“Giết con, chôn giấu xác”
Trong những ngày vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang đang được làm sáng tỏ, tôi đã đến thăm ông ở một xóm nhỏ thuộc huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Trước mặt tôi là người đàn ông tuy không thật già so với tuổi 67 của mình, nhưng gương mặt khắc khổ khác thường, như chất chứa bao nỗi oan khiên.
Nghe chuyện của ông, tôi bần thần tự hỏi, sao trên đời này người ta có thể tạo nên những oan khuất ngần ấy và nghị lực nào đã giúp người đàn ông này không ngã quỵ. Đó là ông Phạm Văn Thành (Ba Thành) ở ấp Hòa Ninh, xã Hòa Tịnh, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) - người từng bị bắt giam và tịch thu hết tài sản vì bị tình nghi giết chết con ruột của mình rồi chôn xác phi tang.
Ba Thành bùi ngùi nhớ lại: “Lúc ấy, nhờ chí thú làm ăn, tôi gây dựng được trang trại chăn nuôi dê lớn nhất vùng. Tôi có đứa con trai tên Phạm Thanh Tuyền, lúc ấy tròn 16 tuổi, nhưng ham chơi, không lo làm ăn, nên tôi thường la mắng, đánh đòn nó”. Đó chính là mầm mống tai họa ập xuống đầu ông.
Dù đã 24 năm trôi qua, nhưng những hố đào “tìm xác” vẫn còn dấu vết. |
Sáng 17/8/1989, chính quyền xã Hòa Tịnh đến nhà khống chế Ba Thành và thông báo với bà con chung quanh là Ba Thành giết chết con trai, giấu xác phi tang, nên chính quyền xã tạm giữ, chờ công an huyện điều tra làm rõ. Sau đó, Công an huyện Chợ Gạo đến bắt giam Ba Thành.
Những ngày sau đó, chính quyền địa phương huy động lực lượng hùng hậu đào bới hàng trăm hố trong khu vườn rộng gần 3ha của ông Thành để “tìm xác nạn nhân”.
Tin đồn “cha giết con giấu xác” nhanh chóng lan nhanh ra cả huyện Chợ Gạo và tỉnh Tiền Giang, mỗi ngày có hàng ngàn người hiếu kỳ đến bu quanh khu vườn xem đào kiếm xác đứa con. Bà Châu Ngọc Hòa (vợ Ba Thành) quá khiếp sợ cảnh hàng ngàn người vây quanh nhà, nhiều người không kìm được sự phẫn nộ chuyện “giết con”, đã chửi mắng bà, nên phải bồng con nhỏ về nhà cha mẹ ruột lánh nạn...
Tịch thu hết tài sản
Ngay sau khi Ba Thành bị bắt giam, chính quyền xã Hòa Tịnh đưa lực lượng đến thu giữ toàn bộ tài sản của gia đình ông. Biên bản thu giữ tài sản ghi: “Theo sự chỉ đạo của ông Lê Văn Trung - Bí thư xã Hòa Tịnh - nay ra lệnh thu giữ toàn bộ tài sản của ông Phạm Văn Thành.
Lý do: Tình nghi đương sự giết con trai là Phạm Văn Tuyền. Tài sản tạm thu giữ gồm có: 200 con dê nái giống, mỗi con trị giá 5 chỉ vàng 24K tại thời điểm năm 1989; 40 con dê con trị giá 1 chỉ vàng 1 con; 1 máy suốt lúa trị giá 1 lượng vàng;... Khi nào ông Phạm Văn Thành tìm được con ông về, chúng tôi sẽ hoàn trả lại toàn bộ số tài sản tạm thu giữ nêu trên - UBND xã Hòa Tịnh sẽ phát loa đi khắp xã 7 ngày để minh oan cho ông Thành. Ký tên Chủ tịch UBND xã Hòa Tịnh, Cao Văn On”. Vậy là toàn bộ cơ ngơi của ông Thành trị giá hàng trăm cây vàng bị thu giữ một cách vô tội vạ.
Ông Thành bị bắt giam mà không có sự phê chuẩn của Viện KSND huyện Chợ Gạo. Sau khi ông Thành bị bắt tạm giam hơn 1 năm, chính quyền địa phương mới ra quyết định “cưỡng bức lao động 18 tháng” vì tội “vu khống, chống người thi hành công vụ, hủy hoại tài sản công dân” đối với ông.
Ngày Ba Thành được Công an tỉnh Tiền Giang minh oan (chụp lại của gia đình). |
Nhưng không ai cho ông biết, ông vu khống ai, chống ai, hủy hoại tài sản gì? Ông Thành ứa nước mắt khi nhớ lại lúc ra tù: “Khi ra khỏi trại giam, tôi chỉ còn da bọc xương, chân không đi được. Về tới nhà tôi mới biết đàn dê trị giá cả trăm cây vàng của tôi bị họ tịch thu, chia nhau hết. Nhưng khổ nhất là chính quyền vẫn không tuyên bố tôi vô tội. Suốt nhiều năm trời tôi phải chịu tiếng “giết con”, mỗi khi tôi bước chân ra khỏi nhà, bị mọi người nhìn với ánh mắt kinh tởm, thậm chí họ còn chửi tôi”.
Ba Thành kể, lúc ấy khi nghe tin người thầy giáo thân thương qua đời, dù hai chân còn rất yếu, ông cũng chống nạng đến viếng thầy, nhưng người con của thầy ngăn lại bảo: “Ngày xưa anh là học trò ngoan, còn bây giờ là kẻ giết người, anh không xứng đáng vào viếng thầy”. Lần khác, ông đi đám cưới người thân, có người chỉ thẳng vào mặt ông nói trước đám đông: “Thằng này là tội phạm giết người, coi chừng nó gây án ở đây”.
Cứ thế, suốt 5 năm trời ông phải mang bản án “giết con giấu xác”. Cho đến một ngày cuối năm 1994, đứa con Phạm Thanh Tuyền đột ngột trở về, dẫn theo cả vợ con. Với khuôn mặt chợt rạng rỡ nhưng ướt nước mắt, Ba Thành kể: “Khi nghe thằng Tuyền về, tôi tưởng đang nằm mơ. Đến khi thấy nó cùng vợ con bước vào nhà, vợ chồng tôi ôm nhau khóc, thằng Tuyền cũng khóc, nó sụp xuống lạy vợ chồng tôi, vì nó mà gia đình gặp thảm họa”.
Sau phút trùng phùng, Tuyền kể: Lúc đó, do bị ông Thành đánh đau nên giận gia đình, trốn nhà bỏ đi Mộc Hóa (tỉnh Long An, cách đó khoảng 100 cây số) làm mướn. Sau đó Tuyền gặp một cô gái nghèo và kết nghĩa vợ chồng, có con. Đến khi dành dụm được chút tiền, cũng không còn thấy giận cha nữa, Tuyền dẫn vợ con về ra mắt cha mẹ, khi về đến đầu xóm mới biết chuyện kinh khủng xảy ra ở nhà.
Ba Thành kể tiếp: “Ngày thằng Tuyền về, chính quyền xã có đến xem thực hư ra sao, họ chỉ im lặng khi thấy đúng là thằng Tuyền còn sống. Nhưng họ không giữ đúng lời hứa là phát loa minh oan và trả lại tài sản cho tôi”.
Sau đó là những tháng ngày dài Ba Thành đội đơn đi kêu oan khắp nơi. Ông cho biết, dù rơi vào nghèo khó, nhưng mỗi tháng ông phải bỏ cả triệu đồng để đi kêu oan từ xã lên huyện, tỉnh, trung ương...
Gần 10.000 lá đơn kêu oan
Theo thống kê của Ba Thành, từ khi ra tù cho đến giữa năm 2004, ông đã gửi tổng cộng 5.790 lá đơn kêu oan. Với sự tác động của các cơ quan trung ương, nỗi oan của ông Ba Thành cuối cùng rồi cũng được xem xét. Ngày 26/7/2004, trước sự chứng kiến của khoảng 200 người dân ấp Hòa Ninh (xã Hòa Tịnh), Công an tỉnh Tiền Giang đã công khai xin lỗi và giải oan cho Ba Thành.
Đích thân thượng tá Nguyễn Chí Phi, Phó Giám đốc Công an Tiền Giang lúc đó, đã đến đọc quyết định minh oan với nội dung: Việc Công an huyện Chợ Gạo bắt ông Phạm Văn Thành về hành vi “vu khống, chống người thi hành công vụ, hủy hoại tài sản công dân” là oan sai do nóng vội, yếu kém về nghiệp vụ chuyên môn, pháp luật. Công an huyện Chợ Gạo có trách nhiệm kiểm điểm làm rõ trách nhiệm cá nhân và có hình thức xử lý cụ thể đối với các cán bộ liên quan đến việc bắt oan sai ông Thành.
Khu chuồng trại nuôi dê một thời, giờ hoang phế. |
Đồng thời Công an tỉnh Tiền Giang có trách nhiệm xem xét giải quyết bồi thường thiệt hại cho ông Thành theo Nghị quyết 388 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ba Thành đòi Công an tỉnh Tiền Giang bồi thường tổng cộng 2,4 tỷ đồng đối với việc bị bắt oan và thiệt hại tài sản. Công an Tiền Giang chỉ đồng ý bồi thường “thiệt hại về tinh thần” cho ông Thành số tiền hơn 84 triệu đồng. Còn số tài sản của ông Thành giá trị hàng trăm cây vàng, Công an tỉnh Tiền Giang không thu giữ nên không có trách nhiệm bồi thường.
Thương lượng không xong, ông Thành kiện ra tòa. Cả phiên tòa sơ thẩm (TAND huyện Chợ Gạo, tháng 3/2005) và phúc thẩm (TAND tỉnh Tiền Giang, tháng 5/2005) đều xử Công an Tiền Giang bồi thường “thiệt hại về tinh thần” cho ông Thành số tiền hơn 84 triệu đồng.
Thực tế, cho đến bây giờ vẫn chưa có văn bản nào minh oan cho ông Thành chuyện “giết con, giấu xác phi tang”, ông cũng không được trả số tài sản mà chính quyền xã Hòa Tịnh thu giữ lúc ông bị bắt giam (giá trị hơn 100 cây vàng). Từ năm 2005 đến nay, ông Thành tiếp tục gửi khoảng 4.000 lá đơn kêu oan đến các nơi.
Dẫn tôi đi ra khu vườn hoang một thời là trang trại nuôi dê sầm uất, ông Thành ngậm ngùi nói: “Sau khi ra tù, tài sản mất hết, vốn liếng không còn, tôi không đi đứng được, rồi phải lo kêu oan, nên trang trại bỏ hoang cho tới ngày nay”. Dù đã mấy chục năm trôi qua, nhưng những cái hố đào “tìm xác nạn nhân” vẫn còn dấu vết, bên cạnh là dãy chuồng trại một thời nuôi dê giờ sụp đổ, mục nát.
Không còn hồ sơ
Trả lời PV, ông Phạm Ngọc Phong – Phó Bí thư Đảng ủy xã Hòa Tịnh – cho biết, hiện xã Hòa Tịnh không còn lưu hồ sơ liên quan tới chuyện thu giữ tài sản của ông Thành. Những cán bộ dính líu đến việc tịch thu tài sản của ông Thành giờ cũng đã nghỉ việc hết. Vào tháng 6/2006, Bộ Tư pháp đã cử đoàn công tác vào Tiền Giang, đến tận nhà ông Thành để khảo sát chuyện bồi thường thiệt hại do oan sai, nhưng vẫn không giải quyết được.