Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Vụ án tham nhũng lớn nhưng số tiền thu về ngân sách lại thất vọng'

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) cho rằng công tác thu hồi tài sản tham nhũng càng lớn thì số tiền thu về ngân sách càng thất vọng.

Chiều 6/11, góp ý, thảo luận ở hội trường Quốc hội về công tác tư pháp, phòng chống tham nhũng năm 2017, nhiều đại biểu khẳng định việc thu hồi tài sản còn yếu kém, khiến tình hình tham nhũng còn nhiều bất cập.

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (đoàn Lâm Đồng) cho rằng thu hồi tài sản là vấn đề trọng tâm trong đấu tranh phòng chống tội phạm, là chính sách hình sự quan trọng được thể hiện rõ nét trong Bộ Luật hình sự. Nhưng, báo cáo của Chính phủ gần như không phản án đầy đủ hoặc chỉ có một dòng nhạt nhoà "thu hồi có tích cực nhưng tỷ lệ còn thấp".

Ông Hiểm dẫn báo cáo của Chính phủ đưa ra số liệu án tham nhũng gây thiệt hại hơn 1.000 tỷ đồng và 77.000 m3 đất, thu hồi chỉ được hơn 300 tỷ đồng và 3.700 m3 đất. Tỷ lệ thu hồi về tiền đạt 22%, đất là 4,8%. Tổng Cục thi hành án thụ lý 415 vụ việc thuộc nhóm tội phạm tham nhũng, tương đương số tiền phải thu là hơn 6.000 tỷ, nhưng mới thu hồi hơn 1.150 tỷ (khoảng 19%).

Thu hoi tai san tham nhung anh 1
Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (đoàn Lâm Đồng). Ảnh: Quochoi.vn.

"Một số vụ án tham nhũng lớn nhưng số tiền thu về cho ngân sách quốc gia còn thất vọng hơn nhiều. Như vụ cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng tại tập đoàn Vinashin, hai bị án Phạm Thanh Bình và Trần Văn Liêm phải bồi thường thiệt hại cho công ty Vinashin là hơn 989 tỷ đồng và tiền lãi chậm trả thi hành án. Đến, tháng 7/2017, chúng ta vẫn chưa thi hành được khoản nào", đại biểu Hiển nói .

Theo vị đại biểu đến từ tỉnh Lâm Đồng, với những số liệu nêu trên cho thấy việc thu hồi tài sản là quá nhỏ so với thiệt hại lớn mà tội phạm tham nhũng gây ra cho ngân khố quốc gia. Ông đề nghị: "Theo tôi các cơ quan cần coi thu hồi tài sản là chính sách quan trọng ưu tiên hàng đầu trong điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án".

Đồng quan điểm này, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định), Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng cho biết số tài sản tham nhũng không hề nhỏ nhưng thu hồi tỷ lệ rất thấp.

Đại biểu Hoa cũng đưa ra dẫn chứng tổng kết 10 năm thi hành luật cho thấy thiệt hại hơn 59.700 tỷ đồng và 400 ha đất nhưng thu hồi rất thấp, chỉ 7,82% tiền và tài sản, 54,7% về đất. Những năm gần đây thu hồi có tăng nhưng chưa đạt yêu cầu đề ra.

Thu hoi tai san tham nhung anh 2
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định), Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn.

Đại biểu Hoa nhấn mạnh để xảy ra tình trạng này là do cơ quan tố tụng chưa thực sự quyết liệt, chưa kịp thời áp dụng các biện pháp ngăn chặn để tránh tẩu tán tài sản tham nhũng.

Việc kê khai tài sản lâu nay chủ yếu dựa vào ý thức tự giác mà chưa có quy định chặt chẽ trường hợp xác minh tài sản và công khai rộng rãi kê khai, chưa có biện pháp kiểm soát thu nhập của người dân nói chung và người có quyền hạn, tình trạng dùng tiền mặt còn phổ biến... khiến cho việc nhận diện tài sản tham nhũng khó khăn.

"Thu hồi tài sản tham nhũng là thước đo hiệu quả của phòng chống tham nhũng, nên cần quyết tâm, chủ động hơn nữa thì mới khắc phục được hậu quả nguy hiểm của xã hội, trả lại nguồn lực cho đất nước", Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp Quốc hội góp ý.

'Một số cán bộ tiếp tay, bảo kê cho doanh nghiệp'

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng công tác phòng chống tham nhũng năm 2017 vẫn còn nhiều hạn chế, một số cán bộ có dấu hiệu tiếp tay, bảo kê cho doanh nghiệp vi phạm pháp luật.

Bộ Tư pháp: Thu hồi được 3/4 tài sản của 'bầu' Kiên phải nộp

Đại diện Bộ Tư pháp cho biết đến nay cơ quan thi hành án đã thu hồi được 3/4 số tài sản mà "bầu" Kiên phải trả cho Nhà nước.



Thắng Quang

Bạn có thể quan tâm