Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vụ án oan 10 năm: Tòa phúc thẩm chịu trách nhiệm chính

Ông Dương Thanh Biểu, nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã khẳng định như vậy khi trao đổi về việc ông Nguyễn Thanh Chấn bị bắt giam oan hơn 3.600 ngày.

- Thưa ông, việc tìm ra thông tin, bằng chứng về việc nghi can Lý Nguyễn Chung mới chính là hung thủ giết người nhờ công lớn của người vợ ông Nguyễn Thanh Chấn - bà Nguyễn Thị Chiến, chứ không phải từ cơ quan điều tra. Vậy ông có bình luận gì về vấn đề này?

- Bà Nguyễn Thị Chiến, vợ ông Chấn đã có nhiều đơn kêu oan cho chồng mình và tố cáo Lý Nguyễn Chung là hung thủ giết người. Những tài liệu mà bà Chiến nêu trong đơn góp phần quan trọng giúp các cơ quan phát hiện hung thủ. Tuy nhiên việc tố cáo của bà Chiến gửi đến nhiều cơ quan nhưng chưa được giải quyết.

Chỉ đến khi Cơ quan điều tra VKSND Tối cao vào cuộc thì vụ việc mới được làm sáng tỏ. Ngay sau khi nhận được đơn, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã tổ chức 3 đoàn với các Điều tra viên có kinh nghiệm đi xác minh, lần theo chỗ ở trong Đắk Lắk và tại Bắc Giang nơi bố mẹ ruột đối tượng sinh sống.

Ông Nguyễn Thanh Chấn (áo trắng) rơi nước mắt trong ngày trở về.

Vì bị can Chung liên tục thay đổi số điện thoại và liên tục thay đổi chỗ ở, cũng như di chuyển khắp nơi từ Đắk Lắk đi Quảng Ninh, sang Trung Quốc…Trong quá trình xác minh, thu thập dấu vết, nhiều Điều tra viên đã được giao nhiệm vụ bám sát, tiếp cận hung thủ, sau đó, bằng sự thuyết phục của người thân, cuối cùng Chung đã chấp nhận ra đầu thú và khai nhận hành vi giết chị Nguyễn Thị Hoan vào đêm 15/8/2003, để cướp tài sản.

Như vậy, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao trong thời gian qua cũng đã có nhiều cố gắng, khẩn trương xác minh làm rõ vụ án này. Do vậy, qua đây cần biểu dương việc làm có kết quả rất tốt của Cơ quan điều tra VKSND Tối cao.

Cơ quan tố tụng ở Bắc Giang phải chịu trách nhiệm

- Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã chỉ đạo sớm minh oan, bồi thường cho anh Chấn, đồng thời làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân gây nên oan sai động trời này. Cơ quan điều tra VKSND Tối cao sẽ làm rõ trách nhiệm của các cơ quan tư pháp tham gia vào vụ việc oan sai trước đây. Theo ông, sau khi có bản án tái thẩm, vụ việc sẽ được giải quyết theo trình tự như thế nào?

- Theo thông tin, ngày 6/11, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã có quyết định chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng VKSND Tối cao, tuyên hủy hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra xét xử lại. Nhiều người sẽ nóng lòng, sao không tổ chức bồi thường cho ông Chấn đi còn chờ bao giờ nữa, nhưng đây là quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Cần có cuộc điều tra để kết luận bị can Lý Nguyễn Chung là thủ phạm vụ án giết người và ông Chấn là người không phạm tội.

Tuy nhiên, vì quyền lợi của người bị oan và gia đình họ cũng như dư luận nhân dân hiện nay đang mong chờ bản án tuyên ông Chấn không phạm tội sẽ được tuyên trong nay mai. Vì vậy, thiết nghĩ, các cơ quan pháp luật phải vào cuộc ngay để phiên tòa sơ thẩm được mở sớm nhất. Phiên tòa sơ thẩm được mở sớm không chỉ là sự mong chờ của người bị giam oan 10 năm qua mà còn qua đây, các cơ quan bảo vệ pháp luật sẽ lấy lại được lòng tin của nhân dân

Tiếp đó, ông Chấn có quyền yêu cầu Tòa án bồi thường thiệt hại do bị oan. Tòa án có trách nhiệm bồi thường phải ngay lập tức tổ chức xin lỗi ông Chấn. Sau đó, Tòa án có trách nhiệm tiến hành đàm phán với ông Chấn về mức bồi thường trong thời gian ông Chấn bị tù oan. Cuối cùng, Tòa án tiến hành các thủ tục trính tiền ngân sách để bồi thường cho ông Chấn theo đúng Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước.

