Chiều ngày 24/7, buổi họp đầu tiên của hội đồng chuyên môn dưới sự chủ trì của Phó giám đốc Sở Y tế Hưng Yên, ông Bùi Quang Chung, cùng ông Lều Văn Quân, đại diện Bộ Y tế và PGS.TS Lê Hữu Doanh, đại diện Bệnh viện Da liễu Trung ương.
Hội đồng chuyên môn đề ra những công việc cần làm tiếp theo để giải đáp câu hỏi mà dư luận đang đặt ra. Sau khi cuộc họp kết thúc, PGS.TS Lê Hữu Doanh, Phó giám đốc Viện Da liễu Trung ương, cho biết: “Hội đồng đã họp các bước tiếp theo sẽ làm, trong đó có một vấn đề rất quan trọng là sẽ tiến hành tổng điều tra dịch tễ, khi có kết quả chúng tôi điều tra dịch tễ về mặt virus học để xác định nguồn gốc của virus này”.
PGS.TS Lê Hữu Doanh, Phó Giám đốc Viện Da liễu TW. Ảnh: Anh Dũng |
Liên quan đến quá trình điều tra dịch tễ toàn huyện Khoái Châu, ông Doanh nói thêm: “ Việc điều tra do Sở Y tế và Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương chịu trách nhiệm, khi có kết quả cuối cùng chúng tôi sẽ dựa vào mẫu để giá trị gen, qua đó để xác định nhiều cháu trẻ có cùng nguồn gốc từ loại dịch này không”.
Việc điều tra sẽ được tiến hành trên toàn huyện Khoái Châu, trong đó có cơ sở y tế của bà Hoàng Thị Hiền (ở thôn Yên Vĩnh, xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu), cũng như tại gia đình, nơi sinh hoạt của các cháu nhỏ bị nhiễm bệnh.
Về việc chữa trị cho các cháu nhỏ bị sùi mào gà, ông Doanh cho biết: “Hiện nay điều trị cho các cháu đang trong giai đoạn theo dõi, môt số trường hợp đang trong giai đoạn điều trị tại bệnh viện. Trong thời gian tới, việc điều trị sẽ có quy trình và chữa khỏi hoàn toàn cho các cháu. Gia đình có thể yên tâm về mặt chuyên môn, hỗ trợ tối đa về mặt y tế khi điều trị tại bệnh viện”.
Gia đình tại Huyện Khoái Châu bức xúc với cơ sở y tế của bà Hiền. Ảnh: Anh Dũng. |
Sau khi sự việc xảy ra, các hộ gia đình ở đây đều rất bức xúc và hối hận. Anh Nguyễn V.S (một phụ huynh có con mắc bệnh) cho biết: “Trong lần cho cháu đi khám tại cơ sở của bà Hiền thì chúng tôi thấy bà Hiền sử dụng một chiếc găng tay để tiến hành khám cho nhiều cháu. Dụng cụ tiến hành tiểu phẫu cũng rất đơn giản, chiếc banh và kéo dùng để tiểu phẫu được lấy từ chiếc khay không hề khử trùng”.
Các gia đình ở đây đều tỏ ra hối hận và thương xót cho con mình sau khi đưa đi khám tại cơ sở của bà Hiền. “Cháu còn nhỏ nên sức khỏe yếu, bệnh tình ngày càng phát triển nhanh. Hàng đêm cháu khóc khiến chúng tôi thấy rất đau xót”, một vị phụ huynh nói.
Bên cạnh đó, những gia đình này còn mất rất nhiều chi phí để chữa trị bệnh cho con, trung bình là 20-30 triệu đồng, có người đã lên tới 80 triệu đồng.