lên nộp cho cơ quan chức năng theo đúng quy định tại khoản 2 điều 239 Bộ luật dân sự và bên “đang chiếm hữu ngay tình, liên tục, công khai” là cơ quan chức năng.
Cứ theo ý tác giả thì sau 9 năm bên “đang chiếm hữu ngay tình, liên tục, công khai” được công nhận quyền sở hữu và chị Hồng tuy không là bên “đang chiếm hữu ngay tình, liên tục, công khai” nhưng sẽ được nhận tiền.
Số tiền 5 triệu yen mà chị Hồng tìm thấy trong thùng loa cũ. |
Điều này quả thật phi lý!
Chỉ có hợp lý và hợp tình nhất trong vụ 5 triệu yen này, theo chúng tôi, là cơ quan chức năng nên áp dụng khoản 2 điều 239 Bộ luật dân sự, nội dung: “Trong trường hợp vật không xác định được ai là chủ sở hữu... thì sau một năm kể từ ngày thông báo công khai mà vẫn không xác định được ai là chủ sở hữu thì động sản đó thuộc sở hữu của người phát hiện”.
Tính từ ngày thông báo công khai 28/4/2014 đến nay đã quá một năm mà số tài sản 5 triệu yen vẫn không xác định được chủ sở hữu thì cơ quan chức năng phải có trách nhiệm bàn giao toàn bộ số tài sản trên và công nhận quyền sở hữu 5 triệu yen cho chị Huỳnh Thị Ánh Hồng.
Điều này cũng phù hợp với luật pháp của một số nước phát triển về “quyền sở hữu của động sản vô chủ sẽ được xác lập bằng việc chiếm hữu như chủ sở hữu” (khoản 1 điều 239 Bộ luật dân sự Nhật) hay “trong vòng ba tháng kể từ ngày đăng thông báo công khai theo quy định tại Luật tài sản bị mất, người tìm được tài sản bị mất sẽ trở thành chủ sở hữu” (điều 240 Bộ luật dân sự Nhật).