- Thưa ông, đối với những cơ quan tư pháp liên quan trước đó thì cần phải xem xét xử lý trách nhiệm ra sao?

- Khi xem xét trách nhiệm trong việc để xảy ra oan cho ông Chấn trước hết thuộc trách nhiệm các cơ quan pháp luật ở cấp sơ thẩm như Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án tỉnh Bắc Giang. Đối với cấp phúc thẩm, thì Tòa phúc thẩm TAND Tối cao là cơ quan tuyên án phúc thẩm đối với ông Chấn nên phải chịu trách nhiệm chính.

Đối với trách nhiệm của Viện kiểm sát xét xử phúc thẩm thì cần xem xét trong quá trình xét xử phúc thẩm, quan điểm của Viện kiểm sát xét xử phúc thẩm đối với vụ án này như thế nào? Ví dụ: Vụ án được xét xử phúc thẩm do có kháng cáo và quan điểm của Viện kiểm sát xét xử phúc thẩm xác định ông Chấn không phạm tội nhưng Tòa phúc thẩm kết luận ông Chấn có tội thì trong trường hợp này, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao phải chịu trách nhiệm.

- Ở đây có xem xét cả trách nhiệm của những người đã “đứng mũi chịu sào” trong việc truy tố, xét xử, kết án ông Nguyễn Thanh Chấn hay không?

- Khi đã xác định cơ quan có trách nhiệm thì cần làm rõ trách nhiệm cá nhân trong việc giải quyết vụ án này là ai. Trách nhiệm cá nhân ở đây trước hết là những người ký vào bản án, cáo trạng, kết luận điều tra... Để làm rõ trách nhiệm, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao cần vào cuộc điều tra làm rõ, có thể khởi tố vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp để điều tra về hành vi làm sai dẫn đến kết tội oan ông Chấn. Quá trình điều tra, phát hiện những người có hành vi làm sai dẫn đến kết tội oan cho ông Chấn phải bảo đảm nghiêm minh nhưng cũng chú ý tìm hiểu nguyên nhân, điều kiện của việc làm sai đó. Nghĩa là, khi xem xét, xử lý phải hết sức khách quan, toàn diện.

- Vậy cơ quan nào sẽ phải đứng ra bồi thường cho ông Chấn, thưa ông?

- Vụ án này đã được xét xử phúc thẩm và bản án đã có hiệu lực. Theo quy định của pháp luật hiện hành, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao là cơ quan có trách nhiệm bồi thường cho ông Chấn về 10 năm bị ngồi tù oan.

Án oan do… bức cung, mớm cung

- Trong lịch sử tư pháp nước nhà, đã có người những trường hợp như thế này chưa và theo ông chúng ta cần phải làm gì để không tái diễn những vụ án oan?

- Từ trước tới nay ở nước ta cũng đã có nhiều trường hợp tương tự như ông Chấn. Trong thập niên năm 90 của thế kỷ trước có vụ án Huỳnh Văn Nam, ở Đồng Nai; vụ Lương Ngọc Phi, ở Thái Bình. Trong những năm gần đây có vụ án Vườn Điều, ở Bình Thuận; vụ Nguyễn Minh Hùng ở Tây Ninh … Có một điểm chung trong các vụ án oan là do bức cung, mớm cung dẫn đến bị bắt giam oan.

Tình trạng bức cung, mớm cung, thậm chí có cả nhục hình không chỉ xẩy ra ở nước ta mà tại các nước trên thế giới cũng thường xẩy ra. Các nước tiên tiến họ đã có cách khắc phục tình trạng án oan là: bất cứ bản cung nào đều phải có hai điều kiện mới được coi bản cung đó là hợp pháp. Thứ nhất, các bản cung phải có luật sư tham gia và thứ hai phải có băng ghi âm buổi hỏi cung đó. Thiết nghĩ, trong quá trình xây dựng Bộ luật TTHS hiện nay cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định về vấn đề này như thế nào để bảo đảm việc điều tra phải được khách quan, toàn diện.

 

Theo Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm