Ông Đặng Việt Hà (cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam). Ảnh: CACC. |
Ngày 12/7, lãnh đạo VKSND TPHCM và TAND TPHCM đã có cuộc trao đổi với báo chí vấn đề bảo đảm an ninh và kế hoạch cho phiên xét xử đối với các bị cáo trong đại án đăng kiểm, diễn ra vào ngày 18/7.
Theo lãnh đạo của VKSND TPHCM, vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam có 254 bị cáo, trong đó có 2 cựu Cục trưởng là bị cáo Trần Kỳ Hà và Đặng Việt Hà. 133 bị cáo đang bị tạm giam, số còn lại được tại ngoại.
Các bị cáo bị truy tố, xét xử về các tội: Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Môi giới hối lộ, Giả mạo trong công tác; Sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật; Xâm phạm trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông, hoặc phương tiện điện tử của người khác; Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Tham ô tài sản.
Theo lãnh đạo VKS, vài năm trở lại đây, tại các Trung tâm đăng kiểm, một số đăng kiểm viên không có mặt (do thiếu đăng kiểm viên), nhưng giám đốc Trung tâm đăng kiểm vẫn ký xác nhận để cấp hồ sơ đăng kiểm cho các xe hoạt động nên thành phố xuất hiện nhiều xe cơi nới, gây hư hỏng đường xá, nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Đối tượng bị phát hiện đầu tiên là Trần Lập Nghĩa (chủ đầu tư tại Trung tâm đăng kiểm 66-02D). Ông Nghĩa có 2 trung tâm đăng kiểm, một ở Đồng Tháp và một ở TPHCM. Tháng 5/2024, ông Nghĩa bị TAND tỉnh Đồng Tháp tuyên phạt 29 năm tù về các tội “Nhận hối lộ” và “Giả mạo trong công tác”.
Cũng theo lãnh đạo VKSND TPHCM, cáo trạng truy tố đối với 254 bị cáo là đúng người đúng tội, không oan sai. Quá trình điều tra cho đến nay, các bị cáo đã khắc phục được gần 10 tỷ đồng.
Trả lời báo chí, ông Phạm Ngọc Duy - Chánh văn phòng TAND TPHCM cho biết, tòa đã nhận 65 thùng hồ sơ liên quan đến vụ án, có 1 bị cáo bỏ trốn, được xét xử vắng mặt.
Hội đồng xét xử gồm các thẩm phán Huỳnh Văn Trực - chủ tọa phiên tòa, thẩm phán Trần Minh Châu cùng 3 hội thẩm nhân dân.
Đại diện viện kiểm sát tham gia phiên tòa là các kiểm sát viên Trần Thị Liên, Nguyễn Vũ Mai Diễm, Lê Trương Hà Linh, Phạm Văn Hiền. Bên cạnh đó, có hơn 100 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo.
Cũng theo ông Duy, phiên tòa được mở vào ngày 18/7, dự kiến kéo dài trong 3 tháng. Do số lượng bị cáo đông nên phiên tòa sẽ được xét xử ở 2 địa điểm gồm: trụ sở TAND TPHCM và hội trường trại tạm giam T30 Củ Chi.
Ông Duy khẳng định, vụ án xét xử trực tiếp ở 2 địa điểm chứ không phải là trực tuyến. Do tính chất, đặc điểm của vụ án nên hội đồng xét xử sẽ tiến hành xét hỏi, thẩm tra đối với từng nhóm tội danh, nhóm hành vi. Khi đến lịch thẩm tra, xét hỏi đối với nhóm các bị cáo nào thì sẽ được trích xuất, dẫn giải đến toà để thẩm vấn trực tiếp; các bị cáo thuộc nhóm còn lại sẽ được theo dõi phiên xử qua màn hình tại hội trường trại tạm giam T30 Củ Chi.
Đối với luật sư bào chữa cho các bị cáo, tòa đã có thông báo, các luật sư có thể tham dự phiên tòa tại hai nơi, là ở trụ sở TAND hoặc trại giam T30. Tuy nhiên, đến nay tòa chưa nhận được văn bản của luật sư nào yêu cầu tham gia tại trại tạm giam T30.
Đối với phóng viên tham dự phiên tòa sẽ phải đăng ký với tòa để được phát thẻ.
Sách hay về xã hội
Văn minh Việt Nam - nhà dân tộc học Georges Condominas từng nhận xét tác phẩm này là “Cửa sổ để thế giới hiểu về Việt Nam”.
Sách Bàn về Quốc hội - những thách thức của những khái niệm là kết quả của cả một quá trình tích lũy và suy ngẫm của tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.