![]() |
Mẫu bún đổi màu đỏ tại TP Đà Nẵng đã được kiểm nghiệm và kết luận không chứa hóa chất độc hại. |
Ngày 15/7, UBND phường Hoà Xuân (TP Đà Nẵng) đã có thông báo về kết quả sau khi tiến hành lấy mẫu kiểm tra việc bún đổi màu đỏ.
Theo đó, sau khi lấy mẫu kiểm tra, cơ quan chức năng xác định trong mẫu bún không phát hiện hàn the hay bất kỳ chất hóa học độc hại nào. Các chỉ số vi sinh ở trong mức cho phép, không gây ảnh hưởng đến sức khoẻ người sử dụng.
Nguyên nhân khiến bún chuyển sang màu đỏ được xác định là do sự phát triển của vi sinh vật khi sản phẩm tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Trong trường hợp này, hiện tượng đổi màu xảy ra chủ yếu do điều kiện bảo quản không đảm bảo, tạo môi trường thuận lợi cho vi sinh vật phát triển.
Trước đó, sáng 6/7, bà V.T.L. cùng chồng ra chợ Hòa Châu mua 15.000 đồng bún từ một quầy bún quen về ăn trưa và để lại một phần cho con trai. Phần bún chưa dùng đến được bà đặt trong rổ nhựa, để nơi khô thoáng.
Tuy nhiên, đến khoảng 21h cùng ngày, khi bà lấy bún cho con ăn thì phát hiện nhiều sợi đã chuyển sang màu đỏ, mềm và hơi ướt. Đến sáng 7/7, toàn bộ phần bún còn lại đều đổi màu và khi bỏ vào nước lọc thì nước cũng chuyển sang màu đỏ.
UBND phường Hòa Xuân đã vào cuộc và xác định số bún trên được cung cấp từ cơ sở sản xuất H.M trên địa bàn. Phường đã yêu cầu cơ sở tạm dừng sản xuất từ ngày 8/7 đồng thời lấy mẫu bún đi kiểm nghiệm.
Thời điểm đó, qua kiểm tra ban đầu, cơ sở H.M có giấy phép kinh doanh nhưng giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đã hết hiệu lực. UBND phường yêu cầu cơ sở chỉ được phép hoạt động trở lại sau khi có kết quả kiểm nghiệm đạt yêu cầu và được cơ quan chức năng cho phép.
![]() |
Người dân khi đi mua bún cần kiểm tra màu sắc, mùi vị và độ đàn hồi của bún trước khi mua. Ảnh minh hoạ. |
Trao đổi với PV Báo Sức khoẻ và Đời sống, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia công nghệ thực phẩm cho biết, quy trình sản xuất bún theo phương pháp truyền thống tiềm ẩn nguy cơ nhiễm khuẩn nếu không kiểm soát tốt khâu vệ sinh.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, bún, phở an toàn có mùi hơi chua dịu, không quá nặng mùi. Đây là mùi chua hoàn toàn tự nhiên của gạo ngâm trong quy trình chế biến bún, phở. Bún, phở chứa hóa chất không bao giờ có mùi chua này. Đặc biệt bún, phở chứa hóa chất để qua 2-3 ngày vẫn không bị chua và không bị ôi thiu.
Chuyên gia cũng nhận định, bún bị nhiễm khuẩn không nguy hiểm như các loại thịt, nhưng vẫn có thể gây ngộ độc thực phẩm nhẹ. "Nếu ăn phải, người dùng có thể bị đau bụng, tiêu chảy. Tuy không nghiêm trọng, nhưng vẫn ảnh hưởng đến sức khỏe", PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cảnh báo.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo, người dân khi đi mua bún cần kiểm tra màu sắc, mùi vị và độ đàn hồi của bún trước khi mua. Bún tươi ngon thường có màu trắng ngà tự nhiên, sợi dai nhưng không quá cứng, không có mùi lạ hay chua.
Sau khi mua về, nên sử dụng bún càng sớm càng tốt. Nếu chưa dùng ngay, hãy bảo quản trong tủ lạnh để hạn chế vi khuẩn phát triển. Cảnh giác với dấu hiệu bất thường. Khi phát hiện bún có màu sắc, mùi vị lạ, hoặc bị chảy nhớt, tuyệt đối không nên sử dụng vì có thể nguy cơ cao dẫn đến ngộ độc thực phẩm.
Khoảng trống y khoa về một hội chứng quen thuộc
Căng thẳng độc hại là một hội chứng nhiều người gặp phải. Có điều, các nghiên cứu y khoa về vấn đề này chưa toàn diện. Đây là khoảng trống gây khó khăn cho việc điều trị.
Mục Sức khỏe giới thiệu cuốn sách Tầng giếng sâu – cuốn sach mang tới cho người đọc một cái nhìn đầy đủ và sâu sắc hơn về những ảnh hưởng của "nghịch cảnh thời thơ ấu" (ACE) với sức khỏe tinh thần của con người.