Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vụ án khiến cựu đại tá Phùng Anh Lê vướng lao lý

Năm 2021, Công an Hà Nội lật lại hồ sơ vụ cướp tài sản xảy ra năm 2016. Từ đó, cơ quan điều tra phát hiện ông Phùng Anh Lê đã nhận tiền để chỉ đạo thả nghi phạm vụ án này.

TAND Hà Nội dự kiến trong các ngày 12-13/8 xét xử cựu Trưởng công an quận Tây Hồ (Hà Nội) Phùng Anh Lê và 3 cựu cán bộ từng dưới quyền ông Lê do liên quan đến vụ thả nghi phạm cướp tài sản mà không xử lý hình sự.

Theo cơ quan tố tụng, hành vi sai phạm của ông Lê và 3 bị can còn lại bị phát hiện đầu tháng 1/2021, khi Công an Hà Nội lật lại hồ sơ vụ cướp tài sản xảy ra ở quận Tây Hồ 5 năm trước đó.

Thả nghi phạm sau khi nhận tiền

Tháng 9/2016, Nguyễn Hữu Tài (29 tuổi, ở quận Ba Đình, người chuyên cho vay lãi bằng hình thức bốc bát họ, trả góp theo ngày) cho anh N.C.T. vay 10 triệu đồng nhưng cắt lãi 2 triệu, chỉ đưa cho anh T. 8 triệu đồng.

Theo thỏa thuận, anh T. phải trả cho Tài mỗi ngày 200.000 đồng trong 50 ngày (gồm 160.000 đồng tiền gốc và 40.000 đồng lãi). Tuy nhiên, khi mới thanh toán được 6 triệu, T. gặp khó khăn về kinh tế, nên không thể tiếp tục trả nợ nốt 4 triệu đồng. Sau đó, người này cắt liên lạc với Tài.

Xet xu Phung Anh Le anh 1

Nguyễn Hữu Tài và đồng phạm bị xét xử cuối tháng 4/2021. Ảnh: N.T.

Chiều 21/9/2016, Tài cùng nhóm đàn em Nguyễn Khắc Đức, Trần Văn Lộc và Nguyễn Văn Nam thấy anh T. ở quán nước ven đường Yên Phụ (quận Tây Hồ), nên giữ lại. Anh T. tri hô cướp nhưng bị đối phương khống chế, ép lên xe máy đưa đến địa điểm khác để đòi tiền.

Sau khi giữ người trái pháp luật, Tài và đồng phạm còn cướp điện thoại iPhone của anh T. Tối 21/9/2016, nhóm của Tài chở anh T. sang địa điểm khác để tiếp tục ép trả tiền. Khi đến gần trụ sở Công an phường Tràng Tiền (quận Hoàn Kiếm), thì xe của Đức hết xăng. Thừa lúc sơ hở, nạn nhân thoát khỏi nhóm đòi nợ, rồi đến trình báo công an.

Sáng 22/9/2016, Công an quận Tây Hồ triệu tập Nguyễn Hữu Tài đến ghi lời khai sau khi nhà chức trách nhận được đơn tố cáo của anh T. Làm việc với cảnh sát, Tài thừa nhận hành vi và viết đơn xin đầu thú. Tuy nhiên, sau nhiều giờ bị tạm giữ, Tài được cho về nhà. Sau đó, Công an Tây Hồ không xử lý hình sự nhóm cướp mà tiến hành hòa giải 2 bên.

Đầu tháng 1/2021, Nguyễn Hữu Tài và đồng phạm đến đầu thú Cơ quan điều tra Công an Hà Nội. Sau đó, công an thành phố đã khởi tố các bị can về tội Cướp tài sản.

Ngày 29/4/2021, TAND TP Hà Nội tuyên phạt Nguyễn Hữu Tài 24 tháng tù giam về tội Cướp tài sản. Nguyễn Khắc Đức, Trần Văn Lộc cùng 20 tháng tù; Nguyễn Văn Nam 18 tháng tù.

