Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vụ án đầu tiên của Bao Thanh Thiên và chuyện 'dùng cần vàng câu cá'

Sinh thời, Bao Công từng làm tất cả để bảo vệ sự tôn nghiêm của pháp luật, kể cả khi phải xúc phạm vua. Ông được xem là nỗi sợ hãi của đám tham quan, gian thần.

Theo Tống sử, Bao Công tên thật Bao Chửng (999-1062), tự là Hy Nhân. Ngoài ra, ông còn được gọi là Bao Thanh Thiên, Bao Thị Chế, Bao Hắc Tử, Bao Học Sĩ hay Bao Long Đồ.

'Dùng cần vàng câu cá'

Theo Trình Như Phong, chuyên gia Trung Quốc có nhiều năm nghiên cứu về Bao Công, từ nhỏ, Bao Chửng đã được sống trong môi trường giáo dục tốt. Cha ông là Bao Nghi từng thi đỗ tiến sĩ, sau đó xin cáo quan về quê làm ruộng. Nhờ được thừa hưởng giáo dục từ gia đình, Bao Công sớm thành đạt trong con đường học hành, thi cử.

Năm 29 tuổi, ông đỗ tiến sĩ giáp khoa, được phân công giữ chức Tri huyện Kiến Xương, Trung Quốc. Ông đã xin được ở lại quê hương để làm việc gần cha mẹ.

Năm năm sau, phụ mẫu ông lần lượt qua đời. Hết thời gian để tang, ông vẫn chưa có ý định rời quê hương do không muốn xa nơi song thân yên nghỉ.

Thêm hai năm sau nữa, nhờ có sự giúp đỡ và động viên của xóm làng và họ hàng thân thích, ông quyết định lên đường, chính thức bước chân vào quan lộ, trở thành Tri huyện Thiên Trường (nay thuộc tỉnh An Huy, Trung Quốc).

Ngay khi vừa nhậm chức, Bao Công đã phải đối mặt vụ án khó. Tuy nhiên, ông đã thể hiện được khả năng quan sát và sự nhạy bén trước những tình tiết của vụ án. Đó chính là tố chất của một phán quan xuất sắc, giúp ông trở thành người nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc.

Theo một số sách ghi lại, lúc bấy giờ, một người nông dân khóc lóc, chạy đến huyện nha thưa rằng có người xấu nhẫn tâm cắt lưỡi trâu nhà mình, mong quan huyện tìm ra hung thủ. Sau khi tìm hiểu sự tình và các tình tiết liên quan, Bao Chửng nhận định đây là vụ án do tư thù.

Bao Cong anh 1
Hình vẽ Bao Công trong sách Tam tài đồ hội (năm 1609).

Sau khi suy nghĩ, ông nảy ra kế "dùng cần vàng câu cá" và nói với người nông dân: “Lưỡi bị cắt, con trâu đó chắc chắn sẽ chết. Nhà ngươi mau về mổ trâu bán thịt mà kiếm tiền. Ngươi hãy yên lặng mà làm, không được cho ai biết chuyện bản huyện bảo ngươi giết trâu, vụ án sẽ được làm rõ”.

Quả nhiên, ngay sau khi người nông dân mổ trâu giết thịt, phạm nhân đến trình báo, kể tội người mổ thịt trộm trâu bò.

Sau khi thăng đường xét xử, Bao Công quát lớn: “Điêu dân to gan, sao ngươi lại cắt lưỡi trâu nhà người ta, rồi đến đây tố cáo họ giết trâu? Sao còn chưa thành khẩn khai báo?”.

Trước vẻ mặt sắt đá, uy nghi, tiếng quát như sấm của vị phán quan, tội phạm vừa nghe thấy vậy, nghĩ rằng sự việc đã bại lộ, đành cúi đầu nhận tội. Cũng từ đây, tiếng tăm của ông ngày càng vang xa cả trong lẫn ngoài huyện.

Nỗi ám ảnh với tham quan

Bao Công không chỉ nổi tiếng là vị quan liêm chính, nghiêm minh, ông còn là “cơn ác mộng” đối với gian thần và quan lại tham ô, hủ hóa của triều đình.

Sử sách nhà Tống thống kê trong cuộc đời làm quan, ông xử tội hơn 30 người là hoàng thân quốc thích, quý tộc quyền cao chức trọng đương thời.

Theo Tống sử, Trương Quý phi (1024-1054) là người được vua Tống Nhân Tông sủng ái, vượt xa bổn phận phi tần, lấn át cả hoàng hậu. Trương quý phi phóng túng quyền hành, can thiệp triều chính, tìm cách thăng quan cho chú của mình là Trương Nghiêu Tá.

Trước những lời đường mật của quý phi, vua Tống Nhân Tông dần phong cho ông ta những chức vụ rất quan trọng, dù không có tài cán gì, khiến nhiều quan trong triều phản đối.

Bao Công đã viết sớ tâu lên phản đối. Tuy nhiên, chức vụ của Trương Nghiêu Tá không những không bị giáng, mà tiếp tục thăng tiến. Thấy tình hình không suy chuyển, Bao Chửng tiếp tục tố cáo Trương Nghiêu Tá trong suốt 3 ngày.

Vua Nhân Tông vô cùng bực tức Bao Chửng, tiếp tục phong cho Nghiêu Tá làm Tuyên huy sứ. Không nhịn được nữa, Bao Công yêu cầu mở cuộc biện luận với hoàng đế ngay trong cung triều. Khi cuộc tranh luận lên đến cao trào, Bao Chửng kích động, đứng trước mặt Nhân Tông phẫn nộ, nói đến mức nước bọt bắn cả vào mặt vua. Nhân Tông khó xử, nhẫn nại đưa vạt áo lên lau.

Sách sử Trung Quốc cũng ghi rằng sau khi về cung, Trương quý phi ở ngoài cửa rào đón hỏi chuyện, nhà vua bực tức bảo quý phi: "Bao Chửng tranh luận, nhổ thẳng nước bọt vào mặt ta, nàng chỉ lo đến cái chức Tuyên huy sử. Lẽ nào nàng không biết đến ngự sử Bao Chửng”.

Từ ấy, vua Nhân Tông  dù vẫn rất sủng ái Trương quý phi, nhưng không còn thuận theo ý của người đẹp mà gia ân quá cao cho người nhà của bà nữa.

> Chủ đề: Những võ sư nổi tiếng trong lịch sử

Cái chết bí ẩn của Bao Công

Gần nghìn năm đã trôi qua, cái chết của Bao Công - vị quan nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc - vẫn còn là điều bí ẩn.



Nguyễn Thanh Điệp

Bạn có thể quan tâm