Ông Phùng Anh Lê phủ nhận cáo buộc

Quá trình lật lại hồ sơ vụ thả Nguyễn Hữu Tài, Công an Hà Nội ghi nhận vợ của Tài khai năm 2016, khi chồng bị tạm giữ, người phụ nữ này đã đưa 100 triệu cho một cán bộ Công an Tây Hồ để nhờ giúp đỡ. Sau đó, Tài được thả về.

Ngày 23/9/2021, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã khởi tố, bắt giam ông Phùng Anh Lê. Ban đầu, ông Lê bị đề nghị truy tố tội Tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù. Tuy nhiên, trong cáo trạng ban hành đầu tháng 5, VKSND Tối cao đã truy tố bị can về tội Nhận hối lộ.

Theo cáo buộc, sau khi Tài bị tạm giữ, người thân của anh ta đã tìm gặp ông Phùng Văn Bảy (chú họ của bị can Lê) để nhờ giúp đỡ. Nghe ông Bảy đặt vấn đề, ông Lê đồng ý cho Tài ra về với điều kiện gia đình nghi phạm phải đưa 110 triệu đồng để bồi thường cho bị hại.

Xet xu Phung Anh Le anh 2

Cơ quan điều tra VKSND Tối cao khám nhà ông Lê ở Hà Nội vào tối 21/9/2021. Ảnh: N.T.

Khuya 22/9/2016, ông Bảy mang tiền đến phòng làm việc của ông Lê. Sau đó, bị can Phùng Anh Lê đã chỉ đạo cấp dưới thả Tài mà không cần các thủ tục tố tụng theo quy định. Quá trình hòa giải, anh T. đồng ý nhận bồi thường 15 triệu đồng từ gia đình Nguyễn Hữu Tài. Còn số tiền 110 triệu đồng mà bị can Lê nhận từ ông Bảy không được đưa cho phía bị hại.

VKSND Tối cao cho rằng giai đoạn điều tra, các bị can khai họ thả nghi phạm vụ cướp là do có chỉ đạo của ông Phùng Anh Lê. Trong khi đó, ông Lê phủ nhận việc này, đồng thời khai không nhận tiền từ ông Bảy. Cựu đại tá Phùng Anh Lê được đánh giá là ngoan cố, chối tội và đổ lỗi cho cấp dưới.

Ngoài ra, khi Công an Hà Nội phát hiện sai phạm trong vụ thả Nguyễn Hữu Tài, vợ chồng Phùng Anh Lê còn bị cáo buộc đến gặp ông Bảy và yêu cầu người này xin lỗi về việc đã khai đưa 110 triệu đồng. Cựu trưởng công an quận còn chủ động tạo nhiều chứng cứ sai sự thật để che giấu hành vi.

Trong vụ án này, VKS đánh giá bị can Lê giữ vai trò chính, là chủ mưu, có động cơ vụ lợi và lợi dụng chức vụ quyền hạn để chỉ đạo thả người trái quy định, không xử lý hình sự đối với người phạm tội.

Cựu đại tá Phùng Anh Lê có 7 luật sư bào chữa

Cựu Trưởng công an quận Tây Hồ Phùng Anh Lê bị truy tố về tội Nhận hối lộ, khung hình phạt 7-15 năm tù. Theo cáo buộc, ông Lê đã nhận 110 triệu đồng để chỉ đạo thả tên cướp.

Ông Phùng Anh Lê tạo chứng cứ giả sau khi thả người trái pháp luật

VKSND xác định sau khi Công an Hà Nội phát hiện vụ việc, vợ ông Phùng Anh Lê đã đọc cho nhân chứng viết thư xin lỗi, trong đó thể hiện cựu trưởng công an quận không phạm tội.

Hoàng Lam

Bạn có thể quan tâm